Hai áp thấp nhiệt đới trên biển: Thời tiết khó đoán

Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương vừa cho biết, hiện trên biển Đông có hai áp thấp nhiệt đới gồm áp thấp nhiệt đới gần bờ và áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông.

Hai áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, diễn biến phức tạp

Thông tin về áp thấp nhiệt đới gần bờ giật cấp 9, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, vào hồi 10h ngày 2/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, phía Đông đảo Hải Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 10h ngày 3/9, vị trí tâm bão ở khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Nam, rồi di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km.

Đến 10h ngày 4/9, vị trí tâm bão ở khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 109,6 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh từ Quảng Trị-Quảng Nam khoảng 200km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km.

 Hai cơn áp thấp nhiệt đới diễn biến phức tạp trên Biển Đông.

Hai cơn áp thấp nhiệt đới diễn biến phức tạp trên Biển Đông.

Đối vớiáp thấp nhiệt đới trên khu vực giữa biển Đông giật cấp 8, vào 10h ngày 2/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng Bắc Đông Bắc mỗi giờ đi được khoảng 5-10km. Đến 10h ngày 3.9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 116,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km.

Đến 10h ngày 4/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,1 độ Vĩ Bắc; 113,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của ATNĐ phức tạp nên trong ngày và đêm nay (2/9), ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to (phổ biến 40-90mm/24 giờ), riêng các tỉnh từ Nghệ An đến Đà Nẵng có mưa to đến rất to (90-180mm/24 giờ). Cảnh báo: Từ ngày 206/9, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to (phổ biến 300-500mm/đợt); khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to (200-300mm/đợt). Cảnh báo lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên và nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp, đô thị các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất. Cấp độ RRTT cấp 1.

Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam cường độ mạnh nên ngày và đêm 2/9, các vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Sóng biển cao 2,0-3,0m. Biển động mạnh. Cấp độ RRTT: cấp 1.

Đảm bảo an toàn cho người dân, tàu thuyền, lồng bè

Sáng ngày 2/9, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT họp ứng phó diễn biến Áp thấp nhiệt đới phức tạp và mưa lũ do ông Trần Quang Hoài – Phó Trưởng ban BCĐ TW về PCTT chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài – Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, công tác ứng phó Áp thấp nhiệt đới phức tạp nguy cơ mưa lũ lớn, nhất là các địa phương hiện đang trong giai đoạn khắc phục hậu quả do bão số 4 gây ra cần triển khai đồng bộ, nghiêm túc của các lực lượng từ Trung ương tới Địa phương.

Trong đó công tác đảm bảo an toàn cho người dân, tàu thuyền, lồng bè, đặc biệt thông tin truyền thông kịp thời tới chính quyền cơ sở và người dân.

Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT họp ứng phó diễn biến Áp thấp nhiệt đới phức tạp sáng 2/9.

Ông Trần Quang Hoài đề nghị các đơn vị cần triển khai thực hiện các nhiệm vụ như thực hiện nghiêm Công điện số 14/CĐ-TWPCTT ngày 01/9/2019 của Ban chỉ đạo TWPCTT.

Tập trung triển khai một số nội dung: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển để chủ động thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm. Tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, hướng dẫn neo đậu tại bến; căn cứ tình hình cụ thể quyết định cấm biển.

Tập trung thu hoạch diện tích lúa, cây trồng đã đến kỳ thu hoạch; chủ động tiêu thoát nước đệm bảo vệ sản xuất.

Tập trung xử lý các công trình đã bị sự cố; kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai, vận hành các hồ thủy điện nhỏ và chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn.

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/xuat-hien-hai-ap-thap-nhiet-doi-tren-bien-thoi-tiet-kho-doan-1271308.html