HAGL không còn đá cho vui

Giai đoạn HAGL dạo chơi tại V.League, đá cho vui như lời bầu Đức thừa nhận để trụ hạng vào cuối mùa đã chấm dứt ngay khi Kiatisuk trở lại đội bóng phố núi.

Chiến thắng thuyết phục 2-0 trước CLB Hải Phòng ngay tại Lạch Tray là ca khúc khải hoàn thứ 5 sau 7 vòng đầu tại V.League 2021 của HAGL. Lần cuối HAGL thắng giòn giã như vậy là mùa giải họ vô địch - V.League 2004.

Kịch bản của 17 năm trước đang được tái diễn đầy sống động ở mùa giải này với hoa tiêu dẫn đường - Kiatisuk.

 Kiatisuk đang đưa HAGL trở lại với vị thế vốn có. Ảnh: Thuận Thắng.

Kiatisuk đang đưa HAGL trở lại với vị thế vốn có. Ảnh: Thuận Thắng.

Bản lĩnh của Kiatisuk

Đâu là điểm nhấn trong những thất bại của HAGL trong các mùa giải trước? Hàng phòng ngự luôn là đáp án. Trong một thời gian dài, HAGL luôn bị xem là CLB phòng ngự ngờ nghệch bậc nhất tại V.League dù sở hữu không ít hảo thủ lẫn ngoại binh.

Trong 4 mùa gần nhất, ít thì HAGL để lọt lưới 7 bàn sau 7 vòng (V.League 2017), nhiều thì con số lên tới 15 bàn (V.League 2019). Mùa trước, HAGL để lọt lưới tới 36 bàn trong cả mùa giải, chỉ ít hơn đội xuống hạng - Quảng Nam (41 bàn).

HAGL giữ sạch lưới 4 trận liên tiếp tại V.League 2021. Ảnh: Phong Vân.

Những màn trình diễn buông lơi khâu phòng ngự là lý do khiến HAGL nhận những trận thua tan nát trước các địch thủ giàu khao khát như CLB Hà Nội, Viettel hay Bình Dương.

Mùa này, hình ảnh thảm họa ấy đã chấm dứt. Sau 7 vòng, HAGL chỉ để lọt lưới 3 lần. 17 năm trước, đội bóng của bầu Đức chỉ để lọt lưới vỏn vẹn 2 bàn sau 7 vòng đầu và lên ngôi vô địch.

Nếu nhìn vào các màn trình diễn trước TP.HCM, Viettel và tối 2/4 trước Hải Phòng, HAGL hoàn toàn có thể tái lập lại thành tích quá khứ. Hải Phòng không phải đội bóng quá mạnh tại V.League, nhưng tại Lạch Tray, đây không phải đối thủ dễ chơi theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Song HAGL đã thắng, thậm chí khiến đối thủ trầy da tróc vảy: đội bóng của Kiatisuk khiến trọng tài cắt còi 16 lần trong cả trận, nhiều gấp ba lần so với Hải Phòng.

Trong phòng họp báo, Kiatisuk tiết lộ khi gọi mình về phố núi, bầu Đức muốn HAGL đá nhỏ, nhuyễn với các đường ban bật ngắn. Thoạt nghe thì đây đúng là lối đá từng làm nên tên tuổi lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh từ thời U19, song dưới tay Kiatisuk, đá nhỏ, nhuyễn hay ban bật ngắn không có nghĩa là vứt đi khâu phòng ngự.

“Tôi muốn đá đẹp phải đi đôi với hiệu quả. Tôi xây dựng lối đá chuyền ngắn, chuyền nhanh mỗi khi có bóng. Chúng tôi không đá bóng dài vì là người châu Á, không chơi kiểu sức mạnh được”, Kiatisuk nói sau chiến thắng trước Hải Phòng.

Cả 2 bàn thắng của HAGL trước Hải Phòng, thật trùng hợp, đều là những pha bóng dài từ phần sân nhà. Ở bàn đầu tiên, Memovic chuyền dài tới cuối sân để Brandao băng lên chớp lấy sai lầm của đối phương trước khi chuyền cho Văn Toàn ghi bàn.

Đây là pha bóng điển hình cho lối chơi quyết liệt của HAGL lúc này: các cầu thủ lao tới pressing đối thủ cực nhanh, và luôn hướng sang phần sân đối phương.

Bàn mở tỷ số của HAGL bắt nguồn từ pha chuyền dài về phía cuối sân cho Brandao đua tốc.

Pha bóng này cũng là một tình huống bóng dài với ít chạm, thể hiện tư tưởng chơi bóng trực diện của HAGL.

Ở bàn thứ hai, thời gian tính từ cú chuyền bổng ở sát vùng cấm địa HAGL của thủ môn Tuấn Linh đến lúc Brandao đánh đầu tung lưới Hải Phòng chỉ là 10 giây, sau chưa đầy 6 lần chạm bóng từ những chiếc bóng áo vàng. Đó không thể là pha dàn xếp lớp lang với những cú chạm bóng tí tách như tưởng tượng của rất nhiều người.

