Hai chương trình nghệ thuật kỷ niệm 44 năm Ngày Thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao kỷ niệm 44 năm Ngày Thành phố Sài Gòn – Gia Định chính thức, vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (2-7-1976 – 2-7-2020), một trong những điểm nhấn là hai chương trình nghệ thuật 'Ngày hội Gia đình văn hóa – hạnh phúc' và 'Tự hào Thành phố mang tên Bác' diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Chương trình “Ngày hội Gia đình văn hóa – hạnh phúc” (cũng nằm trong dịp kỷ niệm 19 năm ngày gia đình Việt Nam 28-6-2001 – 28-6-2020) diễn ra lúc 19 giờ ngày 28-6 tại sân khấu chính phố đi bộ Nguyễn Huệ là dịp tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam; giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa – hạnh phúc; hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…

Phối cảnh sân khấu chương trình Ngày hội Gia đình văn hóa – hạnh phúc

Phối cảnh sân khấu chương trình Ngày hội Gia đình văn hóa – hạnh phúc

Nội dung chương trình gồm 3 chủ đề chính: Cội nguồn và gia đình, Gia đình Việt Nam và Gia đình văn hóa - hạnh phúc.

Ngoài chương trình nghệ thuật biểu diễn, Ngày gia đình còn có các hoạt động như: Tuyên dương Gia đình truyền thống tiêu biểu ở các lĩnh vực và Gia đình văn hóa – hạnh phúc tiêu biểu năm 2020; thực hiện các gian nhà tái hiện cuộc sống sinh hoạt gia đình theo từng giai đoạn trong suốt 44 năm qua; trưng bày giới thiệu các bộ trang phục áo dài gia đình truyền thống, hiện đại; biểu diễn các trang phục áo cưới Việt Nam tại khu vực sân khấu nhỏ; triển lãm về gia đình, chống bạo lực trong gia đình, hình ảnh sinh hoạt của gia đình xưa và nay; biểu diễn, diễu hành tái hiện đám cưới xưa, nay…

Nhảy Flashmob chủ đề về Gia đình hạnh phúc và phòng chống Covid – 19 cũng như gameshow cả nhà vào bếp với chủ đề “Bữa ăn gia đình Việt” cũng mang đến không khí sôi nổi.

Khu vực triển lãm áo dài cũng là điểm nhấn đặc biệt

Trong khi đó, ngày bế mạc của chuỗi sự kiện, lúc 19 giờ ngày 2-7 là chương trình nghệ thuật đặt biệt với chủ đề “Tự hào Thành phố mang tên Bác”.

Chương trình được chia thành 3 chương với hai màu sắc âm nhạc chủ đạo. Trong đó, ở chương 1 với chủ đề “Có một thời như thế” vẽ nên một không gian hào hùng, linh thiêng với sự hi sinh quả cảm vì một mục tiêu chung là nền hòa bình của đất nước.

Những giọng ca: Cẩm Vân, Thanh Sử, Đào Mác, Hiền Thục, Thanh Nguyên, Dương Quốc Hưng, Lưu Hiền Trinh, Thùy Trinh, Phạm Trang, Duyên Huyền, Võ Hạ Trâm,… sẽ đưa khán giả về những ký ức được khắc họa rõ nét trong: Dòng sông hát, Tiếng hát từ Thành phố mang tên Người, Một đời người một rừng cây, Tình ca tuổi trẻ, Thành phố tình yêu và nỗi nhớ,… hay trích đoạn kịch ngắn “Hoa mướp vàng” qua phần trình diễn của NSƯT Hạnh Thúy, NS Hữu Nghĩa, Mai Dũng, Phi Nga,…

Sân khấu tại phố đi bộ Nguyễn Huệ được thiết kế với những điểm nhấn đặc trưng

Đúng như tên gọi của chương 2 “Thành phố đón bình minh” và “Khát vọng thành phố trẻ” của chương 3, khán giả sẽ thấy rõ nét một thành phố tiến lên trong thời kỳ đổi mới và phát triển vượt bậc không ngừng trong những năm qua.

Cả hai chương trình do Trung tâm Ca nhạc nhẹ Thành phố ( đơn vị nghệ thuật thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố) thực hiện.

VĂN TUẤN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hai-chuong-trinh-nghe-thuat-ky-niem-44-nam-ngay-thanh-pho-mang-ten-chu-tich-ho-chi-minh-669600.html