Hà Tĩnh: Thúc đẩy dự án an sinh xã hội nơi rốn lũ

Dự án 'Kè chống sạt, lở bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Gia Phố', huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt tại Quyết định 1128/QĐ-UBND, ngày 29/10/2019, dự kiến hoàn thành trong năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai, trong lúc mùa mưa lũ sắp đến.

Sạt lở đất khiến cả bụi tre trồng bên bờ sông đoạn quan thôn Thượng Hải bị cuốn trôi.

Tính khả thi của dự án

Dự án "Kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Gia Phố", huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) có tổng chiều dài 1.567m (riêng tuyến bờ hữu dài hơn 1.316m) với tổng mức đầu tư hơn 48 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là UBND huyện Hương Khê; đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH xây dựng và Thương mại Hoàng Ngọc có địa chỉ tại thị trấn Hương Khê. Thời gian thực hiện theo dự kiến ban đầu khởi công tháng 3/2020, hoàn thành trước mù lũ năm 2020.

Mục tiêu của dự án là đảm bảo an toàn cho 600 hộ dân xã Gia Phố sinh sống dọc bờ sông Ngàn Sâu, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Ông Phan Kỳ, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: "Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Gia Phố đã có đầy đủ hồ sơ pháp lí và nhận được sự đồng thuận cao của hầu hết 100% hộ dân trong vùng được hưởng lợi. Đặc biệt, trong số đó, 69/71 hộ thuộc diện được bồi thường đất và tài sản trên đất do ảnh hưởng tới công trình bày tỏ quyết tâm mong muốn dự án sớm đi vào hoạt động đã thống nhất các số liệu kiểm kê để nhận bồi thường.

Tuy nhiên, hiện còn một chút vướng mắc do 2 hộ ở thôn Thượng Hải chưa đồng tình. Bởi họ cho rằng, họ đã sống chung với lũ từ xưa tới nay nên chẳng cần dự án xây kè làm gì, thêm tốn kém tiền Nhà nước.

Vết nứt sạt lở ngang bằng cây giao phát sát sau vườn nhà anh Hán Duy Thăng (45 tuổi), giáo dân xứ Thịnh Lạc.

Qua kiểm tra xác minh, ngày 23/4/20120, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh đã có văn bản số 912/ SKHĐT-TDDGTDDT3 báo cáo UBND tỉnh Hà Tĩnh vấn đế liên quan đến dự án trên, kèm theo ý kiến của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, Sở TN&MT Hà Tĩnh với nội dung khẳng định: Sông Ngàn Sâu có địa hình dốc, cường độ nước lũ chảy mạnh, địa chất 2 bên bờ liên quan đến dự án chủ yếu là đất pha cát nền yếu, nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng. Trong lúc đó, rễ cây chỉ bám được độ sâu vừa phải trong nền đất yếu nên không phòng chống được sạt lở ở tầng sâu và chân mái.

Không những vậy do tác động của biến đổi khí hậu ngày một gia tăng, đặc biệt xã Gia Phố là một trong những rốn lũ ở miền hạ du Ngàn Sâu bị ảnh hưởng trực tiếp từ Công trình Thủy điện Hố Hô nên việc thực hiện dự án tại Quyết định 1128/QĐ-UBND, của UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt là bức thiết.

Cụ Lê Hồng Tư giáo dân xứ Thịnh Lạc vui vẻ ủng hộ dự án đã kiểm đếm vườn cam để bàn giao mặt bằng.

Vì lợi ích cộng đồng

Linh mục Pet. Lê Văn Duyệt, quản xứ Thịnh Lạc, xã Gia Phố cho biết: Vì lợi ích thiết thực của dựa án nên Hội đồng mục vụ Giáo xứ đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động cho gần 600 hộ giáo dân ở đây và tuyệt đại đa số bà con đều ủng hộ tuyệt đối, chỉ còn 2 hộ chưa thuận lòng.

Trước đó, PV Báo Dân sinh cũng đã có cuộc gặp gỡ với Linh mục Giuse. Phan Đình Trung - Linh mục tiên khởi Giáo xứ Thịnh Lạc và được biết: Trong suốt thời gian quản xứ Thịnh Lạc từ năm 2008 đến 2019, Linh mục Giuse. Phan Đình Trung từng chứng kiến những trận lũ kinh hoàng. Trong đó, riêng cơn lũ lịch sử năm 2010 đã nhấn chìm hàng trăm nóc nhà dân, cắt đứt chiếc cầu treo Gia Phố, cô lập hoàn toàn giáo xứ Thịnh Lạc trong nhiều tháng liền. Tiếp đến cơn lũ năm 2016 cũng dìm nhiều nhà dân xuống biển nước, gây sạt lở đất...

Nhà thờ xứ Thịnh Lạc bên bờ sông Ngàn Sâu trước mùa mưa lũ.

Trước những cảnh tượng đó, đích thân Linh mục Giuse. Phan Đình Trung đã từng gõ cửa Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn bày tỏ mong muốn của bà con trong Giáo xứ được xây dựng kè chống sạt lở đoạn qua địa bàn. Không ngờ, nguyện vọng chính đáng đó được lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh quan tâm và trở thành hiện thực.

Cụ Lê Hồng Tư (82 tuổi), giáo dân của Giáo xứ Thịnh Lạc ở thôn Thượng Hải, xã Gia Phố nói: "Tôi gắn liền với cuộc đời mình ở đây từ khi còn nhỏ nên đã chứng kiến những trận lũ khủng khiếp từng đi cướp đi bao tính mạng và tài sản của người dân. Vậy nên mỗi khi mùa lũ đến, tôi cứ nơm nớp nỗi lo. Khi biết có dự án này, tôi rất mừng. Nhà tôi có 439m2 đất và 40 cây bưởi bị ảnh hưởng đã được kiểm kê đầy đủ. Giờ tôi chỉ mong công trình sớm triển khai".

Linh mục Giuse. Phan Đình Trung - Linh mục tiên khởi Giáo xứ Thịnh Lạc mong mỏi dự án sớm được triển khai.

Ông Đặng Viết Long, Phó chủ tịch UBND xã Gia Phố chia sẻ: Xã Gia Phố đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2014. Hiện tỷ lệ hộ nghèo còn 9,07%; hộ cận nghèo còn 6,74%. Tuy nhiên, Gia Phố cũng là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai lũ lụt nên những con số trên rất có thể sẽ dễ bị thay đổi. Bởi vậy, dự án sẽ đem lại lợi ích thiết thực, góp phần ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương".

Được biết, từ hàng trăm năm nay, lũ trên sông Ngàn Sâu dù to hay nhỏ vẫn tuân thủ theo quy luật lở, bồi. Phía bờ nào bị lũ phá thì đất đai canh tác, làng mạc... cứ lùi dần theo dòng chảy; phía bờ nào bồi đắp thì đất đai canh tác và làng mạc cứ lấn dần ra. Vì vậy, dự án này được coi là "công trình thế kỉ", chấm dứt hoàn toàn sự xâm lấn của lũ lụt.

Thiết nghĩ, với những vướng mắc không đáng có sẽ được sớm tháo gỡ để đảm bảo tiến độ thi công công trình kịp thời trước khi mùa mưa lũ đến.

NGUYỄN NGỌC VƯỢNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/ha-tinh-thuc-day-du-an-an-sinh-xa-hoi-noi-ron-lu-20200507164722029.htm