Hai cách hiểu trái chiều về động thái của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya

Với quyết định điều quân tới Libya, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định chủ trương chủ động hành động trong khu vực và quyết tâm không thoái lui. Tuy nhiên, động thái của Thổ Nhĩ Kỳ có thể được hiểu theo hai hướng.

Đóng góp cho hòa bình?

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: Anadolu

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: Anadolu

Theo tờ Daily Sabah (Thổ Nhĩ Kỳ), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã quyết định triển khai binh sĩ tới Libya sau chuyến thăm bất ngờ tới Tunisia tuần trước. Khi thông báo rằng Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thảo luận và bỏ phiếu dự thảo nghị quyết sau kỳ nghỉ đông, ông Erdogan xác định mụa tiêu của chính quyền là hỗ trợ các bên tiến tới ngừng bắn và khôi phục ổn định.

Ông Erdogan nhấn mạnh lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya: “Libya là một trong những nước láng giềng trên biển với Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi sẽ tới nơi chúng tôi được mời tới, không tới nơi nào mà không được mời. Giờ khi đã có lời mời như vậy, chúng tôi sẽ chấp nhận. Chúng tôi sẽ chấp nhận lời mời từ chính quyền hợp pháp của Libya. Chúng tôi sẽ hỗ trợ dưới mọi hình thức cho chính phủ ở Tripoli đang chống lại kẻ âm mưu đảo chính mà nhiều nước châu Âu và Arab ủng hộ”.

Theo các chuyên gia, việc Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ hỗ trợ quân sự mọi hình thức cho Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc ủng hộ ở Libya để chống lại lực lượng Quân đội Quốc gia Libya của Tướng Halifa Haftar ở miền Đông cho thấy có thể Thổ Nhĩ Kỳ muốn thiết lập căn cứ quân sự ở Libya.

Ankara muốn thay đổi xu hướng hiện nay – xu hướng đe dọa gây bất ổn các nước láng giềng Libya và làm thảm kịch nhân đạo tồi tệ hơn. Khi hỗ trợ chính phủ hợp pháp của Libya, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng khôi phục cân bằng quyền lực giữa GNA và Quân đội Quốc gia Libya – bước đầu tiên tiến tới giải pháp chính trị. Nói cách khác, Ankara hiểu rằng không thể có giải pháp quân sự ở Libya và muốn tiếp tục tiến trình do Liên hợp quốc dẫn đầu. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ triển khai nhân sự quân đội với mục đích hỗ trợ đàm phán giữa hai bên.

Trong vấn đề Libya, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không đi một mình. Việc ông Erdogan trước đó từng nhất quyết muốn có sự tham gia của Tunisia, Algeria và Qatar trong tiến trình Berlin cho thấy phương hướng hợp tác mới đang xuất hiện. Ai cũng biết nếu Tripoli sụp đổ sẽ làm bất ổn Tunisia – đất nước đang chịu hậu quả từ cuộc xung đột ở Libya với các vấn đề như khủng bố và người tị nạn. Các chuyên gia cho rằng sẽ có thêm 500.000 đến 1 triệu người Libya có thể mất nhà cửa.

Ông Kais Saied, tân Tổng thống Tunisia, đã thể hiện vai trò lãnh đạo khi đi theo chính sách đối ngoại độc lập dựa trên lợi ích quốc gia. Ông phản đối cuộc phiêu lưu của Ai Cập và các nước Vùng Vịnh đang làm bất ổn tồi tệ hơn ở Bắc Phi. Tổng thống Saied đã tìm kiếm giải pháp chính trị thông qua đàm phán với các lãnh đạo bộ tộc Libya.

Tương tự, Algeria, nước không hài lòng với việc Ai Cập ủng hộ lực lượng của Tướng Haftar, cũng muốn ngăn chặn Tripoli sụp đổ

Với Qatar, nước cũng lo ngại về hoạt động quân sự của Saudi Arabia và UAE ở Libya, có thể hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ tiến tới lệnh ngừng bắn và khôi phục ổn định.

Đó là lý do tại sao Bộ trưởng Nội vụ Libya Fathi Bashagha gần đây nói Tunisia, Algeria, Libya và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cùng nhau thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực.

Gây bất ổn?

Xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra dọc biên giới giữa nước này và Syria, gần thị trấn Ras al-Ain, tỉnh Hassakeh, miền Đông Bắc Syria ngày 27/10/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, quyết định đưa quân tới Libya của Thổ Nhĩ Kỳ khiến các bên đang hoạt động ở Libya không thoải mái. Nga là nước đầu tiên ra tuyên bố. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Sự liên quan của nước thứ ba tại Libya sẽ không đóng góp giải quyết khủng hoảng”.

Theo tờ Haaretz, Ankara không có nguồn lực để theo đuổi tham vọng và có nguy cơ bị quốc tế cô lập khi can dự vào nội chiến Libya.

Chiến sự ở Libya đã leo thang khi máy bay ném bom dội bom vào các mục tiêu ở Tripoli và hai thành phố khác không lâu sau khi chính phủ GNA ở Libya thông báo hợp tác quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ. Các lực lượng trung thành với Tướng Haftar đã không kích các mục tiêu được dùng để chứa vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ để trả đũa.

Thỏa thuận hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ và Libya đã gây nhiều lo ngại ở Liên minh châu Âu. Người phát ngôn Ủy ban châu Âu cảnh báo không có giải pháp quân sự cho xung đột ở Libya và nói mọi thành viên Liên hợp quốc cần tôn trọng lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc áp đặt lên Libya.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ cho phép triển khai quân tới Libya đánh dấu một bước leo thang nguy hiểm trong cuộc nội chiến tại Libya và đe dọa nghiêm trọng đến ổn định trong khu vực. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống CH Cyprus Nicos Anastasiades ngày 2/1 cùng đưa ra tuyên bố chung trên.

Tại Đức, chính phủ đang làm việc với Liên hợp quốc để tổ chức hội nghị về Libya. Bộ Ngoại giao Đức nói: “Tiến trình Berlin mà chúng tôi đang làm việc được thiết kế để đạt lệnh ngừng bắn và đảm bảo mọi bên tuân thủ lệnh cấm vận vũ khí. Đây là hai điều hoàn toàn cần thiết để hỗ trợ đàm phán dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc nhằm mang hòa bình cho Libya”.

Mỹ cũng cảnh báo về hậu quả tại Libya với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà Trắng nói trong một tuyên bố: "Tổng thống Donald Trump nói rằng can thiệp nước ngoài sẽ làm phức tạp tình hình ở Libya". Một quan chức Ngoại giao Mỹ cho biết: "Mỹ ủng hộ nỗ lực hiện nay của đặc phái viên Liên hợp quốc Ghassan Salamé và Sứ mệnh Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya để vạch ra con đường mang tới an ninh, thịnh vượng cho mọi người Libya. Mọi quốc gia cần kiềm chế làm nội chiến thêm phức tạp và ủng hộ tiến trình chính trị do Liên hợp quốc bảo trợ". Quan chức này nhấn mạnh nhân tố bên ngoài phải chấm dứt thổi bùng thêm xung đột ở Libya.

Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya chỉ là ví dụ mới nhất về việc nước này vươn sức mạnh quân sự ra khu vực xung quanh và gây lo ngại. Từ năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở căn cứ quân sự ở Qatar và Somalia, can thiệp ba lần vào Syria để chống lực lượng người Kurd, điều tàu hải quân tới để làm gián đoạn hoạt động khoan khí đốt ở Cyprus, Đông Địa Trung Hải. Vài tuần trước, Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ còn đuổi tàu Israel ra khỏi vùng biển Cyprus.

Các động thái trên bị coi là thông điệp phô diễn sức mạnh của Ankara trên con đường trở thành cường quốc khu vực và toàn cầu. Sau khi thắng cử năm 2018, ông Erdogan từng tuyên bố sẽ tập trung biến Thổ Nhĩ Kỳ thành cường quốc quốc tế.

Trong vấn đề Libya, sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ có thể thất bại lớn, nhất là khi GNA dù được quốc tế công nhận nhưng không chiếm ưu thế trên thực địa ở Libya. Ankara có đủ phương tiện và năng lực để đối phó với lực lượng đứng sau Tướng Haftar hay không vẫn là một dấu hỏi lớn.

Do đó, thay vì có thêm ảnh hưởng khi can dự vào Libya, Thổ Nhĩ Kỳ đang có nguy cơ bị cô lập. Đưa quân vào Libya là thảm họa chính sách đối ngoại chỉ còn chờ thời gian để xảy ra.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/hai-cach-hieu-trai-chieu-ve-dong-thai-cua-tho-nhi-ky-o-libya-20200103160004708.htm