Hà Tĩnh: Tập trung khôi phục sản xuất, tiếp tục xây dựng nông thôn mới

Trong những ngày tháng 10 vừa qua, lũ lớn đã gây tổn thất và thiệt hại nặng nề cho người dân Hà Tĩnh. Song với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo địa phương cũng như sự vào cuộc của các ban, ngành, tổ chức xã hội, việc khắc phục hậu quả đã nhanh chóng được triển khai có hiệu quả. Tỉnh Hà Tĩnh tập trung khôi phục sản xuất và tiếp tục xây dựng nông thôn mới (NTM).

Nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định cuộc sống người dân

Ngay sau khi nước rút, người dân nhanh chóng thu dọn vệ sinh môi trường để sớm ổn định cuộc sống

Ngay sau khi nước rút, người dân nhanh chóng thu dọn vệ sinh môi trường để sớm ổn định cuộc sống

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, từ ngày 15 - 21/10, mưa lớn đã gây ngập lụt 118 xã, phường thị trấn của 11 huyện, thành phố với 52.604 hộ và 167.303 người bị ảnh hưởng, đặc biệt là tại các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh. Tiếp đến vào ngày 29 - 30/10, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, Hà Tĩnh lại xảy ra mưa lớn và gây ngập lụt tại nhiều huyện, thị, gây khó khăn cho công tác khắc phục hậu quả của đợt lũ trước đó.

Theo chân các đoàn thiện nguyện đến thăm hỏi, động viên chia sẻ với người dân huyện Thạch Hà – địa phương bị ngập nặng nhất trong đợt lũ vừa qua, chúng tôi nhận thấy, cuộc sống của người dân nơi đây đã dần đi vào ổn định.

Chia sẻ với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Sáu cho biết: Trong những ngày từ 17 - 19/10, huyện Thạch Hà có 17/21 xã bị ngập, trong đó nặng nề nhất là 4 xã gồm Tân Lâm Hương, Thạch Đài, Thạch Thắng và Tượng Sơn. Toàn huyện có tất cả 10.765 nhà bị ngập nước, trong đó 5.883 nhà ngập dưới 1m; 4.832 nhà ngập từ 1-3m; 30 nhà ngập trên 3m; 34 nhà bị thiệt hại trên 50%. Ngay sau khi nước rút, với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương cũng như sự hỗ trợ chung tay của các ngành, các tổ chức xã hội và lực lượng vũ trang, công tác khắc phục hậu quả đã được triển khai nhanh chóng. Tất cả các xã bị ngập nước đã hoàn thành công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng, phát quang cây cối bị đỗ gãy, vệ sinh công sở, trường học, hội quán thôn...

Chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Sáu về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn huyện Thạch Hà

Trong đợt lũ lụt vừa qua, xã Tân Lâm Hương là địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề nhất của huyện Thạch Hà, với 18/25 thôn bị ngập nặng và cô lập hoàn toàn. Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương Nguyễn Văn Ninh cho biết, lũ dâng cao, cả xã biến thành sông, mênh mông nước. Toàn xã có 3807 hộ bị ngập hoàn toàn, trong đó tại các thôn Sơn Trình, Phái Thượng có hàng trăm ngôi nhà ngập sâu hơn 3 mét. Không chỉ ngập sâu, các thôn dọc sông Ngàn Mọ - nơi xả nước Hồ Kẻ Gỗ đổ về - nước chảy rất mạnh nên việc cứu di dời người dân, tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ ứng cứu kịp thời của các lực lượng vũ trang, xã Tân Lâm Hương đã di dời được toàn bộ người dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân địa phương.

Là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề trong đợt lũ vừa qua, bà Phạm Thị Quế (thôn Phái Đông, xã Tân Lâm Hương) tâm sự: Lũ năm nay lên nhanh, chỉ kịp sơ tán người còn hơn tấn thóc lúa bị ngập hết, hơn 200 con gà, vịt bị lũ cuốn trôi hết. Sau lũ, nhờ có các chú công an, bộ đội về giúp đỡ, số lúa đã được phơi khô, tôi cũng chuẩn bị lo cây giống để chuẩn bị cho vụ đông xuân.

