Hà Tĩnh: Phát hiện 2 chiếc thuyền độc mộc cổ dưới lòng sông

Trong lúc đi đánh cá trên sông Ngàn Sâu ở địa phận xã Hương Thủy (Hương Khê, Hà Tĩnh), người dân phát hiện, trục vớt được 2 chiếc thuyền độc mộc nằm dưới đáy lòng sông.

Xác nhận với PV, ông Trần Phi Công - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, một số người dân trong khi đi đánh bắt cá trên sông Ngàn Sâu, đoạn qua địa bàn giáp ranh giữa thôn 5 và thôn 6, xã Hương Thủy đã phát hiện, trục vớt được 2 chiếc thuyền độc mộc nằm dưới đáy lòng sông.

Chiếc thuyền cổ được phát hiện có chiều dài tới hơn 11m.

Chiếc thuyền cổ được phát hiện có chiều dài tới hơn 11m.

Nhận được tin người dân phát hiện, trục vớt 2 chiếc thuyền độc mộc dưới lòng sông Ngàn Sâu, Bảo tàng Hà Tĩnh đã tổ chức làm việc với đại điện UBND huyện Hương Khê, chính quyền xã Hương Thủy tiến hành sưu tầm hiện vật phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày.

Một chiếc thuyền độc mộc đưa về bảo quản tại bảo tàng để tiếp tục bảo quản, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và trưng bày theo luật di sản văn hóa.

Chiếc còn lại đã được người dân đưa về trông giữ ở địa bàn xã Hà Linh, huyện Hương Khê. Hiện Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh đang có văn bản gửi cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để sớm được tiếp nhận, di chuyển về bảo tàng bảo quản, nghiên cứu.

Ông Trần Phi Công - Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh bên chiếc thuyền độc mộc vừa được di chuyển về bảo tàng.

Hai chiếc thuyền độc mộc cổ này, một chiếc có chiều dài 11.25m, 1 chiếc có chiều dài 11m, đều có bề rộng từ 40 - 60cm, được làm bằng chất liệu thân cây gỗ lớn, khoét rộng phần lõi của cây, chống chịu được nước.

"Việc phát hiện 2 chiếc thuyền độc mộc sẽ góp phần giúp các nhà khảo cổ, bảo tàng tiếp tục nghiên cứu khoa học về niên đại, nguồn gốc xuất xứ cụ thể; điều kiện kinh tế, xã hội, các hoạt động đi lại, sản xuất, cuộc sống mưu sinh, phong tục tập quán, sinh hoạt…của người xưa" - ông Trần Phi Công cho hay.

Thuyền độc mộc có từ hàng trăm năm trước, thuyền được đục từ một thân cây lớn gỗ lớn nguyên vẹn, thường là những loại cây gỗ chịu nước và có tỉ trọng nhỏ so với nước.

Ở Việt Nam thuyền độc mộc được sử dụng nhiều ở Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc để sản xuất đánh bắt thủy sản và sinh hoạt trên môi trường sông nước.

Thúy An

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ha-tinh-phat-hien-2-chiec-thuyen-doc-moc-co-duoi-long-song-20200721093344824.htm