Hai cựu thủ lĩnh biển cả

Trung tá, cựu chiến binh Lê Duy Ứng và Đại tá Nguyễn Thành Vinh dù tuổi đã cao, nhưng cả 2 ông vẫn còn khỏe mạnh. Ông Vinh vào Sài Gòn sinh sống nên bây giờ trông phong cách như một doanh nhân, còn ông Ứng thì vẫn đeo cầu vai kiểu cũ thời BĐBP trực thuộc Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Ngày Truyền thống của lực lượng (3-3), hai cựu thủ lĩnh biển cả lại nhắc về những hồi ức.

Trung tá Lê Duy Ứng giờ vẫn nhớ những mệnh lệnh buộc hải tặc phải dừng tàu. Ảnh: Lê Văn Chương

“Chú... bố”

Sau ngày đất nước giải phóng, ông Lê Duy Ứng được cấp trên cử vào miền Nam để thành lập Hải đoàn. Tình hình trên biển lúc đó còn rất nhiều phức tạp trước nạn vượt biển, tàu nước ngoài xâm nhập, bọn hải tặc từ Thái Lan liên tục trấn cướp, hãm hiếp man rợ trên biển. Ông Ứng nhận nhiệm vụ và tưởng tượng ra cảnh lênh đênh trên biển, chấp nhận sóng gió như những người lính đi tàu không số. Nhiệm vụ này đối với ông đầy khó khăn thử thách. Vì ông sinh ra và lớn lên ở Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, là vùng quê lúa.

Năm đó, ông Ứng đã 35 tuổi. Người vợ ôm đứa con thơ ra ga Việt Trì tiễn chồng. Cô bé Lê Thị Tuyết Thanh, con gái của ông còn nhỏ nên không hình dung được bố mình đi xa cỡ nào và bao lâu. Người vợ của ông nói với con: “Bố mày đi thì sang năm đến phép mới về”. Ông quay lại nhìn vợ con lần cuối rồi bước lên tàu khi đoàn tàu sắp chuyển bánh. Thời đất nước mới giải phóng, những người lính như ông vẫn phải sống cảnh chia ly. Nhưng, đó lại là chuyến đi kéo dài đến 3 năm giữa thời bình.

Bộ khung của Hải đoàn được thành lập tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bao gồm ông Ứng, đồng chí Trần Thanh Liêm, Phạm Đăng Đông, Lê Hoàng Lăng và Phạm Xuân Côn. Trong số cán bộ này có đồng chí Đông và Lăng đi học ở Liên Xô về. Bộ Tư lệnh biên chế cho Hải đoàn tàu loại hiện đại vào thời bấy giờ, đó là loại Grip của Liên Xô, đạt tốc độ tối đa hơn 20 hải lý/giờ. Ông Ứng đã vượt qua những khó khăn nhất, đó là quen với sóng gió, không bị say sóng.

Khi đơn vị nhận được tàu thì tổ chức tuần tra ngay. Những chuyến đi rất dài ngày trên biển. Những đêm vắng trên biển cả ông sực nhớ đứa con và người vợ ngày tiễn ra sân ga. Một cái phép trôi tuột qua, rồi đến cái phép thứ 2 cũng vậy. Vợ chồng ông chỉ thăm nhau đều đặn qua thư từ. Sau 3 năm vào miền Nam, ông Ứng được cấp trên phân công ra Hà Nội họp, lúc đó ông mới tranh thủ thăm nhà. Đứa con gái nhỏ thấy bố tặng cho chú búp bê Sài Gòn thì nói “chào chú” rồi bỏ chạy. Phải mất vài ngày cho kẹo và dỗ dành con ông mới chấp nhận gọi là “chú bố”.

“Thỏ lỏ mỏ!”

Tinh thần ra khơi của những người lính vào thời đó luôn đi với quyết tâm cháy bỏng vì sự bình yên cho biển cả. Anh em trong đơn vị được tập huấn sử dụng vài câu tiếng Thái. “Thỏ lỏ mỏ” có nghĩa là thả neo xuống. Trước khi ra khơi, ông Ứng và anh em đều dự kiến những phương án khi đối mặt với hải tặc. Ông nhớ lại, những chuyến đi đầu tiên, ông giữ cương vị Hải đội trưởng, ông Nguyễn Thành Vinh là Hải đội phó, thời gian đi kéo dài đến 3 tháng. Đó là quãng thời gian mà cả cuộc đời của ông Ứng và ông Vinh không bao giờ quên.