Cũng như huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên là một trong những địa phương bị ngập nặng trong đợt lũ lịch sử vừa qua. Theo báo cáo sơ bộ của UBND huyện Cẩm Xuyên, trận mưa lũ vừa qua cùng với việc xả tràn của hồ Kẻ Gỗ khiến toàn huyện có 150 thôn của 19 xã, thị trấn bị ngập, ảnh hưởng tới cuộc sống của 13.339 hộ dân với 43.028 nhân khẩu. Đặc biệt, 7 xã Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Vịnh, Cẩm Thạch, Cẩm Quang, Cẩm Quan bị ngập sâu và cô lập. Mức ngập bình quân tại các xã vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ là 2,2m, có điểm ngập lên tới 2,5m. Chính quyền địa phương đã huy động nhiều tàu thuyền, ca-nô di dời 10.900 hộ với 32.700 người ở các vùng ngập sâu, bị cô lập tới nơi an toàn. Thống kê chưa đầy đủ, ước tính thiệt hại do mưa lũ gây ra cho huyện Cẩm Xuyên là hơn 1.700 tỉ đồng. Trong đó, gần 11.500 tấn lúa bị hư hỏng, cuốn trôi và hơn 400.000 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Chia sẻ về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả sau lũ tại địa phương, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên Lê Quang Nghĩa cho biết: Cẩm Mỹ là xã nằm ở hạ lưu hồ Kẻ Gỗ nên hầu như năm nào cũng bị ảnh hưởng của lũ. Chính vì vậy, bà con địa phương luôn trong tư thế sẵn sàng đối phó khi có lũ xảy ra. Tuy nhiên, lũ năm nay diễn biến rất nhanh, bất ngờ, người dân không kịp trở tay nên người dân bị thiệt hại nặng nề về tài sản. Đặc biệt 3 công trình của xã gồm UBND xã, trường mầm non và trạm y tế bị ngập nặng và hư hỏng nhiều đồ dùng, thiết bị thiết yếu. Việc khắc phục để ổn định cuộc sống của người dân địa phương trước mắt còn rất nhiều khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Phạm Văn Thắng cho biết, ngay sau khi nước rút, nhằm kịp thời ổn định cuộc sống cho người dân, huyện đã vận động người dân phối hợp tích cực với cơ quan tổ chức đoàn thể và các lực lượng vũ trang tổng dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải. với phương châm nước rút đến đâu thì dọn dẹp đến đó. Bên cạnh đó, huyện cũng đã kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện tổ chức các điểm sửa chữa xe máy, đồ gia dụng, điện lạnh, điện tử miễn phí nhằm giảm bớt khó khăn bước đầu cho người dân. Đến nay, cuộc sống của người dân huyện Cẩm Xuyên đã dần đi vào ổn định. Trong những ngày tới, huyện tập trung chỉ đạo các địa phương thực hiện khôi phục sản xuất trong đó ưu tiên cho sản xuất cây vụ Đông, tái đàn gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản...

Ngành giáo dục nhanh chóng vực dậy sau lũ

Vệ sinh trường học là một trong những ưu tiên hàng đầu sau khi nước rút

Có thể nói, trận lũ lịch sử tại Hà Tĩnh trong tháng 10 vừa qua, ngành Giáo dục Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng rất nặng. Hàng trăm ngôi trường bị ngập lụt và hư hỏng trang thiết bị học tập. Ngoài việc khắc phục thiệt hại cơ sở vật chất thì các trường học vùng lũ đang gấp rút triển khai kế hoạch bù đắp kiến thức.

