Hà Tĩnh sơ tán hàng chục nghìn hộ dân ngay trong đêm do mưa lớn, lũ lụt

Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, trong hai ngày qua, khu vực tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có mưa, mưa vừa đến mưa to, có nơi đặc biệt to. Mưa lớn kéo dài kết hợp với các hồ đập, thủy điện đồng loạt xã tràn khiến hàng chục nghìn hộ dân ở Hà Tĩnh phải sơ tán ngay trong đêm.

Nước lũ ở khu vực hạ du hồ Kẻ Gỗ (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đang lên rất nhanh

Nước lũ ở khu vực hạ du hồ Kẻ Gỗ (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đang lên rất nhanh

Hồ đập, thủy điện đồng loạt xả tràn, nước lũ dâng nhanh.

Ông Trần Bá Đức, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho biết, do chịu ảnh hưởng của áp cao lạnh lục địa kết hợp với rìa Bắc dải hội tụ nhiệt đới nên toàn tỉnh có mưa, mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa đo được từ 7h ngày 15/10 đến 04h ngày 19/10 tại tại Hương Trạch 556 mm; Chu Lễ 499 mm; Hòa Duyệt 484 mm; Thạch Đồng 828 mm; Kỳ Anh 370 mm; Hồ Kẻ Gỗ 1.081mm, Sông Rác 706mm. Đặc biệt tại Thành phố Hà Tĩnh lượng mưa từ 7h ngày 18/10/2020 đến 04h ngày 19/10/2020 lên tới 727 mm.

Mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày khiến mực nước ở các sông trên địa bàn dâng cao, mực nước một số hồ lớn đạt xấp xỉ dung tích thiết kế. Đặc biệt mực nước đo được tại Hồ Kẻ Gỗ, Sông Rác, Kim Sơn… đều cao hơn mực nước dâng bình thường. Vì vậy, các đơn vị quản lý buộc phải vận hành xã tràn điều tiết lũ để bảo đảm an toàn hồ đập. Hồ Kẻ Gỗ bắt đầu xả tràn lúc 13h ngày 18/10/2020 với lưu lượng 30 m 3 /s, hiện nay xả với lưu lượng 500 m 3 /s đến 850 m3/s. Thủy điện Hố Hô bắt đầu xả tràn từ 9h ngày 16/10/2020 với lưu lượng 161 m3 /s; thời điểm xã lớn nhất lúc 19 giờ ngày 16/10/2020 xã với lưu lượng 911m3 /s, hiện đang xả tràn 2 với lưu lượng 371 m 3 /s. Các hồ đập khác cũng đồng loạt xã tràn với lưu lượng từ 45m 3 /s đến 100 m3/s.

Nhà máy Thủy điện Khe Bố (Xã Tam Quang, huyện Tương Dương, Nghệ An) xả lũ. Ảnh tư liệu

Còn tại Nghệ An, Thông tin từ Công ty cổ phần Thủy điện Nậm Mô, Nậm Nơn, từ 7 giờ ngày 18/10, mực nước tại hồ chứa thủy điện Bản Ang trên địa bàn xã Xá Lượng, huyện Tương Dương tăng đột biến. Theo đó, từ 11 giờ ngày 18/10 Công ty cổ phần Thủy điện Nậm Mô, Nậm Nơn tiến hành xả lũ với lưu lượng 200 m3/s đến 500 m3/s (bao gồm qua đập tràn và qua các tổ máy) và có thể tăng thêm tùy thuộc vào lưu lượng nước về hồ cho đến khi lưu lượng nước về hồ giảm dưới mức 189,6 m3/s.

Theo số liệu quan trắc tại hồ chứa thủy điện Khe Bố vào lúc 9 giờ ngày 18/10/2020 mực nước hồ ở cao trình 65,00m; lưu lượng về hồ 487,0 m3/s và đang tiếp tục tăng. Từ 15 giờ ngày 18/10, sau Nhà máy thủy điện Bản Ang, Nhà máy thủy điện Khe Bố bắt đầu xả lũ với tổng lưu lượng khoảng khoảng 500 m3/s đến 1.000 m3/s . Thời gian kết thúc xả nước qua đập tràn sẽ kéo dài cho đến khi lưu lượng nước về hồ giảm về dưới mức 487,0 m3/s.

