Hà Tĩnh thừa 800 giáo viên vẫn thiếu người đứng lớp

Cuối buổi chiều 12/12, trong phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII, một lần nữa vấn đề thừa thiếu giáo viên lại làm nóng nghị trường khi nơi thừa, nơi thiếu trầm trọng.

Bàn lùi đề án ngoại ngữ?

Mở đầu phần chất vấn về lĩnh vực giáo dục, đại diện Sở Nội vụ Hà Tĩnh trả lời ý kiến của các cử tri về giải pháp tháo gỡ việc thiếu giáo viên Tiếng Anh khi thực hiện đề án ngoại ngữ của Bộ GD - ĐT. Theo đó, học sinh khối 3-4-5 học 4 tiết Tiếng Anh/tuần, khối lớp 1-2 làm quen Tiếng Anh.

Tuy nhiên, tại hội trường kỳ họp, ông Nguyễn Phi Quang - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh chưa đưa ra được một giải pháp để giải quyết việc thiếu giáo viên khi thực hiện đề án mà chỉ dừng lại ở việc “kể khó” và “đề xuất”.

Ông Nguyễn Phi Quang, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh

Trước nhiều ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh chất vấn “nóng”, ông Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ tọa kỳ họp yêu cầu ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD – ĐT nêu quan điểm để làm rõ hơn vấn đề.

Tại đây, ông Dũng đề xuất: “Do bất cập về thiếu đội ngũ và các điều kiện khác, đặc biệt, do nhiều địa phương có trường THCS liên xã trong khi mỗi xã có một trường tiểu học, nếu không thực hiện được đồng loạt đề án sẽ gây rất nhiều bất cập khi lên THCS. Vậy, nếu không cho đủ biên chế thì Sở GD – ĐT đề xuất chỉ thực hiện đại trà 2 tiết Tiếng Anh/tuần”.

Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD – ĐT Hà Tĩnh

Trước đề xuất của ông Dũng, ông Lê Đình Sơn đặt ngược lại câu hỏi: “Nếu thực hiện chỉ 2 tiết/tuần dẫn đến tình trạng thừa GV Tiếng Anh, vậy Sở Nội vụ và Sở GD – ĐT sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào? Lâu nay cố gắng thực hiện 4 tiết, giờ quay lại 2 tiết có thỏa đáng không?”. Cả hai vị Giám đốc Sở Nội vụ vẫn bỏ ngỏ câu trả lời.

Để có cái nhìn khách quan về vấn đề, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh qua điện thoại với ông Đào Duy Sỹ - Trưởng phòng GD – ĐT huyện Hương Sơn và NGƯT Võ Đức Đại - Trưởng phòng GD – ĐT Can Lộc (Hà Tĩnh) về nội dung liên quan.

Ông Đào Duy Sỹ cho biết: “Những năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn về đội ngũ và cơ sở vật chất nên chúng tôi đã “oằn mình” thực hiện những nội dung cơ bản đề án Ngoại ngữ của Bộ. GV bộ môn Tiếng Anh dạy hết công suất, thậm chí vượt giờ, các nhà trường chấp nhận tự cân đối một phần nguồn kinh phí để thực hiện. Đến nay, 100% các trường tiểu học đã thực hiện 4 tiết/tuần đối với các khối 3,4,5. Theo tôi, đây là một đề án tốt, tỉnh nên khắc phục mọi khó khăn, có giải pháp để phấn đấu thực hiện đề án. Việc quay lại dạy 2 tiết/tuần thì không còn gì để bàn”.

Còn NGƯT Võ Đức Đại cho rằng: “Tuổi vàng để học ngoại ngữ là cấp tiểu học, làm quen được ở bậc mầm non thì càng tốt. Can Lộc cũng hầu hết đang thực hiện chương trình 4 tiết/tuần từ khối 3 đến khối 5. Chúng tôi đề nghị tỉnh tìm giải pháp quyết tâm thực hiện đề án ngoại ngữ của bộ GD – ĐT”.

Như vậy, trong nhiều năm, ngành GD – ĐT Hà Tĩnh đã bằng nhiều cách khác nhau để khắc phục những khó khăn để thực hiện đề án ngoại ngữ của Bộ và đã gần đến đích. Dư luận của cử tri bất ngờ và hụt hẫng khi nghe Sở GD – ĐT “bàn lùi” quay về thực hiện đồng loạt 2 tiết/tuần ở bậc tiểu học.

Ai “an cư”, ai “lạc nghiệp”?

Nóng hơn cả chuyện thực hiện đề án ngoại ngữ, việc thừa - thiếu giáo viên cục bộ một lần nữa được cử tri và các đại biểu đưa ra nghị trường.

Vấn đề bắt đầu từ việc bậc mầm non toàn tỉnh thiếu gần 800 giáo viên theo quy định mới. Nhưng đáng nói, trong nhiều năm qua, TX Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, huyện Can Lộc và một số huyện khác không đủ giáo viên văn hóa đứng lớp. Bậc tiểu học huyện Kỳ Anh thiếu 18 giáo viên, huyện Can Lộc thiếu 39 giáo viên các môn. Đặc biệt, tại TX Kỳ Anh, bậc tiểu học còn thiếu 59 giáo viên, trong đó thiếu 10 giáo viên văn hóa làm GVCN lớp.

Thế nhưng, theo ông Nguyễn Phi Quang - GĐ Sở Nội: “Cho đến nay, chưa thể có phương án cho các huyện thiếu tuyển thêm biên chế vì toàn ngành đang thừa hơn 800 giáo viên. Cái khó là số giáo viên thừa nằm ở bậc THPT và một số bộ môn của THCS. Riêng bậc tiểu học, huyện Hương Khê thừa hơn 50 giáo viên nhưng không thể điều chuyển đến cho huyện thiếu”.

