Hà Tĩnh ráo riết phòng chống dịch tả lợn châu Phi
Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) hiện đang tiếp tục diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Tĩnh, nguy cơ lây nhiễm diện rộng đang ở mức cao. Trước tình hình này, ngành chuyên môn yêu cầu các địa phương tập trung mọi biện pháp, hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan.
Trong gần 1 tháng qua, huyện Cẩm Xuyên liên tục xuất hiện thêm các ổ DTLCP mới. Đến thời điểm hiện tại, dịch đã lan rộng thêm 10 xã, thị trấn: Nam Phúc Thăng, Cẩm Thành, thị trấn Cẩm Xuyên, Cẩm Thạch, Cẩm Hà, Cẩm Duệ, Cẩm Vịnh, Cẩm Thịnh, Cẩm Dương và Cẩm Hưng.
Toàn huyện Cẩm Xuyên đã buộc phải tiêu hủy 183 con lợn với trọng lượng 7.604,1 kg ở 21 hộ.
Công tác phun tiêu độc khử trùng được huyện Cẩm Xuyên thực hiện thường xuyên tại các địa phương xuất hiện dịch.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên Lê Văn Danh cho biết: “Công tác phòng chống dịch của huyện đang đối mặt với nhiều khó khăn như: mầm bệnh bị phát tán ra nhiều nơi sau mưa lũ, thời tiết lại bước vào mùa ẩm ướt. Mật độ chăn nuôi dày, chuồng trại của người dân sát nhau khiến việc hạn chế lây nhiễm rất khó.
Điều này sẽ khiến dịch bệnh tiếp tục bùng phát trên quy mô rộng hơn, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi toàn huyện”.
Các trang trại ở xã Cẩm Lạc tăng cường phun tiêu độc khử trùng, đảm bảo an toàn cho đàn lợn quy mô lớn.
Trước tình hình dịch bệnh khó lường, UBND huyện Cẩm Xuyên vừa ban hành công điện khẩn yêu cầu các xã, thị trấn, phòng, ban, ngành cấp huyện khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo kịch bản đã xây dựng. Trong đó, quan tâm các nội dung trọng tâm như: tập trung khống chế, bao vây các ổ dịch hiện có, hạn chế tối đa việc lây lan diện rộng; thành lập 18 tổ công tác trực tiếp chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tại thôn, xóm, hộ gia đình.
Đồng thời, hướng dẫn người dân đầy đủ các biện pháp nuôi an toàn sinh học, chủ động xuất bán sớm số lợn đến tuổi xuất chuồng để tránh thiệt hại; đảm bảo tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh đúng quy trình…
Hóa chất được cấp về liên tục cho các địa phương để thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Khi trên địa bàn xuất hiện các ổ dịch mới, hệ thống chính trị và người dân huyện Hương Sơn đã chủ động tăng cường công tác phòng chống, hạn chế dịch lây lan.
Ông Phan Xuân Đức - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn cho biết: "Ngay sau khi xác định có ổ dịch tại 2 xã Sơn Trường, Tân Mỹ Hà, huyện đã họp và kiện toàn ban chỉ đạo chống dịch tại xã, tiến hành vệ sinh, phun hóa chất tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột; kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn trong vùng dịch và khu vực liên quan.
Đồng thời, giao trực tiếp đoàn công tác thường xuyên kiểm tra tại các thôn, xóm để kịp thời nắm được thông tin. Hiện nay, 2 ổ dịch mới đang trong tình trạng ổn định, chưa ghi nhận lây lan ra các hộ chăn nuôi khác”.
Hà Tĩnh đã có 423 con lợn mắc bệnh, ốm chết, phải tiêu hủy với trọng lượng 22.662kg.
Tại Hà Tĩnh, tính từ tháng 9/2020 đến nay, DTLCP đã tái phát trên địa bàn 26 xã thuộc 7 huyện huyện, thị, thành phố với 423 con lợn mắc bệnh, ốm chết, phải tiêu hủy với trọng lượng 22.662kg.
Theo Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh Trần Hùng, DTLCP đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường và có chiều hướng lây lan rộng hơn trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là có nguy cơ cao xâm nhiễm vào hệ thống trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn.
DTLCP đang có nguy cơ xâm nhiễm vào hệ thống trang trại chăn nuôi quy mô lớn
Trong khi đó, công tác phòng chống dịch đang gặp nhiều khó khăn do mầm bệnh bị phát tán nhiều nơi sau lũ, môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm. Nhiều địa phương thực hiện tái đàn nhanh và đang có tổng đàn khá lớn, mật độ chăn nuôi dày.
Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn không đảm bảo đủ các điều kiện an toàn sinh học, chưa chấp hành đầy đủ công tác phòng dịch…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT kiểm tra công tác phòng DTLCP trên địa bàn huyện Can Lộc.
“Trước thực tế đó, ngành chuyên môn đã yêu cầu các huyện thực hiện nghiêm các kịch bản chống dịch UBND tỉnh đã ban hành; tập trung đồng bộ mọi biện pháp, huy động lực lượng cao nhất, hạn chế tối đa việc lây lan dịch bệnh; xử lý nghiêm với những trường hợp chủ quan, lơ là trong phòng dịch. Các địa phương thành lập đoàn giám sát để kiểm tra thường xuyên tại nông hộ, công tác giết mổ tại cơ sở, hậu kiểm tại chợ, quá trình vận chuyển lợn, đặc biệt là lợn giống đưa về nuôi trên địa bàn.
Không khuyến khích tái đàn trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là tại các hộ chăn nuôi không đảm bảo tốt các điều kiện an toàn sinh học. Tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trong trang trại lớn nhằm đảm bảo nguồn cung con giống để phát triển chăn nuôi và số lượng lợn thịt ra thị trường cuối năm” – ông Hùng cho biết.