Hai bộ Quy tắc ứng xử- Tạo những chuyển biến tích cực:Bài 1: Hợp lòng dân, trúng mong muốn nhiều người

Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về 'Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 – 2020' được triển khai sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị của thành phố.

Đợt kiểm tra của Ban chỉ đạo Chương trình 04 đang được tiến hành tại các Sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn thành phố cho thấy, các cơ quan, địa phương đã bắt đầu triển khai đến các đơn vị cơ sở nhằm phát huy hiệu quả hai bộ Quy tắc ứng xử trong cuộc sống.

Qua kiểm tra tại một số quận, huyện, Ban chỉ đạo chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đánh giá, phong trào xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và việc thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã đi sâu, đi sát vào các cấp, các ngành và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn một số người dân chưa tự giác thực hiện; các cấp ủy, chính quyền chưa thực sự coi đây là nhiệm vụ cần quan tâm. Ban Chỉ đạo đề xuất các địa phương gắn việc thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử với các phong trào thi đua.

Gắn với các phong trào thi đua

Quận Bắc Từ Liêm đã in cuốn sổ tay Quy tắc ứng xử, phát tới 100% cán bộ trong cơ quan hành chính thuộc quận; in tờ rơi nội dung Quy tắc ứng xử nơi công cộng tuyên truyền đến nhân dân trên địa bàn. Ông Đỗ Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Quận đã tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền trực tiếp tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tổ trưởng dân phố trên địa bàn về nội dung hai bộ quy tắc ứng xử. Tất cả các phường được triển khai theo hình thức tổ chức hội nghị tọa đàm, nội dung xoay quanh vấn đề thực hiện tốt Quy tắc ứng xử nơi công cộng; hướng dẫn bổ sung đưa vào quy ước tổ dân phố nội dung Quy tắc ứng xử nơi công cộng để nhân dân thực hiện”.

Huyện Mê Linh yêu cầu các đơn vị, các xã, thị trấn triển khai nghiêm túc nội dung Quy tắc ứng xử đến cộng đồng dân cư, các cán bộ, công chức, người lao động. Huyện in hơn 2.000 cuốn tài liệu, tuyên truyền, phổ biến nội dung hai bộ Quy tắc ứng xử đến từng gia đình, từng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn; giao Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao xây dựng kế hoạch tuyên truyền, xây dựng chuyên mục, viết bài, đưa tin việc triển khai trên toàn địa bàn.

Tại huyện Quốc Oai, việc triển khai thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử được triển khai sâu rộng đến tận từng gia đình. Theo ông Đỗ Lai Luật, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, các cơ quan, đơn vị của huyện đã nghiêm túc triển khai, tạo chuyển biến căn bản về nếp sống văn minh của người Hà Nội.

Những việc làm, những hiện tượng xấu gây ra bởi một số người nhưng lại là “con sâu làm rầu nồi canh” đã giảm đáng kể. Tuy những “con sâu” ấy không còn nhiều nhưng không chỉ các nhà quản lý, chính quyền, nhà văn hóa, nhà văn, nghệ sĩ mà đông đảo nhân dân mong muốn loại bỏ ra khỏi đời sống đô thị.

Nhiều người nuối tiếc một Hà Nội chưa xa đầy văn hóa nền nã, từ nhà ra phố mọi người nhìn nhau chỉ thấy nụ cười, tình thân ái và xung quanh đầy những câu chuyện đẹp. Người ta cũng mong muốn một Hà Nội hiện đại không chỉ có bề ngoài rực rỡ sang trọng với nhà hàng, trung tâm thương mại, đời sống giải trí vui chơi sánh tầm quốc tế mà còn đằm sâu trong nét văn hóa của cư dân thấm đẫm sự thanh lịch, nhân văn. Người ta cũng chờ đợi không kém các cơ quan công sở “đạt chuẩn” để thành phố phát triển đồng bộ cả về cơ sở vật chất lẫn thái độ phục vụ, hiệu quả công việc và chất lượng sống.

Người dân đồng tình

Dù còn rất nhiều ý kiến trái chiều nhưng tựu chung, đã là người Thủ đô, ai cũng mong Hà Nội văn minh, thanh lịch hơn. Việc thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch những năm qua đã có những kết quả khả quan. Vì thế, khi có thêm hai bộ Quy tắc ứng xử để hướng dẫn, khuyến khích người dân và nhắm đến những đối tượng cụ thể của toàn bộ Hà Nội vào cuộc thì đa phần đều ủng hộ việc triển khai đồng bộ.