Trường mầm non Thạch Tân, xã Tân Lâm Hương là điểm trường bị ngập nặng và thiệt hại nặng nề nhất tại huyện Thạch Hà trong đợt lũ vừa qua. Cô Nguyễn Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường mầm non Thạch Tân cho biết, trong đợt lũ vừa qua trường bị ngập sâu hơn 1 mét, dù cố gắng kê cao đồ đạc hết mức có thể nhưng lũ lớn đã nhấn chìm tất cả. Bàn ghế ngâm trong nước lâu ngày, nhiều đồ dùng học tập bị ướt, mục nát và hư hỏng nặng hoặc trôi mất. Các con phải nghỉ học gần 10 ngày. Ngay sau khi nước rút, cùng với sự hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức, toàn bộ giáo viên và đông đảo phụ huynh đã đến thu dọn, khắc phục hậu quả. Đến nay, các con đã trở lại trường học song do cơ sở vật chất và giáo cụ đã bị hư hỏng nặng cần phải được đầu tư, hỗ trợ thêm để việc dạy và học của cô và trò trong trường đi vào ổn định.

Cũng như trường mầm non Thạch Tân, Trường Tiểu học Thạch Tân, xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà cũng bị ngập sâu và giờ đã vào ổn định dạy học. Thầy Trần Huy Lợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Tân cho biết: “Nước ngập sâu gây thiệt hại không nhỏ về cơ sở vật chất và giáo cụ, trong đó phần lớn bàn ghế bị hư hỏng do ngâm nước nhiều ngày. Chúng tôi đã cố gắng khắc phục khó khăn một cách nhanh nhất để sớm ổn định nền nếp học tập cho các em. Về kế hoạch dạy và học để đảm bảo chương trình sau hơn 1 tuần gián đoạn do mưa lũ, Trường Tiểu học Thạch Tân đã có kế hoạch dạy bù cho học sinh bằng việc bù giờ ở một số tiết 5 và mỗi tuần tăng thêm 3 buổi chiều. Hiện, Ban Giám hiệu nhà trường đang cân đối số tiết để xây dựng thời khóa biểu hợp lý.

Cô Nguyễn Thanh Nga, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Hà cho biết các điểm trường trên địa bàn ổn định trở lại đi học bình thường

Chia sẻ với chúng tôi, cô Nguyễn Thanh Nga, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Thạch Hà là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt mưa lũ vừa qua. Thạch Hà có 37 trường bị ngập, trong đó 21 trường ngập sâu, gây thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, trong những ngày qua, các cơ sở giáo dục của huyện Thạch Hà cũng đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần của các đoàn thể, tổ chức và cá nhân đến từ mọi miền Tổ quốc. Đây là sự hỗ trợ, động viên quý báu để ngành giáo dục huyện Thạch Hà vượt qua mọi khó khăn, để dần đi vào ổn định.

"Hai đợt lũ liên tiếp xảy ra trong tháng 10 khiến cho học sinh địa phương phải nghỉ học gần 10 ngày. Để bảo đảm yêu cầu về chất lượng, không quá tải đối với học sinh, giáo viên về nội dung kiến thức, thời lượng chương trình và thời gian học, ngoài việc ổn định nền nếp, ban giám hiệu các trường trên địa bàn huyện đã và đang thực hiện rà soát lại chương trình, chất lượng học sinh ở đơn vị mình để lập kế hoạch dạy bù phù hợp với từng khối lớp", cô Nguyễn Thanh Nga cho biết thêm.

Cô Nguyễn Thanh Nga, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Hà cho biết, hiện nay 100% trường học tại địa phương đã trở lại bình thường

Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Hà Tĩnh Cao Ngọc Châu cho biết: hai đợt lũ xảy ra trong tháng 10 vừa qua, ngành Giáo dục Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng rất nặng. Hàng trăm ngôi trường bị ngập lụt và hư hỏng trang thiết bị học tập. Theo ước tính sơ bộ, thiệt hại về tài sản của ngành GD&ĐT Hà Tĩnh là trên 32 tỷ đồng. Ngay sau khi lũ rút, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể thực hiện công tác vệ sinh trường lớp, tập trung khắc phục hậu quả để đón học sinh trở lại trường; kiểm tra, rà soát những thiệt hại về phòng học, bàn ghế, nhà công vụ giáo viên, thiết bị, thư viện; đặc biệt rà soát thiệt hại về sách vở, đồ dùng học tập của học sinh, nhất là các học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn bị ảnh hưởng do mưa lũ. Tính đến thời điểm hiện nay, 100% số trường học trên địa bàn Hà Tĩnh đã trở lại hoạt động bình thường, hoạt động dạy và học đã dần đi vào ổn định.

