Hải chiến chống giặc Ô Lan của Thế tử Dũng Lễ Hầu

Diễn ra năm Giáp Thân (1644), khi Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần vẫn còn ở ngôi Thế tử Dũng Lễ Hầu. Năm ấy Thế tử mới tròn 24 tuổi.

Tranh minh họa trận hải chiến cửa biển Eo (Thuận An) năm Giáp Thân 1644.

Tranh minh họa trận hải chiến cửa biển Eo (Thuận An) năm Giáp Thân 1644.

Trước khi nói về trận hải chiến đầu tiên của Thế Tử Dũng Lễ Hầu, chúng tôi xin minh định khái niệm sẽ dùng trong bài. Chúng tôi sẽ dùng từ ‘’hải chiến’’ để chỉ các trận đánh của thủy binh trên biển. ‘’Thủy chiến’’ để chỉ trận đánh của thủy binh trên sông nước.

Và cũng rất thú vị khi chúng ta cùng điểm lại các trận đánh sử dụng thủy binh (quân) trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi của cha ông.

Các trận thủy chiến vang dội trong lịch sử.

Tượng đài Nữ tướng Lê Chân ở thành phố Hải Phòng.

Vị nữ thủy sư đầu tiên, theo ghi chép trong lịch sử, chính là nữ tướng Lê Chân (năm 20 – 43 sau Công Nguyên). Bà chỉ huy thủy binh ở vùng Đông Bắc, tức Hải Phòng, Quảng Ninh ngày nay. Bà đã đem quân của mình hội với quân của Hai Bà Trưng, vào năm Hai Bà Trưng khởi nghĩa, năm 40.

Năm 43, Mã Viện đưa quân sang xâm lược nước ta, bà đem thủy binh kháng cự trên sông Bạch Đằng. Những trận đánh rất dữ dội, làm chậm đà tiến quân của giặc. Nhưng sau đó, bà phải rút quân theo tuyến sông Bạch Đằng, Kinh Thầy, sông Đuống, và về vùng Hồ Tây, bên hữu sông Hồng để củng cố lực lượng, tiếp tục kháng chiến. Khi khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại, nữ tướng Lê Chân cũng ngã xuống, hy sinh vì nước.

Trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng tiêu diệt quân Nam Hán của Ngô Vương (938).

Cũng trên sông Bạch Đằng, năm 938, Ngô Quyền đã đóng cọc dưới lòng sông, lợi dụng thủy triều đánh tan quân Nam Hán do Hoàng Thao cầm đầu. Chiến thắng này đã chính thức chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập lâu dài.
Về sự kiện này, sử gia Ngô Thì Sỹ nhận xét trong ''Việt sử tiêu án'':

‘’ Lưu Nghiễm (ý chỉ vua Nam Hán) ngấp ngó Giao Châu, thừa lúc Đình Nghệ mới mất, cậy có quân ứng viện của Công Tiễn, chắc rằng có thể đánh một trận phá được Ngô Quyền, nhân thế lấy được nước Nam dễ như móc túi vậy.

Nếu không có một trận đánh to để thỏa nhuệ khí của Lưu Nghiễm, thì cái tình hình ngoại thuộc lại dần dần thịnh lên, cho nên trận đánh ở Bạch Đằng là cái căn bản khôi phục quốc thống đó. Sau này Đinh, Lê, Lý, Trần còn phải nhờ dư liệt ấy. Võ công hiển hách của Ngô Quyền, tiếng thơm nghìn đời, đâu có phải chỉ khoe khoang một lúc bấy giờ mà thôi’’.

Tranh minh họa Lê Đại Hành thủy chiến phá giặc Tống ( năm 981)

Trận thủy chiến vang dội thứ 3, cũng trên sông Bạch Đằng, được Sách ‘’Đại Nam Nhất Thống Chí’’ ghi chép, cũng như nhiều thần tích vùng Thủy Nguyên (Hải Phòng) phản ánh, là thủy chiến của Lê Hoàn trong kháng chiến chống quân nhà Tống, vào tháng 4 năm 981.

