Hai cô gái và những giọt nước mắt nhắc nhở chúng ta

Hai cô gái trẻ, một của Nhật Bản, một của Việt Nam đã trở nên nổi tiếng theo những cách khác nhau dù đều đi cùng những giọt nước mắt.

Câu chuyện thứ nhất được lan truyền trên mạng xã hội về clip về nữ vận động viên chạy tiếp sức của Nhật Bản, đã chạy bằng đầu gối. Hoàn thành quãng đường vài trăm mét để về đích. Ở vạch đích, người đồng đội của cô không kìm nổi những giọt nước mắt ngóng chờ đồng đội và đón lấy chiếc khăn từ tay cô để tiếp tục phần chạy.

Chắn chắn không chỉ có người đồng đội của cô rơi nước mắt.

Khi cô được các nhân viên y tế hỗ trợ đứng lên, hai đầu gối của cô trầy xước ứa máu. Nhưng cô gái đó đã đi vào lịch sử thể thao, không phải với thành tích xuất sắc nhất mà chắc chắn là một trong những tấm gương nghị lực nhất.

Điều đáng nói, chạy tiếp sức là môn thể thao đồng đội, trong đó, mỗi thành viên đóng góp một phần không thể thiếu để làm nên thành tích của cả đội. Trong trường hợp này, cái tên của môn thể thao: “Chạy tiếp sức” đã trở nên phù hợp đắc địa hơn bao giờ hết, bởi đồng đội của cô đã không chỉ được tiếp sức về mặt thể chất mà cả tinh thần họ đã được truyền một cảm hứng, một sức mạnh một tinh thần trách nhiệm.

Với sự chậm trễ sau chấn thương, với cách “chạy” bằng đầu gối, kết quả cuối cùng của cô gái tự nó đã có đầy đủ ý nghĩa mà không cần đưa ra bảng xếp hạng trong sự so sánh với những đội chạy tiếp sức khác.

Cũng trong vài ngày qua, dư luận quan tâm đến một cô gái khác, cũng còn rất trẻ, đó là người mẹ đã ném con sơ sinh của mình ở sân chung cư Linh Đàm (Hà Nội), theo thông tin trên báo chí.

Đã đành, một người phụ nữ sau sinh nở đang ở giai đoạn yếu đuối cả về thể chất tinh thần và có thể có những sang chấn tâm lý nhất định. Thế nhưng, theo cá nhân người viết, nếu xét cả một quá trình trước, trong và sau khi mang thai, việc làm của cô gái cho thấy một lối sống rất đáng suy nghĩ.

Thiếu kỹ năng trong quan hệ tình cảm, kỹ năng về tình dục an toàn, cô gái đã lựa chọn việc che giấu hậu quả có thai ngoài ý muốn. Với hành động sau cùng với đứa con mới sinh, dù còn sống hay đã chết, cô gái trẻ cũng vẫn phải chịu sự phán xét của luật pháp và ở một khía cạnh nào đó, của đạo đức. Quan trọng nhất, cô sẽ khó tránh khỏi sự phán xét của chính lương tâm mình.

Biết là không dễ dàng, nhưng nhiều người vẫn nghĩ rằng, mọi chuyện hoàn toàn có thể bớt tồi tệ hơn rất nhiều nếu cô gái đó đủ dũng cảm đối diện với chính sai lầm của mình và nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ từ gia đình, từ những người thân. Cũng không thể không đề cập tới câu chuyện về dư luận xã hội, nếu xã hội bớt khắt khe hơn, bớt đi những định kiến về quan hệ tình dục và mang thai trước hôn nhân, thì rất có thể sinh linh bé bỏng vừa ra đời sẽ có cơ hội được sống.

Để đánh giá một con người, một hành động trong một thời điểm không nói lên tất cả. Thành công hôm nay không nhất thiết bảo đảm cho thành công trong ngày mai và những vấp váp, sai lầm của ngày hôm qua cũng không cản trở những nỗ lực, cố gắng của chúng ta trong tương lai. Nhưng những câu chuyện đã nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết của lối sống có trách nhiệm, và đầu tiên chính là có trách nhiệm với chính bản thân mình...

Quang Lê

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/hai-co-gai-va-nhung-giot-nuoc-mat-nhac-nho-chung-ta/350623.vgp