Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt ngân hàng Trung Quốc

Sau khi thông qua, dự luật trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc có liên quan đến luật an ninh đối với Hồng Kông sẽ được đưa trở lại Thượng viện để bỏ phiếu lần nữa, trước khi được ký ban hành thành luật.

 Liệu Hồng Kông có đánh mất vị thế trung tâm tài chính quốc tế của mình sau khi luật an ninh quốc gia có hiệu lực? Ảnh: Cảng Victoria của Hồng Kông ngày 29/6/2020 (Reuters).

Liệu Hồng Kông có đánh mất vị thế trung tâm tài chính quốc tế của mình sau khi luật an ninh quốc gia có hiệu lực? Ảnh: Cảng Victoria của Hồng Kông ngày 29/6/2020 (Reuters).

Đây là dự luật nhằm trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc có liên quan đến các quan chức đại lục đã ban hành luật an ninh quốc gia Hồng Kông. Theo hãng tin Reuters, dự luật đã được Hạ viện Mỹ thông qua hôm 1/7/2020 (sáng 2/7 theo giờ Việt Nam) với số phiếu tán thành tuyệt đối từ các nghị sĩ.

Mỹ - Trung 'hục hặc' vì Hồng Kông

Động thái này cho thấy mối quan ngại ở Washington rằng luật an ninh quốc gia Hồng Kông sẽ chấm dứt quyền tự trị - điều kiện đã giúp đặc khu hành chính này phát triển thành một trung tâm tài chính quốc tế như hiện nay. Cần biết rằng, dự luật trừng phạt ngân hàng Trung Quốc được thông qua chỉ một ngày sau khi luật an ninh quốc gia Hồng Kông chính thức có hiệu lực vào ngày 30/6.

Trước đó, Mỹ và nhiều nước châu Âu đồng minh đã lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh làm suy yếu nền tự trị của Hồng Kông bằng đạo luật an ninh quốc gia này. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng từng xuất hiện tại một phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện về tình hình Hồng Kông và nói rằng luật an ninh đánh dấu cái chết của mô hình "một quốc gia, hai chế độ".

Theo bà Pelosi, luật an ninh quốc gia đã "phá hủy các quyền tự do" được hứa hẹn với người dân Hồng Kông, và đạo luật này là "một sự đàn áp tàn bạo với người dân Hồng Kông.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ bắt đầu tiến trình hủy bỏ các ưu đãi đặc biệt về thương mại dành cho Hồng Kông.

Cụ thể, Mỹ đã tước bỏ tư cách thương mại đặc biệt của Hồng Kông, tạm dừng xuất khẩu thiết bị an ninh và hạn chế cho Hồng Kông tiếp cận công nghệ cao.

Quốc hội Mỹ sau đó cũng vào cuộc bằng các dự luật yêu cầu chính quyền trừng phạt những cá nhân đã góp phần làm suy yếu nền tự trị của Hồng Kông.

Riêng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Washington sẽ tiếp tục thực hiện chỉ thị của ông Trump để chấm dứt tình trạng đặc biệt của Hồng Kông.

Bộ Ngoại giao Mỹ cuối tuần trước tuyên bố sẽ không cấp thị thực cho các quan chức Trung Quốc làm suy yếu mức độ tự trị của Hồng Kông, cả với những người đương nhiệm lẫn về hưu cùng người thân của họ. Ông Pompeo sau đó cũng tuyên bố sẽ đối xử với Hồng Kông không khác gì phần còn lại của Trung Quốc.

Hiện, Trung Quốc chưa đưa ra phản ứng trước động thái mới nhất từ Hạ viện Mỹ. Theo giới chức Trung Quốc có 52 nước đã ủng hộ quốc gia này ban hành luật an ninh Hồng Kông, gồm Cuba, Pakistan, Myanmar, Ai Cập, Cameroon, Venezuela, Belarus...

Đồng thời, Bắc Kinh cũng liên tục chỉ trích các quốc gia khác can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc khi lên tiếng về vấn đề Hồng Kông. Tuy nhiên, câu hỏi lớn được quan tâm hơn cả là luật an ninh quốc gia sẽ ảnh hưởng như thế nào đến vị thế trung tâm tài chính của Hồng Kông.

Tác động của luật an ninh quốc gia?

Theo đó, một số ý kiến đánh giá về tác động của luật an ninh tới thị trường Hồng Kông từ các chuyên gia đã được hãng tin Bloomberg tổng hợp như sau:

- Sẽ không có bất ngờ lớn cho thị trường; các diễn biến ngắn hạn trên thị trường chứng khoán, đồng CNY và đồng HKD sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Mỹ. Đồng thời, cổ phiếu Hồng Kông sẽ tiếp tục nhận được hỗ trợ từ lực mua của nhà đầu tư Trung Quốc. Về dài hạn, phần bù rủi ro cho các tài sản ở Hồng Kông có thể tăng lên dẫn đến định giá kém hấp dẫn và dòng vốn rút ra tăng cao.

- Các công ty quốc tế đang xem Hồng Kông là trung tâm tài chính sẽ trở nên miễn cưỡng hơn đối với luật an ninh quốc gia và có thể chuyển sang thế 'phòng thủ', cũng như e dè hơn trước các quyết định đầu tư vì lo ngại rủi ro chính trị. Riêng các công ty lưu trữ dữ liệu tại Hồng Kông sẽ dần tìm kiếm các lựa chọn thay thế ít rủi ro hơn.

Trong khi đó, tờ The Economist cho rằng, Hồng Kông đang hứng chịu một cơn bão địa chính trị. Một doanh nhân tại đặc khu hành chính này cho biết, cách tốt nhất để hiểu vai trò của Hồng Kông trong hệ thống tài chính toàn cầu là xem thành phố như một ổn áp kết nối 2 mạch điện có điện áp khác nhau.

Một mạch điện là hệ thống tài chính toàn cầu với các dòng vốn tự do, trao đổi thông tin mở và quy định pháp luật. Mạch còn lại là hệ thống tài chính rộng lớn và đang phát triển của Trung Quốc với các biện pháp kiểm soát vốn, kiểm duyệt và giám sát hợp đồng chặt chẽ.

Song, theo Cổng thông tin chính phủ Trung Quốc, Hồng Kông sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng với nền tài chính thế giới. Theo cổng thông tin này, vị thế trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông có được là nhờ nền tảng vững chắc của đặc khu hành chính này, do hệ thống pháp lý thân thiện với doanh nghiệp, cho phép dòng vốn tự do và thông tin mở cũng như có các quy định pháp lý tốt.

Do đó, vị thế trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông chắc chắn sẽ không thay đổi, trừ phi các điều kiện trên không còn. Về bản chất, luật an ninh Hồng Kông sẽ không làm xói mòn các điều kiện quan trọng của đặc khu này với tư cách là một trung tâm tài chính quốc tế lớn trên thế giới, theo Cổng thông tin chính phủ Trung Quốc.

Theo Bảo Quân/doanhnhansaigon.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/ha-vien-my-thong-qua-du-luat-trung-phat-ngan-hang-trung-quoc-325066.html