Tranh minh họa Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư đốt thuyền lương của quân Nguyên Mông xâm lược (đầu năm 1288)

Đầu năm 1288, thủy quân nhà Trần, dưới sự chỉ huy của Phó Tướng Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư đã đánh tan đoàn thuyền chở mười bẩy vạn thạch lương do tướng Nguyên Trương Văn Hổ chỉ huy trong trận Vân Đồn. Chiến thắng này khiến đạo quân xâm lược gần chết đói, và phải lên kế hoạch rút chạy về nước.

‘’Đại Việt sử ký toàn thư’’ chép: "Khánh Dư đánh, giặc bị thua, bắt được lương thực khí giới của giặc không xiết kể, bắt sống quân giặc rất nhiều".

Thủy chiến Bạch Đằng năm 1288 dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Năm 1288, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã tổ chức trận địa cọc nhọn cửa sông Bạch Đằng, lợi dụng thủy triều, đánh tan nát đoàn quân Nguyên Mông xâm lược trên đường tháo chạy. Sự kiện này nhiều người cũng đã am tường.

Nhưng có lẽ đó mới là các trận thủy chiến trong lịch sử. Còn hải chiến trên biển? Đó là nội dung chính chúng tôi sẽ đề cập sau đây. Nhưng trước khi nói tới sự kiện này, thiết tưởng phải nhắc tới một nhân vật anh hùng, người thường tự ví mình với Khổng Minh trên Trung Hoa. Đó là Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ.

Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ với cuốn binh pháp Hổ Trướng Khu Cơ.

Sự nghiệp lẫy lừng của Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ giúp nhà Chúa, hay nói đúng hơn, là đóng góp cho sự nghiệp mở mang bờ cõi của Đại Việt, chúng tôi đã điểm qua trong bài báo ‘’Định mệnh phù Chúa mở cõi của Đào Duy Từ’’.

Sách binh pháp Hổ Trướng Khu Cơ của Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ.

Bên cạnh những đóng góp đã được nhắc tới đó, Hoằng Quốc Công còn để lại một tác phẩm, đó là cuốn binh pháp ‘’Hổ Trướng Khu Cơ’’, chủ yếu dạy cách đánh trận và chế tạo vũ khí.

Đào Duy Từ đã học rất nhiều kinh nghiệm đánh thủy của người Thủy Chân Lạp. Đặc biệt là thuyền chiến có đáy nhọn của họ. Thủy quân nhà Nguyễn được trang bị những chiến thuyền đó, khác hẳn thuyền chiến của nhà Trịnh đáy bằng. Chiến thuyền của nhà Nguyễn có thể di chuyển mau lẹ, dích dắc trên sông, trên lạch và cả trên biển.

Trong Hổ Trướng Khu Cơ còn nhiều chương bàn về binh pháp và vũ khí. Chẳng hạn như Đào Duy Từ còn viết về cách làm thủy lôi chưa từng có, để ngầm dưới nước, làm nổ tung thuyền đối phương… Hay cách dùng lưu hoàng, diêm tiêu, than gỗ… nung nóng và làm gãy xích sắt của thuyền đối phương.

Một phần nhờ cuốn binh thư vĩ đại này, mà Đàng Trong có lực lượng thủy binh cùng vũ khí rất mạnh. Trong bảy lần giao tranh trên sông với nhà Trịnh, nhà Trịnh luôn thất bại.

Và chắc chắn rằng, các Chúa, các hoàng tử, các tướng lĩnh của Vương Quốc Đàng Trong, đều được học cuốn binh thư quý báu này. Và quân đội Đàng Trong rất giỏi thủy chiến, có nhiều kinh nghiệm. Cho đến sau này, khi Đại Việt thống nhất, Hoàng Đế Gia Long lên ngôi, nước ta vẫn có lực lượng thủy quân rất mạnh. Người Pháp sau này đánh giá rất cao, và gọi nước ta là Đế quốc Việt Nam.

