Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị khuyến công, sản xuất sạch hơn và kết nối cung cầu năm 2020

Sáng ngày 27/7, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Sở Công Thương tổ chức chương trình Hội nghị khuyến công, sản xuất sạch hơn (SXSH), và kết nối cung - cầu tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hỗ trợ gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh - khẳng định, công nghiệp nông thôn Hà Tĩnh những năm qua chiếm tỷ trọng lớn trong phát triển kinh tế tỉnh Hà Tĩnh. Chương trình khuyến công đã được triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, nhận được sự quan tâm của các ngành, các cấp, từ công tác chỉ đạo đến hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện, mang lại luồng sinh khí mới cho phát triển công nghiệp nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tham dự hội nghị có đại diện Cục Công Thương địa phương, Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương, lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh

Tham dự hội nghị có đại diện Cục Công Thương địa phương, Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương, lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh - ông Lê Xuân Từ - đánh giá, sau 5 năm hoạt động khuyến công, áp dụng SXSH trong công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 và kết nối cung cầu năm 2020 đã được triển khai tích cực, chủ động, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, hiệu quả kinh tế và môi trường, đặc biệt là làm thay đổi nhận thức của chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN).

Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, có 109 đề án khuyến công được triển khai với tổng kinh phí hỗ trợ là 23.292,2 triệu đồng. Trong đó khuyến công quốc gia hỗ trợ thực hiện 10 đề án, tổng kinh phí là 11.040 triệu đồng và khuyến công địa phương có 99 đề án với tổng kinh phí là 12.252,2 triệu đồng.

Với 5 đề án đào tạo về khởi sự doanh nghiệp, marketing, nhãn hiệu sản phẩm và phổ biến các chính sách về khuyến công, bình quân mỗi năm có 320 người được đào tạo với kinh phí thực hiện là 98 triệu đồng/năm. Hỗ trợ xây dựng 3 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất CN-TTCN từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia với tổng kinh phí 1.440 triệu đồng, bình quân 288 triệu đồng/năm.

Ông Dương Quốc Trịnh - Cục phó Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) - phát biểu tại hội nghị

Hà Tĩnh cũng tiến hành hỗ trợ chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ 53 đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất CN-TTCN với kinh phí thực hiện 9.170 triệu đồng, bình quân 1.834 triệu đồng/năm; trong đó 3 đề án hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia với số tiền 600 triệu đồng và 50 đề án từ khuyến công địa phương với số tiền 8.570 triệu đồng.

Về chương trình kết nối cung cầu, ông Lê Xuân Từ cho biết: Nhiều chương trình cụ thể như: tổ chức 3 lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp; xây dựng 5 điểm bán hàng Việt Nam ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng 5 mô hình cửa hàng thương mại dịch vụ có liên kết với sản xuất, gắn với thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm tiêu biểu, đạt chất lượng cao sản xuất trong tỉnh và các sản phẩm tham gia chương trình OCOP; giai đoạn 2016-2020, tổ chức 13 phiên chợ hàng Việt phục vụ nhân dân khu vực nông thôn, vùng núi các huyện: Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh...

Các đại biểu tham quan gian hàng kết nối cung cầu của tỉnh Hà Tĩnh năm 2020

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, ông Lê Xuân Từ cũng cho rằng, các hoạt động khuyến công vẫn còn nhiều hạn chế như: công tác khảo sát xây dựng kế hoạch, đề xuất các đề án khuyến công và chất lượng đề án của một số địa phương còn hạn chế, chưa đa dạng, ít đề án mang tính điển hình và tính lan tỏa chưa cao...

Vấn đề tiêu thụ sản phẩm, giải quyết đầu ra cho nông dân trong chuỗi hệ thống phân phối, tiêu thụ mặc dù đã hình thành, bước đầu có hiệu quả nhưng tính bền vững chưa được khẳng định; các cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu; sản phẩm thiếu đồng nhất và không đồng đều; số cơ sở sản xuất nông nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, mã số vã vạch còn ít, thậm chí còn nhiều cơ sở sản xuất chưa có bao bì và nhãn mác cho sản phẩm; sản phẩm sản xuất chưa được cấp các giấy chứng nhận về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy việc hỗ trợ tiêu thụ vào các hệ thống siêu thị, nhà phân phối và truy xuất nguồn gốc gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến công và SXSH giai đoạn 2016- 2020

Việc tiêu thụ hàng hóa còn gặp khó khăn, nhất là quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong khi sản phẩm chưa có thương hiệu mạnh nên có những thời điểm giá nông sản giảm sút, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe tham luận của các DN trên địa bàn, đề ra các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác khuyến công, kết nối cung cầu những tháng cuối năm 2020 và những năm tiếp theo, nhấn mạnh những giải pháp trong triển khai thực hiện tốt các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; chủ động tham mưu, đề xuất nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách về hoạt động khuyến công phù hợp với mỗi địa phương; thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, đề án khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, chương trình kết nối cung cầu một cách hiệu quả, từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - trao tem/logo sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh năm 2019, khu vực năm 2018, quốc gia năm 2019 cho các cơ sở

Để tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, kết nối giao thương với các tỉnh bạn và để hoạt động kết nối cung - cầu trở thành hoạt động thường xuyên và đạt kết quả thiết thực, đi vào chiều sâu; các tham luận tại hội thảo đều chung quan điểm là cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, xây dựng vùng nguyên liệu thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển hệ thống phân phối một cách đồng bộ, tạo nguồn hàng ổn định cung cấp cho thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu, góp phần ổn định thị trường.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh HàTĩnh - nhận định, công tác khuyến công nguồn lực đầu tư cho doanh nghiệp còn thấp, bên cạnh đó các đề án, dự án của DN có tính khả thi hay không? Chính quyền các địa phương cũng đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho DN, thế nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Vấn đề kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm chủ lực tiêu biểu mang lại việc làm, đời sống, thu nhập cao cho người dân. Hội nghị lần này là một trong những hoạt động chính của đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu rà soát các chương trình liên quan đến khuyến công, kết nối cung cầu để hoạt động một cách hiệu quả nhất.

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-tinh-to-chuc-hoi-nghi-khuyen-cong-san-xuat-sach-hon-va-ket-noi-cung-cau-nam-2020-141014.html