Tập trung khôi phục sản xuất, tiếp tục xây dựng nông thôn mới (NTM)

“Lũ chồng lũ” tại tỉnh Hà Tĩnh đã gây thiệt hại về người và tài sản. Ngay sau khi lũ rút, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo địa phương cũng như sự vào cuộc của các ban, ngành, tổ chức xã hội, việc khắc phục hậu quả đã nhanh chóng được triển khai và cuộc sống của người dân Hà Tĩnh đã dần đi vào ổn định.

Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững và mỗi xã một sản phẩm (OCOP) Hà Tĩnh nhằm đánh giá tình hình kết quả tháng 10/2020 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo hướng dẫn các địa phương khắc phục các khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu bị ảnh hưởng do mưa lũ. Theo đó, các địa phương nỗ lực khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất và tiếp tục xây dựng NTM.

Người dân huyện Thạch Hà bắt đầu khôi phục sản xuất, gieo trồng vụ Đông Xuân

Với tinh thần “lũ rút đến đâu, dọn dẹp, khắc phục đến đó”, cấp ủy chính quyền, cả hệ thống chính trị đã nhanh chóng hướng dẫn, giúp đỡ người dân vệ sinh đồng ruộng, khôi phục diện tích bị ảnh hưởng nhẹ, gieo trồng lại ở những diện tích bị ngập úng nhằm bảo đảm sản xuất.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Sáu cho biết: ngay sau khi nước rút, song song với dọn dẹp vệ sinh môi trường, huyện Thạch Hà đã chỉ đạo người dân ở những nơi có điều kiện canh tác thuận lợi như vùng sản xuất rau trên cát các xã: Thạch Văn, Thạch Khê, Thạch Trị, Thạch Lạc…khẩn trương ra đồng phục hồi sản xuất. Huyện đã có kế hoạch hỗ trợ 100% kinh phí mua giống và 50% kinh phí mua phân bón cho các vùng sản xuất rau, củ, quả tập trung (125 ha); hỗ trợ 50% kinh phí mua bịch giống nấm; hỗ trợ 50% kinh phí mua giống gia súc, gia cầm… Tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến khoảng 5,4 tỷ đồng.

Không chỉ ở Thạch Hà, những ngày qua, nhiều địa phương như: Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ, Kỳ Anh… cũng đã chỉ đạo bà con ra đồng khôi phục sản xuất, đồng thời xây dựng kế hoạch hỗ trợ, phân bổ giống cây, con giống cho người dân.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, đến ngày 15/10, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã gieo trồng được 4.264 ha/10.812 ha kế hoạch (đạt 39,44%). Các loại cây trồng vụ đông chủ yếu là ngô lấy hạt, ngô sinh khối và rau các loại. Tuy vậy, 2 đợt mưa lũ vừa qua khiến nhiều diện tích rau màu, cây ăn quả, cùng gia súc, gia cầm, thủy sản… của người dân Hà Tĩnh từ đồng bằng đến miền núi bị thiệt hại nặng nề. Cụ thể, có 638,2 ha lúa mùa, 2.980 ha rau màu, 1.306 ha cây ăn quả bị thiệt hại và hàng chục nghìn con trâu, bò, hươu, lợn, gia cầm... bị chết; hơn 3.000 ha ao cá, tôm, ngao bị ngập, nước cuốn trôi.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh Nguyễn Trí Hà cho biết, đến nay, Hà Tĩnh đã được Trung ương hỗ trợ 8 tấn giống ngô và 6 tấn giống rau các loại. Hiện, tỉnh đã lên danh sách phân bổ giống về cho các địa phương để kịp thời sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cũng cho biết, tỉnh Hà Tĩnh sẽ hỗ trợ 100% giống cây vụ đông cho những địa phương bị thiệt hại do mưa lũ. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là phủ xanh tối đa diện tích cây trồng vụ đông, vừa đảm bảo lương thực cho người vừa làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Bên cạnh nhiệm vụ khắc phục hậu quả lũ lụt nhanh, chóng khôi phục sản xuất, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM.

