Habeco 'quên' nộp hàng trăm tỷ thuế: Tội thân anh đánh máy!

'Bỏ quên' hàng trăm tỷ tiền thuế do 'đánh máy', chuyện khôi hài, có lẽ chỉ xảy ra ở Việt Nam...

Dễ dãi quá

Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) vừa gửi đính chính lại thông tin báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017, theo đó, số thuế phải nộp được bổ sung thêm gần 500 tỷ đồng, số tiền bị "bỏ quên" trên được doanh nghiệp lý giải là do "lỗi đánh máy".

Cụ thể, tại bản báo cáo tài chính hợp nhất được công bố thì các loại thuế phải nộp và đã nộp trong năm lần lượt là 3.792 và 3.927 tỉ đồng. Nhưng trong phần đính chính số liệu này được điều chỉnh lại là 4.240 và 4.375 tỉ đồng. Như vậy số phải nộp tăng thêm hơn 448 tỷ đồng và số phải thu tăng thêm hơn 15 tỷ đồng.

Không đồng tình với giải thích trên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú liên tục nhấn mạnh cụm từ: "không có chuyện bỏ quên hàng trăm tỷ đồng tiền thuế; không có chuyện nợ đọng tiền thuế hàng nghìn tỷ" như vẫn báo cáo lâu nay của ngành thuế cũng như ngành kiểm toán Nhà nước.

Habeco cho rằng việc bỏ sót gần 500 tỷ tiền thuế là do lỗi đánh máy. Ảnh minh họa

Habeco cho rằng việc bỏ sót gần 500 tỷ tiền thuế là do lỗi đánh máy. Ảnh minh họa

Ông Phú nói rõ, Luật Kế toán, Kiểm toán đòi hỏi rất chặt chẽ, chi tiết, không cho phép bất kỳ một sự dễ dãi, xuê xoa nào trong quá trình tính toán đưa ra các số liệu làm báo cáo.

Việc này liên quan tới rất nhiều vấn đề, trong đó có liên quan trực tiếp tới các quyết sách điều hành, quản lý của doanh nghiệp, do đó, nói là "lỗi đánh máy" hay "bị bỏ quên" là vô lý, thậm chí dù chỉ là một số cũng không thể và không được phép xảy ra đối với ngành kế toán, kiểm toán.

"Việc này làm tôi nhớ tới câu chuyện Khaisilk cắt mác hàng hóa, gian lận tiền thuế, khi đó, cơ quan quản lý thị trường cũng có chỉ đạo "sẽ xử lý nghiêm người đánh máy vì làm báo cáo sơ sài".

Giải thích rất lạ lùng. Tôi không hiểu vì sao kế toán, kiểm toán bây giờ lại dễ dãi như thế? Là người trong ngành, có kinh nghiệm nhiều năm làm kế toán trưởng, tôi không đồng tình với giải thích trên, không thể chấp nhận giải thích là "lỗi đánh máy" trong trường hợp này. Phải nhớ rằng, ở đây là gần 500 tỷ không phải là 5 tỷ hay 50 tỷ.

Chuyện này rất khôi hài, có lẽ chỉ xảy ra ở Việt Nam", vị chuyên gia bức xúc.

Để chứng minh thêm, ông Vũ Vinh Phú cho biết, từ thời bao cấp, khi ông còn đảm nhiệm nhiều chức vụ liên quan tới lĩnh vực quản lý tài chính, kế toán, việc bỏ lọt một 1 xu, 1 đồng đều bị coi là chuyện tày đình và lập tức bị cơ quan thuế tróc nã, truy thu bằng được.

"Tôi từng chứng kiến việc doanh nghiệp lập báo cáo chênh lệch số liệu để ăn chia phúc lợi nhưng 2 năm sau, doanh nghiệp vẫn bị cơ quan thuế điều tra, truy thu và xử lý tới nơi, tới chốn.

Không hiểu bây giờ vì sao lại có chuyện bỏ quên hàng trăm tỷ, cho phép doanh nghiệp nợ đọng thuế hàng nghìn tỷ một cách dễ dãi như vậy.

Tôi đề nghị làm rõ nghi ngờ có hay không tiêu cực, thông đồng giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Tôi còn nhớ, tại TP.HCM, từng có 4 cán bộ kiểm toán đã bị bắt vì tội thông đồng làm sai số liệu, sổ sách khiến nhà nước thất thu, doanh nghiệp hưởng lợi.

Cần phải hiểu rõ bản chất vụ việc này, vì, một khi doanh nghiệp báo lỗ, xin giải thể hoặc phá sản, thì Nhà nước sẽ bị mất hàng trăm tỷ chênh lệch, hàng nghìn tỷ tiền thuế nợ đọng có nguy cơ không đòi được, trong khi, đây lại là cơ hội ăn chia, chia chác lợi ích của một nhóm người, một số cán bộ quản lý với lãnh đạo doanh nghiệp.

Đáng chú ý, Habeco cũng từng bị Kiểm toán Nhà nước yêu cầu phải nộp bổ sung vào ngân sách hơn 3.100 tỷ đồng, gồm tiền thuế còn thiếu và cổ tức trên vốn nhà nước.

Đặt giả thiết, nếu số tiền trên không bị phát giác, Việt Nam lại đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp nhà nước đang đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa, một khi việc cổ phần hóa hoàn thành, thì số tiền bị "bỏ quên" hàng trăm tỷ liệu có trở thành của riêng của doanh nghiệp?", ông Phú đặt câu hỏi.

Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, tình trạng chênh lệch số liệu tài chính trước và sau kiểm toán xảy ra tại nhiều công ty niêm yết, cụ thể với trường hợp của Habeco cần phải xem xét kỹ cả góc độ chủ quan và khách quan. Có nhiều nghi ngờ, trong đó, không loại trừ có ý đồ chủ quan của doanh nghiệp, tự "nhào nặn" số liệu để trục lợi. Đồng thời, cũng phải xem xét cả trách nhiệm của các cơ quan kiểm toán, kế toán thực hiện kiểm toán lại doanh nghiệp này.

Hệ lụy nghiêm trọng

Tiếp tục nhấn mạnh, trong nghiệp vụ kế toán, kiểm toán, không thể có kẽ hở nào cho phép "bỏ quên" hay để xảy ra sai sót trong số liệu kế toán, vị chuyên gia chỉ thẳng chỉ có yếu tố con người, do "con người làm hư con người" nên mới có tình trạng như vậy.

Thừa nhận, có vấn đề nghiệp vụ, năng lực kiểm toán, kế toán chưa đáp ứng được yêu cầu, nhưng ông Vũ Vinh Phú cho rằng, sự nhạy cảm nghề nghiệp không thể cho phép có sự sai sót lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ như vậy.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/habeco-quen-nop-hang-tram-ty-thue-toi-than-anh-danh-may-3364175/