Hải chiến trên biển chống giặc Ô Lan (Hà Lan) của Thế Tử Dũng Lễ Hầu.

Tranh vẽ chân dung Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần trong sách Lịch sử Việt Nam bằng tranh của Nhà xuất bản Trẻ.

‘’Tính tới năm 1637, chúa Trịnh đã 3 lần cử đại binh vào Nam đánh chúa Nguyễn, nhưng đều phải chịu thất bại. Nhận ra rằng khó mà có thể đánh bại được Đàng Trong bằng chính sức lực của mình, để giành được chiến thắng, chúa Trịnh Tráng gửi một bức thư cho Toàn quyền Đông Ấn Hà Lan tại Batavia (Jakarta ngày nay), có tên Anthony van Diemen. Bức thư cho biết Trịnh Tráng muốn phía Hà Lan chuyển cho ông ta hai hoặc ba tàu, 200 lính bắn giỏi để giúp.

Ngoài ra chúa Trịnh còn cần người Hà Lan gửi cho Đàng Ngoài 50 thuyền chiến, với binh lính tinh nhuệ và đại bác có sức công phá mạnh, để cùng quân Trịnh đi đánh Đàng Trong.

Để đổi lại sự giúp đỡ này, chính quyền Đàng Ngoài sẽ tặng cho binh lính Hà Lan 20.000-30.000 lạng bạc. Ngoài ra, chúa Trịnh Tráng cũng hứa hẹn với người Hà Lan rằng ông ta sẽ tặng luôn Quảng Nam cho người Hà Lan cai trị, và bắt dân chúng Đàng Trong phải nộp cống cho Toàn quyền Đông Ấn Hà Lan và phía Hà Lan sẽ chia cho Đàng Ngoài một ít để hai bên cùng có lợi’’. (Theo tác giả Vũ Chân Thư: Những trận thủy chiến nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam (kỳ 4): Trận Cửa Eo - Chúa Nguyễn xung trận).

Theo các ghi chép lại của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes năm 1651 thì:

‘’Chúa Đàng Ngoài tấn công chúa Đàng Trong, như tôi sẽ nói sau, ba lần đem quân đi đánh nhưng đều thất bại. Chúa liền cầu cứu với thương gia người Hòa Lan chiếm đóng bến tàu Java Cả, gọi là Jaquetra hay Tân Hòa Lan. Chúa phái người đem lễ vật tới xin cung cấp cho mấy chiếc tàu tròn của họ, để nhờ đó chúa quyết định phá hủy hạm đội người Đàng Trong. Người Hòa Lan nhận lời ngay vì biết là để tấn công chúa Đàng Trong đã công khai từ mấy năm nay tự xưng thù địch với nước mình’’.

Vậy là sử ghi chép rất rõ ràng mưu đồ bán nước xấu xa của chúa Trịnh Tráng.

Đến đây chúng tôi xin tạm dừng câu chuyện để có đôi lời về tập đoàn phong kiến họ Trịnh. Nổi lên từ sự kiện phù Lê diệt Mạc, họ Trịnh xuất hiện trên chính trường Việt Nam nhờ sự thu nạp và dẫn dắt của Ngài Nguyễn Kim. Nhưng Ngài Nguyễn Kim không ngờ tới kẻ mà ông đã trót ‘’nuôi ong tay áo’’.

Họ Trịnh tham vọng, lấn lướt quyền hành. Tập đoàn này đã có những hành động như giết vua (nhà Lê), dung túng bọn kiêu binh, áp bức dân lành (đặc biệt nghiêm trọng dưới thời chúa Trịnh Giang).

Trong suốt thời gian lấn quyền vua (thời Lê Trung Hưng), tập đoàn này không đưa ra được quyết sách gì cho Đàng Ngoài phát triển. Lúc nào cũng tính tới việc cản bước tiến của Đàng Trong trong công cuộc mở cõi.

