Hai chữ P - trừng phạt (Punishment) và bảo vệ (Protection)

Đạo luật Phòng, Chống mua bán người của Thái Lan năm 2008 (Anti - Trafficking in Persons Act B.E. 2551) đã bãi bỏ và thay thế Đạo luật năm 1998 về các Biện pháp phòng ngừa và trấn áp nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, với trọng tâm chính là hai chữ P: Bảo vệ (Protection) các nạn nhân trong khi trừng phạt (Punishment) nghiêm khắc đối với những kẻ buôn người và kẻ tham gia loại hình tội phạm nguy hiểm này.

Mức phạt lên đến chung thân

Về hình phạt, Đạo luật PCMBN quy định hình phạt dựa vào độ tuổi của nạn nhân cũng như đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, mức độ nghiêm trọng và tình tiết của từng vụ việc; cụ thể như sau:

Mua bán người phạt tù từ 4 - 10 năm, phạt tiền từ 80.000 - 200.000 bath (56 triệu đến 140 triệu đồng).

Nạn nhân từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi: phạt tù từ 6 - 12 năm, phạt tiền từ 120.000 - 240.000 bath.

Nạn nhân dưới 15 tuổi: phạt tù từ 8 - 15 năm, phạt tiền từ 160.000 - 300.000 bath.

 Lực lượng chức năng Thái Lan giải cứu những nạn nhân của tội phạm mua bán người là người thiểu số Rohingya vào năm 2019. Ảnh: fortyfiright

Lực lượng chức năng Thái Lan giải cứu những nạn nhân của tội phạm mua bán người là người thiểu số Rohingya vào năm 2019. Ảnh: fortyfiright

Các tình tiết tăng nặng: những vụ việc liên quan đến buôn bán trẻ em, hành vi bạo lực, hoặc cưỡng bức sẽ bị xử lý nghiêm khắc hơn, có thể áp dụng hình phạt cao nhất là tù chung thân. Nếu nạn nhân tử vong do bị ngược đãi hoặc bóc lột, người phạm tội có thể phải đối mặt với án tử hình.

Thái Lan quy định khá chặt chẽ, cụ thể và hướng tới tăng nặng hình phạt đối với những hành vi được thực hiện bởi tội phạm có tổ chức, bởi đưa nạn nhân ra khỏi biên giới, bởi người trong bộ máy nhà nước. Thái Lan cũng quy định trách nhiệm hình sự của các pháp nhân:

Bất kỳ pháp nhân nào phạm tội buôn bán người sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đến một triệu baht.

Nếu là tội phạm có tổ chức thì các thành viên phải chịu hình phạt nặng hơn gấp 1/2 lần hình phạt mà pháp luật quy định.

Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới Thái Lan, hoặc tội phạm được thực hiện bởi người trong bộ máy nhà nước thì xử phạt gấp 2 lần hình phạt mà pháp luật quy định.

Người trực tiếp làm công tác chống buôn bán người, người thực thi pháp luật tham gia buôn bán người thì sẽ bị xử phạt gấp 3 lần hình phạt mà pháp luật quy định.

Bên cạnh đó, cá nhân, tổ chức cung cấp tài sản, nơi hội họp cho những đối tượng buôn bán người thì có thể sẽ bị xét thêm tội trong Luật Chống rửa tiền và tịch thu hết tài sản thu được.

Bảo vệ nạn nhân và hỗ trợ tài chính

Đạo luật năm 2008 và các lần sửa đổi sau đó cũng bổ sung các biện pháp bảo vệ nạn nhân và hỗ trợ tài chính, y tế cho họ. Điều này giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến nạn nhân, đồng thời tăng cường tính răn đe và hiệu quả của luật trong việc ngăn chặn buôn bán người. Cụ thể như sau:

Điều 33 quy định: Bộ Phát triển Xã hội và An ninh Con người sẽ xem xét cung cấp hỗ trợ phù hợp cho người bị buôn bán về thức ăn, nơi ở, điều trị y tế, phục hồi chức năng thể chất và tinh thần, giáo dục đào tạo, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ trở về quốc gia gốc hoặc nơi cư trú, các thủ tục pháp lý để yêu cầu bồi thường. Quyền được bảo vệ, cho dù là trước, trong và sau khi cung cấp hỗ trợ, bao gồm cả khung thời gian cung cấp hỗ trợ của từng giai đoạn, sẽ được thông báo cho nạn nhân và phải được xin ý kiến của nạn nhân.

Khi cung cấp hỗ trợ theo khoản một, viên chức có thẩm quyền có thể đưa người bị buôn bán vào sự chăm sóc của nơi trú ẩn chính theo Luật Phòng, Chống mại dâm, hoặc nơi trú ẩn chính theo Luật Bảo vệ trẻ em hoặc các trung tâm phúc lợi khác của chính phủ hoặc tư nhân.

Trong khi đó, Điều 36 quy định về nghĩa vụ bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, người nhà nạn nhân khi đưa ra lời khai và là nhân chứng chống lại đối tượng phạm tội. Trong trường hợp này, nạn nhân với tư cách là nhân chứng, sẽ được bảo vệ về mọi mặt theo Luật Bảo vệ nhân chứng trong vụ án hình sự. Nếu người bị buôn bán phải trở về quốc gia cư trú hoặc nơi thường trú hoặc nếu các thành viên gia đình của người bị buôn bán sống ở quốc gia khác, thì cán bộ có thẩm quyền phải phối hợp với cơ quan tại quốc gia đó để bảo đảm an toàn liên tục cho nạn nhân và người nhà.

Đối với nạn nhân là người nước ngoài, Điều 37 và 38 quy định: nạn nhân sẽ được hỗ trợ xin tạm trú tại Thái Lan và tạm thời làm việc theo luật định. Viên chức có thẩm quyền sẽ hỗ trợ nạn nhân trở về quốc gia cư trú trên cơ sở bảo đảm an toàn và phúc lợi cho nạn nhân.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/hai-chu-p-trung-phat-punishment-va-bao-ve-protection-post395211.html