Hai ca Covid-19 ở phía Bắc cần theo dõi đặc biệt, có 1 ca đã thở máy

Sau quá trình thở gắng sức, bệnh nhân có biểu hiện liệt cơ. Các bác sĩ đã phải đặt ống nội khí quản, hỗ trợ thở máy cho bệnh nhân.

Xem video:

Chiều 13/8, bác sĩ Trần Văn Giang, Phó trưởng Khoa Virus-Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thông tin, trong số các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, có 2 trường hợp đang phải theo dõi đặc biệt, trong đó 1 người đã thở máy từ đêm qua.

Được biết, ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiên lượng nặng với trường hợp này bởi phát hiện bệnh nhân có rất nhiều tổn thương ở phổi. Người này nhanh chóng được cho thở oxy không xâm nhập, tuy nhiên không đáp ứng vì sau quá trình thở gắng sức, bệnh nhân có biểu hiện liệt cơ. Các bác sĩ đã phải đặt ống nội khí quản, hỗ trợ thở máy cho bệnh nhân.

Bác sĩ Trần Văn Giang, Phó trưởng Khoa Virus-Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - Ảnh: N.Liên

Bác sĩ Trần Văn Giang, Phó trưởng Khoa Virus-Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - Ảnh: N.Liên

Hiện tại, bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện. Bác sĩ Giang cho biết, mọi thông số của người bệnh tạm thời trong tầm kiểm soát, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, tuy nhiên chưa thể biết chính xác các diễn biến tiếp theo ra sao. Các bác sĩ vẫn đang tiếp tục theo dõi, làm các xét nghiệm đánh giá với trường hợp này.

Ca bệnh cần theo dõi sát còn lại là trường hợp khá đặc biệt khi chưa phát hiện tổn thương phổi trên phim chụp CT nhưng bệnh nhân lại thường xuyên bị giảm bão hòa oxy khi thở. Kíp bác sĩ tại Khoa Cấp cứu đang tiếp tục kiểm tra để tìm nguyên nhân dẫn đến sự không tương xứng giữa triệu chứng và hình ảnh phim chụp của người bệnh.

“Bệnh nhân có thể bị viêm cơ tim hoặc một số bệnh khác dẫn đến triệu chứng trên”, bác sĩ Giang cho biết.

Về tình hình 21 ca Covid-19 trở về từ Guinea Xích Đạo, Phó trưởng Khoa Virus-Ký sinh trùng cho hay, tất cả các bệnh nhân đều tiến triển rất tốt.

Đặc biệt 15 ca bị sốt rét, trong đó 6 trường hợp đồng nhiễm giữa sốt rét và Covid-19 đều không còn ký sinh trùng sốt rét trong máu sau khi điều trị. 6 ca đồng nhiễm cũng đều âm tính nCoV ít nhất 2 lần.

Về 1 trường hợp tổn thương gan nặng trong số này, bác sĩ Giang thông tin bệnh nhân đã ổn định, men gan đã hạ xuống và trở về ngưỡng bình thường. Người này cũng khỏi sốt rét và đã được tầm soát viêm gan B và C, kết quả không nhiễm virus.

Các bệnh nhân về từ Guinea Xích Đạo tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chiều 29/7- Ảnh: Lê Anh Dũng

Bác sĩ Trần Văn Giang nhấn mạnh, bệnh sốt rét nếu được phát hiện sớm, các triệu chứng tương đối nhẹ nhàng. Bởi vậy, nhóm bệnh nhân nói trên hầu hết chỉ sốt cao hơn bình thường, chưa tổn thương nhiều các cơ quan phủ tạng. Không có trường hợp nào mắc sốt rét ác tính dẫn tới thiếu máu nặng, suy hô hấp hay suy giảm ý thức.

Hiện tại, Khoa Virus Ký sinh trùng còn điều trị cho 34 bệnh nhân Covid-19. Một trường hợp trước đây từng diễn tiến nặng là cụ ông 76 tuổi ở Hà Nội hiện đã tiến triển tốt, giảm các dấu hiệu tổn thương phổi trên phim CT. Bệnh nhân không còn triệu chứng lâm sàng như ho, sốt,…, đã 1 lần âm tính SARS-CoV-2.

Tính đến tối 13/8, Việt Nam đã ghi nhận 905 ca Covid-19, trong đó 421 ca đã khỏi bệnh. 20 bệnh nhân đã tử vong, đều là các trường hợp có bệnh nền, độ tuổi từ 33 đến 87 tuổi.

Nguyễn Liên

Cách cài đặt Bluezone giúp cảnh báo người nghi nhiễm Covid-19

Bộ TT&TT và Bộ Y tế vừa thống nhất triển khai trên phạm vi toàn quốc ứng dụng Bluezone để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ứng dụng này giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.

Link tải Bluezone trên Android Link tải Bluezone trên iOS

Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/2-ca-covid-19-o-phia-bac-can-theo-doi-dac-biet-1-ca-da-tho-may-666232.html