Và tất cả đã dẫn tới trận hải chiến đầu tiên trong lịch sử Đại Việt, giữa Đàng Trong với thủy quân phương Tây, ở của biển Eo (Thuận An ngày nay).

Tàu chiến Hà Lan vây cửa biển Eo năm 1644.

Sử chép:

‘’Bấy giờ giặc Ô Lan (tức Hà Lan) đậu thuyền ngoài biển, cướp bóc lái buôn. Quân tuần biển báo tin. Chúa (tức chúa Nguyễn Phúc Lan) đang bàn kế đánh dẹp.
Thế Tử tức thì mật báo với Chưởng Cơ Tôn Thất Trung (là con thứ tư của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, em của Chúa Nguyễn Phúc Lan đương kim), ước đưa quân thủy ra đánh.

Trung lấy cớ chưa bẩm mệnh, ngần ngại chưa quyết. Thế Tử đốc suất chiến thuyền của mình tiến thẳng ra. Trung bất đắc dĩ cũng đốc suất binh thuyền ra đi, đến cửa biển thì thuyền của Thái Tử đã ra ngoài khơi..

Trung lấy cờ vẫy lại, nhưng Thế Tử không quay lại. Trung bèn giục binh thuyền tiến theo. Chiến thuyền trước sau lướt nhanh như bay. Giặc trông thấy cả sợ, nhằm thẳng phía Đông mà chạy, bỏ rơi lại một chiếc thuyền lớn. Thế Tử đốc quân vây bắn. Tướng giặc thế cùng phóng lửa tự đốt chết. Thế Tử bèn thu quân về.

Chúa (tức Chúa Nguyễn Phúc Lan đương kim) nghe tin Thế Tử đi có một mình cả sợ, bèn tự đốc suất đại binh tiếp ứng, vừa tới cửa biển, xa trông khói đen bốc mù trời, kíp ra lệnh cho các quân tiến lên.

Tới khi được tin thắng trận, Chúa mừng lắm, kéo quân về hải đình để chờ. Thái Tử đến bái yết. Chúa giận trách rằng: ‘’Mày làm Thế Tử, sao không thận trọng giữ mình?’’.

Lại thiết trách Trung về tội không bẩm mệnh. Trung cúi đầu tạ tội giờ lâu, rồi nhân khen ngợi oai phong anh dũng của Thế Tử không ai kịp được. Chúa cười nói rằng: ‘’Trước kia tiên quân ta (ý chỉ Chúa Nguyễn Phúc Nguyên) đã từng đánh phá giặc biển, nay con ta cũng lại như thế. Ta không lo gì nữa’’. Bèn trọng thưởng cho, rồi khiến xa giá về cung’’. (Đại Nam Thực Lục, Tập 1, Nxb Giáo Dục, 2007, trang 55- 56).

Xét trong sử sách, cho tới thời điểm đó, đây là trận hải chiến trên biển đầu tiên của người Việt, chống lại giặc ngoại bang, nhất lại là thủy quân của một cường quốc biển phương Tây.

Tiếp nối truyền thống thủy chiến của cha ông, dòng máu anh hùng đã chảy trong người con được lịch sử trao sứ mệnh. Dù mới là một vị thế tử Dũng Lễ Hầu trẻ tuổi, nhưng Ngài đã tinh thông võ nghệ binh pháp, được hấp thụ từ những bậc thầy như Đào Duy Từ, và khí phách từ dòng máu anh hùng cao quý, Đại Việt nhờ những đôi vai như Ngài mà mở rộng và trường tồn. Và sẽ mãi trường tồn, dù phải đối mặt với nghịch cảnh khó khăn đến thế nào đi nữa.

Hàn Thủy Giang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/hai-chien-chong-giac-o-lan-cua-the-tu-dung-le-hau-3401051/