Hà Tĩnh: U80 chế tạo guồng rối nước độc đáo, cả làng tới xem

Với những vật liệu đơn giản, dễ kiếm ở vùng nông thôn như: tre, nứa, bu lông, gỗ, thép ly..., cụ ông Nguyễn Trọng Hảo (SN 1944), ở khối 8 Bắc Sơn, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đã lắp ghép, chế tạo ra 'Guồng nước con rối' tuyệt vời, độc đáo để tặng các cháu của mình.

Những ngày qua, rất đông người dân đã đến nhà ông Hảo để chiêm ngưỡng sản phẩm guồng nước con rối ông vừa hoàn thành.

Ông Hảo bên guồng nước con rối đầu tiên của mình. Ảnh: N. D.

Ông Hảo bên guồng nước con rối đầu tiên của mình. Ảnh: N. D.

Chia sẻ về ý tưởng sáng tạo “Guồng nước con rối” ông Hảo nói: Con dâu nhờ tôi làm một vật dụng để phục vụ công tác giảng dạy tại trường mầm non. Từ đó, tôi nghĩ mình có thể sáng tạo ra một sản phẩm mang đậm tính dân gian, để sản phẩm đó trang trí ngôi nhà và công sở đều được. Mày mò, tham khảo các mô hình trên mạng, thì thấy mô hình guồng nước con rối khá độc đáo và có ý nghĩa. Nhưng những mô hình đó cũng chỉ có 1 - 2 con rối nên tôi nghĩ mình sẽ phải làm mô hình phức tạp hơn, có nhiều con rối hơn. Sau đó tôi bắt tay vào làm mô hình.

Mô hình guồng nước con rối của ông Hảo. Ảnh: N. D.

Sau khi có ý tưởng, ông Hảo tìm nguyên liệu để làm, ông tìm mua một loại cây thuộc họ nhà tre, nhưng có thân nhỏ và chắc, loại cây này dễ kiếm. Ông bắt tay vào việc cưa, xẻ, đục đẽo… để tạo hình các con rối với mỗi con rối gắn liền với một hoạt động trong cuộc sống thường ngày khác nhau. Sau hơn 3 tuần mày mò, lắp rồi tháo, tháo rồi lắp, ông Hảo đã cho ra sản phẩm “Guồng nước con rối” đầu tiên như ý tưởng ban đầu của mình.

Nguyên lý hoạt động của sản phẩm guồng nước con rối rất đơn giản, chỉ cần chiếc máy bơm nước tạo nên dòng nước chảy, khi các gàu nước chạm vào dòng nước tạo ra một lực đẩy làm cho guồng liên tục quay và truyền một lực đến các con rối qua sợi thép ly làm cho các con rối hoạt động.

Mỗi con rối được kết nối với guồng nước bằng một sợi thép 3 ly. Ảnh: N. D.

Ông Hảo chia sẻ: “Nhìn thì thế thôi, nhưng để chế tạo ra guồng nước xoay được ổn định cũng rất khó, ví như cái guồng quay với 8 chiếc gàu xung quanh mà chỉ có sợi thép 3 ly chịu lực, nếu anh thợ nào không có kỹ thuật cao thì rất khó thành công. Chỗ guồng nước, tôi mất rất nhiều thời gian, phải làm đi làm lại đến 5 lần nó mới hoạt động ổn định như bây giờ”.

Ông bắt tay vào làm mô hình đầu tiên từ cuối năm 2018. Sau khi hoàn thành mô hình guồng nước 10 con rối đầu tiên, ông Hảo tiếp tục làm mô hình có nhiều con rối hơn, độ phức tạp cao hơn. Hiện nay, sau 3 tháng ông Hảo đã hoàn thiện ba mô hình để tặng cho các cháu của mình.

Biết được ông Hảo có sản phẩm độc đáo, nhiều người đã đến xem mô hình guồng nước con rối của ông. Nhưng ông cho biết, ông chưa hài lòng về những sản phầm mình đã làm mà còn nghiên cứu, cải tiến để sản phẩm mang đậm tính dân gian hơn.

Những con rối thể hiện các hoạt động lao động sản xuất của người dân. Ảnh: N. D.

Ông Hảo cho biết thêm: “Với những sản phẩm tiếp theo, tôi sẽ bố trí nhóm con rối theo vùng miền: Với nhóm người đồng bằng đang thực hiện những việc lao động đồng áng như: Cuốc đất, cấy lúa... Tiếp đến, nhóm người bán sơn địa thì đang cưa xẻ gỗ để làm nhà; nhóm còn lại ở vùng cao với những hoạt động văn hóa dân gian. Khi người khác nhìn vào sản phẩm này, sẽ thấy ngay bức tranh toàn cảnh lao động của người dân Việt Nam”.

Sản phầm guồng nước con rối của ông Hảo khá độc đáo, đã có nhiều người đến học hỏi để về làm theo, cũng có người đến ngỏ ý mua sản phẩm.

“Sau khi hoàn thiện hơn nữa mô hình, nếu có người đặt mua tôi cũng sẽ làm để bán cho họ. Tuy nhiên, phải nghiên cứu về giá cả cho phù hợp” - ông Hảo nói.

Nguyễn Duyên

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/ha-tinh-u80-che-tao-guong-roi-nuoc-doc-dao-ca-lang-toi-xem-975369.html