Hai cây bút nữ và câu chuyện có thực mới vực được… văn chương

Nhiều nữ nhà văn không chỉ là người tinh tế trong con chữ mà còn khéo léo cả ngoài cuộc sống đời thường. Chỉ riêng về ẩm thực, nếu từng một lần dùng bữa do họ tự tay vào bếp, bạn sẽ thấy họ trân trọng sản vật của trời đất ra sao...

Cả 2 nhà văn đều cho rằng, trong bếp mới chính là lúc họ cảm thấy thăng hoa nhất trong sự nghiệp sáng tác

Căn bếp là nơi sáng tác thăng hoa nhất

Nhà văn Y Ban nấu ăn rất ngon. Không chỉ nấu ngon mà chị còn thu vén rất khéo léo, vừa vặn để các món ăn đủ làm ấm lòng người thưởng thức chứ không bao giờ thừa mứa, phí phạm. Tay nghề bếp núc của chị được rèn luyện ngay từ những ngày đầu về làm vợ một nhà điêu khắc, làm dâu một gia đình sinh sống bằng nghề bán gà tần thuốc bắc và xôi chim trong lòng phố Hà Nội. Sau này ra ở riêng, được làm chủ một căn bếp rộng rãi với đầy đủ các tiện nghi, nhà văn mới có điều kiện trổ tài nội trợ của mình. Từ các món ăn truyền thống đến món mới “cập nhật” từ các miền đất chị từng đặt chân đến ở châu Á, châu Âu hay Mỹ... khi qua bàn tay chế biến của Y Ban đều mang một hương vị đặc sắc khó quên.

Hàng ngày, chị xách làn ra ngôi chợ quê gần nhà vào buổi sáng sớm, lựa thật kỹ từng con cá, miếng thịt, bìa đậu, mớ rau để về tự tay làm các món ăn, các bữa sáng trong suốt một tuần không bao giờ lặp lại khiến cho chồng và cậu con trai luôn bị lôi bật ra khỏi giường bởi mùi thơm nức tỏa ra từ phòng ăn. Mỗi khi nhà có khách đến bất chợt không báo trước, chị chẳng hề lúng túng mà có thể mở tủ lạnh, ra sân trước, vào vườn sau chỉ một loáng là có ngay mấy món ăn ngon lành để lai rai trò chuyện.

Mấy năm gần đây nhà văn Y Ban nghỉ hưu, có nhiều thời gian tiếp đãi bạn bè trong và ngoài nước ngay tại ngôi nhà của mình. Những người bạn đến từ châu Âu, Mỹ hay Hàn Quốc rất thích được đến thăm nhà Y Ban, bởi vì ngay ở tầng một là xưởng điêu khắc kiêm phòng trưng bày tác phẩm của chồng chị (nghệ sĩ điêu khắc Trần Hoàng Cơ). Sau khi để khách thỏa thuê ngắm nghía những bức tượng to nhỏ đứng ngồi, chị mời các bạn văn lên tầng hai và đi thẳng vào... bếp chứ không phải phòng khách.

Căn bếp đủ rộng để kê một chiếc bàn lớn cho hai chục người ngồi cùng nhau, khi hai cánh cửa sổ mở ra khu vườn của ngôi chùa gần đó, ánh sáng và gió lập tức đưa hương nhãn, hương cau tràn vào khiến ai cũng thấy trong lòng thư thái. Trong lúc khách còn ngất ngây tận hưởng mùi thơm của hoa cỏ thì trên mặt bàn nhanh chóng được bày các bát gia vị, tô lớn đặt trên đĩa, thìa dĩa. Một chiếc xoong lớn bốc khói nghi ngút được đặt vào giữa bàn, tay phải nhà văn khéo léo múc từng muôi cháo vào bát, tay trái rắc nhúm rau thơm, hành mùi thái nhỏ. Hết một vòng, chị hướng dẫn khách cách rắc hạt tiêu, ớt bột và thưởng thức từng thìa cháo nóng hổi.

