Hà Tĩnh phấn đấu phủ kín cửa hàng nông sản sạch ở tất cả các địa phương

Sau 1 năm triển khai xây dựng chuỗi cửa hàng nông sản an toàn, Hội Nông dân các cấp ở Hà Tĩnh đã phối hợp, hỗ trợ xây dựng được 11 cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn.

Chiều 19/11, Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Đề án 20-ĐA/HNDT ngày 22/10/2019 về việc xây dựng chuỗi cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Theo báo cáo, đến thời điểm hiện tại các cấp hội đã phối hợp xây dựng được 11 cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn các huyện: Hương Khê, Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Can Lộc, Vũ Quang và TP Hà Tĩnh. Trong đó có 3 cửa hàng do Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh trực tiếp triển khai.

Đại diện Hội Nông dân tỉnh báo cáo kết quả sau 1 năm triển khai đề án.

Nhìn chung các cửa hàng đều được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đáp ứng được yêu cầu hoạt động. Các loại mặt hàng được trưng bày và bán tại các cửa hàng khá đa dạng, phong phú với trên 60 mặt hàng. Hàng hóa được bày bán có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được niêm yết giá công khai. Các cửa hàng đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho từ 2 lao động trở lên với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng.

Bà Tô Thị Hương, Chủ cơ sở sản xuất miến gạo Hương Tâm (Thạch Hà): Cơ sở sản xuất mong muốn được tham gia nhiều hơn các hội chợ xúc tiến thương mại, qua đó quảng bá cho sản phẩm và cửa hàng nông sản sạch.

Chuỗi cửa hàng nông sản sạch đang từng bước trở thành địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng; đồng thời góp phần tích cực vào việc kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Lê Quốc Hưng, Cửa hàng Hưng Huyền, thị trấn Tiên Điền, Nghi Xuân: Cần thống nhất đầu mối chung cung cấp hàng hóa cho chuỗi cửa hàng để thuận lợi cho việc luân chuyển, điều phối hàng hóa, quản lý chất lương và giá cả sản phẩm.

Tuy nhiên, việc quản lý, lưu thông, bán hàng của các cửa hàng vẫn còn chậm; trưng bày sản phẩm ở một số cửa hàng chưa khoa học; các sản phẩm trưng bày tại cửa hàng cấp huyện và doanh số bán các sản phẩm OCOP chưa cao…

Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Xuân Từ: Chuỗi cửa hàng đang từng bước trở thành địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng; đồng thời góp phần tích cực vào việc kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân trên địa bàn toàn tỉnh vì vậy cần tiếp tục duy trì, kiện toàn và từng bước nâng cao chất lượng các cửa hàng đã có; mở rộng thành lập các cửa hàng mới.

Tại hội nghị, đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, vận hành cửa hàng nông sản an toàn; quảng bá các sản phẩm; phát triển nguồn hàng nhằm thúc đẩy doanh số.

Đại biểu mong muốn đầu tư thêm cơ sở vật chất phục vụ trưng bày sản phẩm; tích cực tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại; thống nhất đầu mối chung cung cấp hàng hóa cho chuỗi cửa hàng…

Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Trần Huy Oánh: Cần thống nhất niêm yết giá công khai và đảm bảo một mức giá đối với hàng hóa giữa các cửa hàng.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bùi Nhân Sâm đề nghị các của hàng tăng cường đa dạng hóa các sản phẩm; chế biến sâu các sản phẩm; bố trí cửa hàng khoa học, ngăn nắp; đối với sản phẩm OCOP phải được trưng bày riêng tránh lẫn lộn giữa các sản phẩm…

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bùi Nhân Sâm kết luận hội nghị.

Hội Nông dân các cấp, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh tiếp tục tăng cường kết nối phối hợp với các cửa hàng, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu để tiêu thụ sản phẩm an toàn cho nông dân; tích cực tuyên truyền quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, cửa hàng nông nghiệp sạch.

“Từ nay đến hết năm 2021, Hà Tĩnh phấn đấu phủ kín cửa hàng nông sản sạch tất cả các địa phương trong tỉnh” - ông Bùi Nhân Sâm khẳng định.

Dương Chiến

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/doan-the/ha-tinh-phan-dau-phu-kin-cua-hang-nong-san-sach-o-tat-ca-cac-dia-phuong/202313.htm