Trong số các địa phương tại Hà Tĩnh, có thể nói Vũ Quang là một trong những huyện điển hình về xây dựng NTM bất chấp "lũ chồng lũ" liên tiếp xảy ra trong những ngày gần đây. Dù bị ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao, toàn huyện đã thực hiện được 4.240 hạng mục công trình, phần việc (đạt 71% kế hoạch). Huyện Vũ Quang đã huy động được gần 9 tỷ đồng; hơn 41.000 ngày công tiến hành nâng cấp hơn 8km nền và lề đường giao thông; hoàn thành 5,2km mặt đường bê tông xi măng; di dời 85 cột điện, làm mới 12,9km đường điện thắp sáng; trồng 32,67km hàng rào xanh. Tổng số vườn mẫu dự kiến đạt chuẩn là 243 vườn (vượt 80% kế hoạch đề ra), xây dựng 37/58 tuyến đường mẫu (đạt 63,8%)... Với những kết quả đã đạt được, tại Hội nghị tổng kết “60 ngày thi đua cao điểm xây dựng NTM”, 100% đại biểu đã bỏ phiếu thống nhất đề nghị trình tỉnh và Trung ương thẩm định, thẩm tra, công nhận huyện Vũ Quang đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào cuối năm 2020.

Cùng với việc khắc phục hậu quả lũ lụt, khôi phục sản xuất, nông dân xã Đức Đồng (Vũ Quang) ra quân làm sân bóng đá thiếu nhi tại khu vực nhà văn hóa khu dân cư NTM kiểu mẫu thôn Đồng Vịnh

Bí thư Huyện ủy Vũ Quang Nguyễn Thị Hà Tân chia sẻ, toàn huyện hiện có 9/9 xã đạt chuẩn NTM theo quy định, các xã sau khi đạt chuẩn đều tiếp tục phấn đấu nâng mức chuẩn. Đời sống vật chất của người dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đến cuối năm 2020 ước đạt 42,75 triệu đồng (tăng 33,63 triệu đồng so với cuối năm 2010), tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn huyện còn 4,64% (giảm 41,21% so với năm 2010). Kết quả huy động nguồn lực trong 10 năm (2010-2020) thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn huyện đạt hơn 3.074 tỷ đồng.

Những ngày này, vượt lên trên khó khăn, thách thức và thiệt hại nặng nề mà “lũ chồng lũ” để lại, các cấp ủy, chính quyền phối hợp tích cực cùng với nhân dân toàn tỉnh nỗ lực ngày đêm dọn dẹp, tổng vệ sinh, chỉnh trang lại các hệ thống cơ sở vật chất để người dân có thể trở lại nhịp sống bình thường sớm nhất có thể. Tin tưởng và hy vọng với quyết tâm, nỗ lực và chung sức chung lòng của cả hệ thống chính trị Hà Tĩnh từ tỉnh xuống cơ sở, với truyền thống anh hùng, kiên cường vượt khó của quân và dân Hà Tĩnh, tỉnh sẽ nhanh chóng phục hồi và vượt lên, duy trì lại đà tăng trưởng kinh tế của địa phương./.

Nhóm PV

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/ha-tinh-tap-trung-khoi-phuc-san-xuat-tiep-tuc-xay-dung-nong-thon-moi-567580.html