Đại tá Nguyễn Thành Vinh thăm đội tàu Grip từng săn bắt hải tặc. Ảnh: Lê Văn Chương

Ra biển mai phục được một thời gian ngắn thì phát hiện được tàu hải tặc. Những chiếc tàu này phát hiện tàu tuần tra lần đầu tiên xuất hiện thì bỏ chạy, khi thấy bị đuổi rát quá thì tàu hải tặc quay lại đâm thẳng vào tàu Grip của Biên phòng. Ông Ứng và ông Vinh ra lệnh nổ súng bắn cảnh cáo, nhưng tàu chúng vẫn ngoan cố, nên phải bắn sượt mũi tàu để bọn hải tặc bớt hung hãn. Tàu Grip lợi dụng tốc độ cao áp sát rất nhanh và từng tổ nhảy qua tàu khống chế chúng. Ban đầu, bọn hải tặc Thái Lan trên tàu ra hiệu là “dân lương thiện làm ăn”. Sau một hồi lục soát, anh em Biên phòng phát hiện được vỏ đạn AR 15 rơi vãi trong ca bin. Phía sau tàu có mấy bộ quần áo của phụ nữ Việt Nam. Tới lúc đó, bọn chúng mới thừa nhận là hải tặc, nhưng giả dạng đi đánh cá để lợi dụng cướp bóc, bắt phụ nữ hãm hiếp rồi ném xuống biển. Chỉ sau vài ngày tuần tra đầu tiên, biên đội đã bắt được 9 tàu hải tặc, đưa về đất liền xử lý.

Nhiều chuyến tuần tra trên biển, biên đội tuần tra Biên phòng đã bắt được nhiều tàu hải tặc kéo vào đất liền. Vào thời đó, các tỉnh ven biển có đội tàu đánh cá quốc doanh có nhiều tàu to. Nhưng so với tàu cá của Thái Lan có ca bin 2-3 tầng, chiều dài trên 20 mét thì tàu quốc doanh của Việt Nam còn thấp bé. Ông Võ Văn Kiệt lúc đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng khi ra công tác tại đảo Phú Quốc đã đến thăm, biểu dương anh em trong Hải đoàn. Ông Kiệt ra bến gõ tay vào chiếc tàu hải tặc và trầm trồ nói: “Tàu to, sướng quá, mình bao giờ đóng được tàu như thế này”.

Đổ máu giả

Năm 1997, Bộ Tư lệnh BĐBP thành lập thêm Hải đoàn 48 ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Thành Vinh được phân công quay ra xây dựng đơn vị để mở rộng vùng tuần tra ở vùng biển miền Trung. Tình hình khu vực này đang “nóng” lên vì tàu cá Trung Quốc xâm phạm đánh bắt trộm thủy hải sản ở vùng biển Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, bên cạnh đó là tình hình buôn lậu và gian lận thương mại gia tăng.

Chỉ tính riêng Hải đoàn 48 BĐBP từ ngày thành lập đến nay đã bắt 259 lượt tàu đánh cá nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam, bắt 29 tàu buôn lậu và gian lận thương mại...

Ngay sau khi 4 chiến mã Grip và một tàu hậu cần tiếp dầu được điều về, Hải đoàn lập tức bố trí một lực lượng ở nhà tham gia xây dựng đơn vị, còn lại lên tàu xuất phát. Tàu tuần tra ra tới vùng biển Quảng Bình vào những ngày đầu tiên và đã lập tức bắt giữ tàu của ngư dân Trung Quốc đánh bắt trộm hải sản. Chỉ huy Hải đoàn 48 thông báo cho toàn thể đơn vị bức điện từ tàu gửi về để động viên tinh thần anh em phấn chấn, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng sau đó lại tiếp tục nhận được tin dữ. Đó là một ngư dân Trung Quốc bỗng dưng nằm ra sàn tàu và người đầy máu, trong khi anh em Biên phòng đối xử với họ rất nhân đạo. Ông Vinh phân vân và ra hiệu “kiểm tra thật kỹ trên người xem có gì bất thường hay không”. Vài phút sau, sự lo lắng của cả đơn vị trôi qua khi ngoài tàu điện về bờ báo cáo, ngư dân họ đổ thuốc đỏ lên người để bắt vạ và xin thả tàu.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hai-cuu-thu-linh-bien-ca/