Sơ tán dân khỏi vùng ngập lụt ngay trong đêm

Nước lũ lên nhanh chia cắt thêm nhiều vùng trên địa bàn Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Ngay trong đêm 18/10, chính quyền các địa phương ở Hà Tĩnh đã phối hợp các lực lượng chức năng khẩn trương sơ tán 7.183 hộ với 20.761 người dân đến nơi an toàn. Theo ông Hà Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên thì hiện tại có 80 thôn của 16 xã bị ngập lụt. Sau khi hồ Kẻ Gỗ tăng lưu lượng xã tràn, nước lũ ỏ các xã vùng hạ lưu hồ Kể Gỗ, Bộc Nguyên lên rất nhanh, gây chia cắt nhiều khu vực dân cư. Theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương, huyện đã tiến hành sơ tán 4.365 hộ dân với 12.390 người tại các xã Cẩm Duệ, Cẩm Mỹ, Cẩm Vịnh, Cẩm Thạch, Cẩm Thành, Cẩm Bình… đến nơi an toàn. Mưa lớn cũng khiến hầu hết các tuyến đường, khu dân cư ở thành phố Hà Tĩnh bị ngập nặng, hiện tại việc đi lại trên địa bàn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Tại Thạch Hà, mưa lớn cũng đã gây ngập úng hơn 400 héc ta rau màu, 620 ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Nhiều tuyến đường bị ngập tại các xã Tân Lâm Hương, Thạch Đài, Thạch Ngọc, Thạch Lạc, Đỉnh Bàn, Thạch Thắng, Nam Điền, Tượng Sơn, Thạch Liên, Việt Tiến... trong đó một số xóm đặc biệt bị ngập nặng, cô lập ở các xã Thạch Đài, Tân Lâm Hương, Thạch Ngọc, Thạch Liên, Lưu Vĩnh Sơn. Để bảo đảm an toàn cho người dân, ngay trong tối 18/10, địa phương đã hoàn thành việc sơ tán 2.200 hộ dân với 6.600 người về nơi an toàn.

Các địa phương cắm chốt, cảnh báo an toàn tại các tuyến đường bị ngập lụt

Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hương Khê, mưa thượng nguồn sông Ngàn Sâu, sông Tiêm hiện đang rất lớn, thủy điện Hố Hô xã lũ với lưu lượng lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở một số xã: Hương Lâm, Hương Liên, Hòa Hải, Hương Vĩnh... Hiện trên địa bàn có sáu xã bị nước lũ chia cắt, nhiều tuyến đường giao thông và cầu qua sông bị ngập, sạt lở nghiêm trọng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Ở Nghệ An, do ảnh hưởng của mưa lớn những ngày qua, đoạn đường đi qua dốc Chó trên tuyến Quốc lộ 7, thuộc địa phận xã Lạng Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) liên tiếp xảy ra bị sạt lở núi.

Hạt trưởng quản lý đường bộ Con Cuông, Nguyễn Xuân Yên cho biết: Khoảng từ 8 giờ sáng ngày 17/10, trên tuyến Quốc lộ 7, tại km 110+850 đi qua bản Bòng, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông đã xảy ra tình trạng sạt lở núi. Ngay sau khi xảy ra sự cố trên, đơn vị quản lý giao thông đã huy động máy móc, nhân lực để khắc phục kịp thời thông đường.

Theo ông Nguyễn Xuân Yên, khó khăn nhất hiện nay là do mưa kéo dài nên sạt lở núi diễn ra liên tiếp ở khu vực dốc Chó, cứ khoảng 2-3 tiếng đồng hồ là phải dùng máy để xúc bùn đất trào xuống đường 1 lần để đảm bảo lưu thông. Nếu mưa lớn kéo dài nguy cơ sạt lở lớn, vùi lấp cả đoạn đường này có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Khắc phục sạt lở trên Quốc lộ 7 đoạn dốc Chó, xã Lạng Khê, Con Cuông. Ảnh Báo Nghệ An

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, Ban Thường vụ tỉnh ủy Nghệ An và Hà Tĩnh đã yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, địa phương từ tỉnh đến cơ sở, các đoàn công tác tập trung thực hiện nghiêm túc các công điện khẩn của Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; cả hệ thống chính trị phải dồn sức cao nhất cho công tác phòng, chống mưa lũ; hoãn các cuộc họp chưa cần thiết; tuyên truyền, vận động nhân dân đề cao cảnh giác và có phương án phòng, tránh thiên tai. Kiên quyết chỉ đạo di dời người và tài sản những nơi có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, hạn chế tối đa thiệt hại khi xảy ra tình huống, tuyệt đối không để bất cẩn xảy ra ảnh hưởng đến tính mạng của người dân.

Huy động phương tiện, lực lượng, đặc biệt là công an, quân sự, biên phòng triển khai biện pháp cảnh báo ở các điểm giao thông bị ngập lũ, bố trí lực lượng ứng trực, kiên quyết không để người và các phương tiện lưu thông qua địa điểm nguy hiểm.

Tập trung cứu hộ, sơ tán dân cư vùng nguy hiểm, các hộ dân còn ở các vùng bị ngập lũ sâu, bị cô lập đến nơi an toàn, nhất là vùng hạ du hồ chứa nước và các hồ chứa; kịp thời chi viện lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân, tuyệt đối không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm, nước uống.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, tránh và khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt trên địa bàn phụ trách.

Từ Thành - Ngô Tuấn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ha-tinh-so-tan-hang-chuc-nghin-ho-dan-ngay-trong-dem-do-mua-lon-lu-lut-n181633.html