Hà Tĩnh: Ưu tiên đề án ứng dụng công nghệ tiên tiến

Với 18,5 tỷ đồng được dành để triển khai các hoạt động từ năm 2014 – 2018 và 2,7 tỷ đồng trong năm 2019, Hà Tĩnh là địa phương dành nguồn kinh phí lớn cho công tác khuyến công ở khu vực miền Trung - Tây nguyên.

Nguồn vốn này, cùng với việc lựa chọn các nội dung, Khuyến công Hà Tĩnh đã ưu tiên hỗ trợ cho các đề án trình diễn mô hình kỹ thuật và chuyển giao ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Theo ghi nhận chung, các đề án thuộc nội dung này được triển khai đã góp phần giảm bớt gánh nặng đầu tư cho cơ sở sản xuất; hiện đại hóa sản xuất, gia tăng giá trị cho sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) của tỉnh.

 Kinh phí khuyến công hỗ trợ hoạt động sửa chữa tàu biển

Kinh phí khuyến công hỗ trợ hoạt động sửa chữa tàu biển

Tiêu biểu như Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Hải Hà, huyện Lộc Hà, được kinh phí khuyến công hỗ trợ 800 triệu đồng cho đầu tư máy móc hiện đại trong sửa chữa tàu biển. Hệ thống thiết bị mới đưa vào sản xuất đã giúp HTX sửa chữa tàu, thuyền với trọng tải 2.000 tấn thay vì chỉ sửa chữa được tàu, thuyền có trọng tải từ 400 - 500 tấn như trước kia. Theo đại diện đơn vị thụ hưởng, ứng dụng công nghệ hiện đại không chỉ giúp HTX nâng cao năng lực sửa chữa mà còn ổn định sản xuất, có vốn quay vòng để tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất.

Bên cạnh hỗ trợ trực tiếp các cơ sở cải thiện sản xuất, hoạt động khuyến công của tỉnh đã triển khai bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, nhằm phát hiện các sản phẩm chất lượng, tiềm năng, mở rộng thị trường; tư vấn, hỗ trợ thuê tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm. Những nội dung này đã khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát huy lợi thế.

Với sự đồng hành của công tác khuyến công, CNNT Hà Tĩnh thời gian qua đã có sự chuyển biến rõ rệt cả về chất và lượng. Tuy vậy, sản xuất công nghiệp ở khu vực nông thôn hầu hết do doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ thực hiện, năng lực về vốn cũng như tư duy phát triển kinh tế còn hạn chế. Nhiều cơ sở chưa mặn mà với công tác khuyến công, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến phát triển công nghiệp ở nông thôn; chưa dành nguồn lực thỏa đáng trong hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở sản xuất…

Trước hiện trạng này, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công văn đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp với Sở Công Thương tăng cường hoạt động khuyến công, phát triển CNNT trên địa bàn tỉnh. Theo đó, với vai trò chủ trì, phối hợp thực hiện công tác khuyến công, Sở Công Thương chủ động tìm kiếm mô hình sản xuất để hỗ trợ, xây dựng mô hình điểm trong phát triển CNNT. Cụ thể, thông qua việc kết hợp nguồn lực của các chương trình: Khuyến công, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thương mại nông thôn, du lịch, Sở Công Thương phối hợp lựa chọn một số mô hình sản xuất tại các làng nghề, làng nghề truyền thống…; xây dựng phương án, kế hoạch chi tiết cho từng mô hình cụ thể, trong đó xác định rõ nhiệm vụ của từng đơn vị.

UBND các huyện, thành phố cân đối ngân sách để chủ động bố trí kinh phí cho hoạt động khuyến công của địa phương; nâng cao chất lượng khảo sát, lựa chọn, đề xuất các đề án; hướng dẫn cơ sở thực hiện giám sát việc sử dụng nguồn kinh phí đúng quy định, mục đích.

Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư rà soát, cân đối ngân sách, bố trí đủ kinh phí cho hoạt động khuyến công, hỗ trợ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo các chính sách đã ban hành.

Sở Công Thương Hà Tĩnh tiếp tục lồng ghép khuyến công với các chương trình mục tiêu quốc gia khác nhằm huy động vốn từ các doanh nghiệp, đơn vị cho phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-tinh-uu-tien-de-an-ung-dung-cong-nghe-tien-tien-134716.html