Nhà văn tươi cười bảo: “Người Việt Nam có câu “Có thực mới vực được đạo”, cho nên chúng ta phải ăn trước đã, rồi mới nói chuyện văn chương được.” Các bạn văn nước ngoài vừa gật gù ăn vừa cố đoán xem nguyên liệu làm nên món ăn là gì để rồi cùng ồ lên ngạc nhiên và thú vị khi biết đó là món cháo vịt nấu đậu xanh.

Sau món cháo là các loại hoa quả chấm muối ớt, nước nụ vối ủ trong giành tích uống cùng những chiếc kẹo lạc, kẹo vừng được làm thủ công còn nguyên nét thô vụng. Bên chiếc bàn ăn, những câu chuyện về văn chương, đất nước, con người, lịch sử, chiến tranh... cứ nối tiếp nhau rôm rả giữa các nhà văn tưởng như không dừng lại được khi bóng chiều đang phủ xuống tối sẫm khu vườn ngoài cửa sổ. Nhiều bạn văn khi về nước đã nhắn lại cho nhà văn Y Ban những dòng chân thành: “Ban, tôi rất yêu căn bếp của bạn. Ở đó có tất cả những gì tuyệt vời nhất của một người đàn bà Việt Nam. Tôi yêu đất nước bạn bắt đầu từ căn bếp đó”.

Có người nói đùa, khi tay dao tay thớt ở trong bếp mới chính là lúc nhà văn Y Ban thăng hoa nhất trong sự nghiệp sáng tác chứ không phải khi ngồi trước màn hình máy tính hay trước tập bản thảo. Nghe thế, chị gật đầu thừa nhận cùng giọng cười giòn tan như không vướng chút ưu tư nào.

Từ món trứng sống thành đặc sản hai miền

Nghe một bạn trẻ quảng cáo món trứng vịt muối hấp dẫn quá, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đặt thử chục quả về ăn. Trứng được gửi đến, nhà thơ háo hức mang ngay ra thưởng thức rồi nhắn tin cho người bán: “U ăn trứng rồi, nhưng chỉ ăn lòng đỏ thôi vì bóc ra thấy lòng trắng loãng quá, chắc là chưa chín hẳn. Trứng thơm ngon lắm con ạ” (nhà thơ hay được các bạn trẻ gọi “U” và xưng “con” một cách thân mật). Ngay lập tức có cuộc gọi đến máy, người bán hốt hoảng: “U ăn luôn rồi ạ? Không luộc lên ạ?” Nhà thơ đáp: “Ừ u ăn luôn, cần gì luộc, trứng muối mà”. Đầu bên kia hét lên: “Ôi chết. Trứng muối chứ có phải cà muối đâu mà u ăn sống như thế?”. Nhà thơ sợ quá kêu lên: “Ối, thế hóa ra là u ăn trứng sống à?”...

Thông tin nhà thơ ăn trứng sống khiến nhiều người lo lắng, cứ nhắn tin dặn phải nghe ngóng tình hình cơ thể có biến động gì không. Mấy ngày sau thấy vẫn bình an, nhà thơ bèn mời bạn bè đến để “trấn an” bằng món salat trứng muối trộn tôm nõn và rau thơm, tất nhiên lần này trứng đã được luộc chín. Sau khi thưởng thức món ăn là lạ này, có bạn hỏi công thức, nhà thơ tủm tỉm cười: “Đây là đặc sản trứng muối Hà Nội kết hợp với tôm nõn Cà Mau, phải pha trộn hương vị Bắc - Nam hài hòa mới ra được...”.

Nhiều bạn văn khi về nước đã nhắn lại cho nhà văn Y Ban những dòng chân thành: “Ban, tôi rất yêu căn bếp của bạn. Ở đó có tất cả những gì tuyệt vời nhất của một người đàn bà Việt Nam. Tôi yêu đất nước bạn bắt đầu từ căn bếp đó”.

PHONG LAN

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/hai-cay-but-nu-va-cau-chuyen-co-thuc-moi-vuc-duoc-van-chuong/764375.antd