Ông Lê Đình Sơn, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh

Áp lực trước nhiều ý kiến chất vấn tại chỗ của đại biểu HĐND, một lần nữa, ông Lê Đình Sơn - Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh lại yêu cầu Giám đốc Sở Nội vụ và Sở GD – ĐT trả lời.

Ông Trần Trung Dũng nêu rõ quan điểm, đối với bậc tiểu học, mặc dù huyện Hương Khê thừa giáo viên nhưng không nên điều chuyển vì họ đã an cư, đời sống khó khăn. Việc thừa giáo viên được ông Dũng lí giải là do sáp nhập trường để quy hoạch lại mạng lưới trường lớp. Còn việc thiếu, tư lệnh ngành GD - ĐT đề nghị tỉnh cho chủ trương tuyển đủ giáo viên. Vị Giám đốc Sở Nội vụ cũng đồng tình với ý kiến không điều chuyển giáo viên ở huyện Hương Khê đến cho huyện thiếu.

Trước câu hỏi “Vậy đối với số giáo viên tiểu học thừa ở huyện Hương Khê nói riêng và giáo viên thừa các bậc học khác trong toàn tỉnh, Sở Nội vụ sẽ tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết như thế nào?” của ông Lê Đình Sơn, ông Nguyễn Phi Quang “lúng túng”: “Phải chấp nhận cho giáo viên làm việc thiếu giờ so với quy định”.

Chuyện nơi thừa, chốn thiếu giáo viên ở Hà Tĩnh xảy ra đã nhiều năm nay nhưng qua nhiều kì họp HĐND đưa ra bàn luận vẫn không giải quyết được vấn đề. Dư luận cho rằng, đây là lỗi hệ thống của các ngành chức năng từ việc quy hoạch, tuyển dụng ồ ạt dẫn đến hậu quả xấu. Việc không thể điều chuyển, cân đối lại nguồn lực thể hiện sự yếu kém của cả Sở GD – ĐT và Sở Nội vụ trong công tác tham mưu.

Dư luận cũng cho rằng, việc Sở GD – ĐT không chủ trương điều chuyển vì lí do “an cư” thực chất là đẩy quả bóng trách nhiệm cho Sở Nội vụ. Tuy nhiên, Sở Nội vụ lại lực bất tòng tâm trong việc tham mưu đưa ra một phương án giải quyết khi chuyện thừa hơn 800 giáo viên vẫn còn tồn tại. Chuyện “lạc nghiệp” ở nơi thiếu giáo viên một lần nữa rơi vào bế tắc.

Nơi trống bục giảng, chốn ăn “bát vàng”

Theo dõi phiên chất vấn, nhiều cán bộ quản lí và giáo viên ở Hà Tĩnh không thật sự hài lòng về việc phối hợp chưa khăng khít giữa Sở Nội vụ và Sở GD – ĐT Hà Tĩnh. Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi các đơn vị thừa giáo viên “ngồi mát ăn bát vàng” với đầy đủ tiền lương và hệ số chi thường xuyên thì ở các đơn vị thiếu phải “oằn mình” hứng chịu mọi thiệt thòi như phải tự trích ngân sách thuê giáo viên dẫn đến hụt nguồn chi thường xuyên vì nguồn phân bổ theo đầu người.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, đại biểu TP Hà Tĩnh

Ông Đoàn Đình Anh, đại biểu huyện Cẩm Xuyên

Ông Trần Nhật Tân, đại biểu huyện Thạch Hà

Quay lại buổi chất vấn, không đồng tình với ý kiến trả lời của Sở GD – ĐT và Sở Nội vụ về việc giải quyết việc thừa thiếu giáo viên cục bộ và thực hiện đề án ngoại ngữ, ông Lê Đình Sơn giao trách nhiệm cho hai Sở phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng một đề án chi tiết trình Thường trực HĐND cho ý kiến và trình HĐND vào kỳ họp sau.

Tuy nhiên, dư luận cử tri nói chung và giáo giới Hà Tĩnh lại cho rằng, ngay trong kỳ họp này, HĐND tỉnh Hà Tĩnh cần có một giải pháp tạm thời như trích một nguồn ngân sách bổ sung cho các huyện và đơn vị thiếu giáo viên. Thậm chí, cắt nguồn chi thường xuyên của các đơn vị thừa giáo viên để bổ sung cho các đơn vị thiếu vì trên thực tế, giáo viên chưa làm đủ số giờ quy định vẫn được hưởng nguyên lương và các chế độ khác một cách bất hợp lí.

Chuyện “an cư” và “lạc nghiệp” không phải là chuyện “ngại khó” của cấp trên được thể hiện bằng sự “thấu hiểu” mà lạc nghiệp trước hết phải thực hiện sự công bằng và đúng luật. Dư luận của cử tri Hà Tĩnh cho rằng, tỉnh không thể để mãi cảnh “nơi trống bục giảng, chốn ăn bát vàng” còn tư lệnh ngành GD – ĐT luôn ưu ái “an cư” nơi thừa và bỏ mặc “lạc nghiệp” nơi thiếu GV trầm trọng.

Quốc Hoàn – Quốc Hiệp

Nguồn ANTT: http://antt.vn/ha-tinh-giam-doc-so-khong-de-giao-vien-lac-nghiep-so-chuyen-an-cu-219210.htm