Một buổi tọa đàm ở tổ dân phố số 12, phường Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội về thực hiện có hiệu quả Quy tắc ứng xử nơi công cộng

Ông Đinh Văn Toàn, cán bộ hưu trí quận Hoàng Mai nhận định: “Mỗi người dân, mỗi công chức nên ý thức được việc chấn chỉnh này là có lợi cho bản thân mình. Văn hóa chính là cái chúng ta và con cháu cũng như người xung quanh được thụ hưởng. Việc cư xử thế nào sẽ phản ánh bản chất chính con người chúng ta. Từ việc làm đến lời nói sẽ mang lại lợi ích hay tác hại cho chúng ta. Điều đó cũng sẽ là tấm gương tốt hay xấu cho con cái và sẽ khiến người khác đánh giá ra sao về mình. Mỗi cá nhân không thể tốt đẹp được nếu như sống trong cả môi trường văn hóa không lành mạnh. Việc chính quyền ban hành bộ Quy tắc ứng xử chính là nói hộ nỗi lòng của nhân dân, đứng về phía quyền lợi của người dân, cho nhân dân và cho Hà Nội của chính người Hà Nội đẹp hơn. Tôi rất ủng hộ và sẽ thực hiện nghiêm túc cũng như đôn đốc, khuyến khích con cháu làm theo những điều hai bộ Quy tắc ứng xử hướng dẫn”.

Bạn Lê Phạm Nguyệt Minh, sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội chia sẻ: “Chúng em là thế hệ công dân mới của Hà Nội. Tuổi trẻ nhiều khi bồng bột, lại ồn ào, nghịch ngợm, có những lúc túm năm tụm ba chỗ đông người, không ý thức được rằng những hành động, cười nói, ăn uống hay trêu đùa nhau liệu đã được đẹp mắt chưa, có ảnh hưởng gì đến văn minh công cộng hay không. Bộ quy tắc ứng xử như một “hệ quy chiếu” giúp chúng em có thể biết được những việc gì nên làm, nên tránh. Điều này chẳng những giúp chúng em hoàn thiện mình hơn mà qua đó chúng em được góp phần nhỏ vào việc xây dựng Hà Nội văn minh, lịch sự hơn. Em và các bạn rất hào hứng thực hiện với tư cách một công dân Thủ đô. Sau khi ra trường, chúng em cũng có nền tảng để tiếp tục thực hiện bộ Quy tắc ứng xử dành cho công chức, viên chức. Em tin tưởng rằng chỉ vài năm nữa, khi chúng em đi làm và bộ Quy tắc đi vào thực tế được một thời gian, chắc chắn lúc đó chúng ta sẽ nhìn thấy những kết quả tốt đẹp”.

Ông Đỗ Bá Quát ở 60 Trấn Vũ, Ba Đình Hà Nội thì cho rằng, bấy lâu nay tình trạng người Hà Nội “đèn nhà ai nhà nấy rạng” ngày càng phổ biến. Vẫn biết rằng đó là một mặt của đô thị, ai cũng có công việc bận rộn và ít nhu cầu giao lưu với người không thân thuộc. Bên cạnh đó, nhiều ngõ xóm, tổ dân phố mới lập nên, người tứ xứ về ở nên không quen biết, không giao lưu là việc đương nhiên. Sự lạnh lùng đó không những không thiết lập được tình nghĩa xóm giềng mà còn dẫn đến tình trạng vô trách nhiệm với cụm dân cư, với chính không gian sống của mình. Từ đó, ông Quát mong muốn rằng khi bộ Quy tắc ứng xử đưa vào từng khu dân cư, mọi người đọc và thực hiện không chỉ ở nơi làm việc, ở chốn công cộng mà còn ở chính nơi mình đang sống. Điều đó sẽ tạo nên một không gian đầm ấm để mọi người nhìn ra xung quanh với ánh mắt thân thiện hơn, nhìn cuộc đời chỗ nào cũng thấy tình thân ái và những điều tốt đẹp.

Những ý kiến trên đã cho thấy hai bộ Quy tắc ứng xử hợp lòng dân, đánh trúng mong muốn của nhiều người với kỳ vọng sẽ tạo những biến chuyển mới cho việc tiếp nối và phát huy truyền thống văn minh, thanh lịch của Hà Nội xưa và phù hợp, xứng tầm với Hà Nội ngày nay.

(Còn nữa)

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/bai-1-hop-long-dan-trung-mong-muon-nhieu-nguoi-d2055672.html