Đó là bài đánh trực diện có thể đã được tập luyện nhiều từ trước của HAGL, nếu dựa vào những chỉ đạo từ khu huấn luyện của các trợ lý đội bóng phố núi với các cầu thủ.

Kiatisuk nói xây dựng lối đá chuyền ngắn cho HAGL, nhưng ông cũng không từ chối cách ghi bàn với những pha chuyền dài thọc sâu vào các khoảng trống sau lưng hàng phòng ngự đối thủ.

Dưới thời Kiatisuk, HAGL đang là CLB phản công hay nhất V.League. Bóng được các cầu thủ HAGL luân chuyển ở cự ly trung bình ngắn với tốc độ cao ở khu vực giữa sân khi cầm bóng. Ngay khi mất bóng, HAGL luôn chủ động bố trí pressing vây ráp đối thủ với số lượng lớn để chống phản công.

Hai hậu vệ biên với tốc độ cao, Văn Thanh và Hồng Duy, cùng một tiền vệ có khả năng chuyển trạng thái cực nhanh - Xuân Trường, và hàng tấn công nhiều màu sắc Brandao-Công Phượng-Văn Toàn, là những yếu tố giúp HAGL có được lối đá trực diện như hiện tại.

Bầu Đức muốn HAGL đá cống hiến, tấn công; Kiatisuk đều đáp ứng được. Các cầu thủ HAGL luôn lao lên, nhưng không theo kiểu ngây thơ bỏ hết phía sau như các mùa giải trước. HAGL lúc này đã toan tính hơn. Họ biết thời điểm gia tăng tốc độ và ngược lại.

Quan trọng nhất, HAGL chiến thắng. Chừng nào đội bóng phố núi vẫn biết cách đánh bại các địch thủ khó nhằn bằng lối đá hiện đại như lúc này, câu chuyện bóng ngắn, nhuyễn… vẫn sẽ chỉ mang tính chất trà dư tửu hậu.

Điểm sáng ngoại binh

Giống với câu chuyện phòng ngự, HAGL những mùa trước là CLB ngờ nghệch ở V.League trong việc chiêu mộ ngoại binh. Tiền đạo Gordon Rimario gắn bó với HAGL trong cả mùa giải V.League 2018 nhưng không ghi nổi bàn nào song bỗng tỏa sáng khi sang thi đấu cho Thanh Hóa và CLB Hà Nội. Chevaugh Walsh ghi nhiều bàn nhưng bỏ lỡ cũng không ít, từng nặng tới 104 kg vì sinh hoạt không điều độ.

Đội bóng phố núi thậm chí từng dành suất ngoại binh cho vị trí thủ môn, điều không CLB nào tại V.League làm vì tốn kém mà không giải quyết được vấn đề. HAGL cũng là CLB hiếm hoi trọng dụng ngoại binh từ Hàn Quốc dù chuyên môn của những cầu thủ này không thực sự tốt, thậm chí kém hơn cầu thủ Việt trên nhiều khía cạnh.

Brandao đang thay đổi định kiến về ngoại binh tại HAGL. Ảnh: Minh Chiến.

Mùa này, chân sút Washington Brandao đang khiến những định kiến ấy dần bị phá bỏ. Trước Hải Phòng, Brandao góp công trong cả 2 bàn. Song đây không phải trận thi đấu tốt đầu tiên của Brandao cho HAGL. Trước CLB TP.HCM hay Viettel, Brandao đều để lại ấn tượng tốt. Tầm hoạt động rộng cùng khả năng càn lướt của chân sút người Brazil giúp Văn Toàn và Công Phượng có nhiều khoảng trống.

Văn Thanh hay Minh Vương cũng hưởng lợi từ khả năng làm tường và các pha di chuyển hút đối thủ của Brandao. Chưa tới mức xuất sắc như Evaldo Golcaves, nhưng Brandao đủ tầm để trở thành điểm tựa cho HAGL vào lúc này, bên cạnh lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn…

17 năm trước, HAGL đã lên ngôi tại V.League 2004 với ngoại binh hay bậc nhất lịch sử V.League - Kiatisuk. Sau nhiều năm chật vật, thậm chí làm trò hề cho V.League với những “ông Tây” kém chất lượng, HAGL đang trở lại dưới tài thao lược của chính ngoại binh hay bậc nhất lịch sử này.

Khi Kiatisuk nói muốn “đưa tầm vóc HAGL của hiện tại trở thành đội bóng phiên bản thời tôi còn thi đấu” sau khi thắng Hải Phòng ngay tại Lạch Tray, có thể tin “Zico Thái” không nói suông.

Thời HAGL đá cho vui đã là chuyện của ngày hôm qua.

'Cầu thủ HAGL không được phép sợ bất kỳ ai' Huấn luyện viên trưởng Kiatisuk Senamuang của HAGL dạy các học trò phải tỏ ra bản lĩnh, dù thi đấu trên sân nhà hay sân khách nếu muốn thành công.

Việt Nhật

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hagl-khong-con-da-cho-vui-post1200258.html