Hà Tĩnh: Những vui buồn đời thợ xây

Những chiếc áo bảo hộ ướt sũng nhuốm màu vôi vữa, bên dưới những công trình, ngôi nhà đang xây dở ngổn ngang nào cát, đá, xi măng, sắt thép… những người thợ vẫn chú tâm vào công việc một cách say sưa. Bất chấp những cơ cực cùng hiểm nguy rình rập họ vẫn mải miết gắn bó cuộc đời mình với nghề để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

Không đòi hỏi nhiều về trình độ, chỉ cần chăm chỉ, chịu khó và một đôi tay khéo léo là có thể yên tâm đứng trong đội ngũ thợ xây

Cũng là một cái nghề

Trong cái nắng chói chang của mùa hè còn sót lại, chúng tôi rảo bước tìm đến một số công trình nhà dân đang xây dựng trên địa bàn Hà Tĩnh để hiểu hơn về cuộc sống, những vất vả lo toan cũng những lắng nghe những câu chuyện vui buồn của những người đã và đang làm nghề thợ xây.

Không giống như những ngành nghề khác, thợ xây là một nghề tự do được coi là vất vả và nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, nó lại không tốn nhiều thời gian để học, chỉ cần có đủ sức khỏe, siêng năng, cần cù, chịu khó học hỏi là có thể đứng vào hàng ngũ thợ xây. Nghề thợ xây được tập hợp từ nhiều đối tượng với độ tuổi khác nhau, chủ yếu chiếm đa số là những người lao động từ vùng nông thôn, tranh thủ lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập và cũng có những người đã chọn gắn bó với nghề hàng chục năm trời.

Trên một công trình đang trong giai đoạn xây dựng tại xã Thạch Hạ (huyện Lộc Hà - Hà Tĩnh), ngổn ngang với các loại vật liệu xây dựng, ồn ào với những tiếng bay gõ gạch, tiếng máy nhào trộn bê tông, tiếng máy khoan, máy cắt… tất cả tạo nên những âm thanh hỗn độn hòa vào tiến độ làm việc khẩn trương của những người thợ. Bác Giáp, một người thợ có thâm niên trong nghề tham gia thi công công trình tại đây chia sẻ: “Tôi làm theo nghề này tính đến nay đã được 40 năm, việc chênh vênh trên những giàn giáo, vác trên vai những bao xi măng nặng cả nửa tạ, dầm mưa dãi nắng đã quá quen thuộc với cánh thợ chúng tôi rồi. So với hồi tôi mới bước chân đi làm thợ, mọi thứ hầu như chủ yếu làm thủ công, bây giờ thì có máy móc hỗ trợ nhiều nên cũng đỡ vất vả hơn. Dù công việc này chủ yếu là lao động chân tay, ngoài đòi hỏi về yêu cầu sức khỏe cao thì nghề này cũng cần có đầu óc tính toán, chút khéo léo của đôi tay và sự cẩn thận tỉ mỉ… tất cả những điều đó đều được chúng tôi đúc rút từ kinh nghiệm thực tế đi làm hàng mấy năm. Nói nghề thợ xây đơn giản nhưng cũng không đơn giản chút nào đâu”.

Ở cái tuổi 65 nhưng cái nghề không mang lại sự giàu có, cao sang vẫn dùng dằng ở lại, gắn bó 40 năm cùng bác Giáp.

Trong khi đó, anh Lê Văn Hải (quê ở Thạch Hà - Lộc Hà) vừa trộn xong mẻ vữa, vừa cho vào ròng rọc để kéo lên vừa tâm sự: “Nghề này chủ yếu tôi học trong quá trình theo phụ hồ cho mấy bác thợ cả ở quê. Hễ ở đâu có việc là chúng tôi đi, làm dần rồi thành quen, chủ yếu là chúng tôi tự mày mò học hỏi từ thực tế. Làm cái nghề này, lo lắng nhất là vào những ngày mưa, nó sẽ khó khăn và vất vả hơn vì công việc bị gián đoạn, không hoàn thành đúng tiến độ. Chúng tôi được khoán theo ngày công, nếu trời mưa không đảm bảo cho việc thi công thì chúng tôi được chủ thầu cho nghỉ, coi như hôm đó phí mất một ngày mà chẳng có thu nhập”.

Đối với anh Trần Hữu An (ở Thạch Mỹ - Lộc Hà) thì lại khác, học cái nghề bằng việc những lúc nhàn rỗi theo đi phụ giúp cha, được cha hướng dẫn cho các thao tác xây cơ bản bằng kinh nghiệm mười mấy năm đi làm, anh đã có cho mình một kho kinh nghiệm của nghề thợ xây mặc dù tuổi còn rất trẻ: “Ở quê, nhu cầu xây dựng các công trình đơn giản là rất nhiều nên anh em chúng tôi cũng có nhiều việc: Làm căn bếp, xây cái tường rào, cái chuồng lợn, cái cổng… cho đến khi cuộc sống ngày một khá hơn người ta lại có nhu cầu xây nhà, từ căn nhà cấp bốn cho đến nhà gác hai, ba gác. Từ chỗ dụng cụ làm nghề khá đơn giản, đến chúng tôi cũng phải đầu tư công cụ, trang bị những loại máy móc đáp ứng nhu cầu xây dựng bây giờ như: Máy trộn bê tông, máy đầm, máy khoan, máy cắt, máy tời… nếu chăm chỉ, chịu khó làm việc thì chúng tôi cũng có thu nhập đều đều, một ngày công từ 300-320 nghìn đồng đối với thợ tay nghề cứng, từ 280-300 nghìn đồng với thợ phụ. Tuy không được học hành bài bản, nhưng bằng kinh nghiệm thực tế, chúng tôi cũng có thể đọc bản vẽ, biết phân chia tỉ lệ, ước lượng, đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu chủ nhà mong muốn”, anh chia sẻ.

Cái nghề tưởng như chỉ vô tình đến khi con người ta không tìm được nghề nào khác phù hợp hơn để kiếm tiền, để mưu sinh, thế mà nó cứ dùng dằng ở lại, là cần câu cơm, nuôi con cái học hành của biết bao gia đình ở các vùng quê nghèo.

Cuộc đời của người thợ xây cũng chông chênh như những giàn giáo bấp bênh mà họ đang đứng.

Và những chông chênh

Trời càng nắng lên, những ánh nắng chiếu rọi vào những vết nhăn của tuổi tác, của thời gian in hằn trên khuôn mặt đầy đăm chiêu, cuộc đời của người thợ xây cũng chông chênh như những giàn giáo bấp bênh mà họ đang đứng.

“Việc dẫm phải đinh, vấp ngã hay bị vật liệu rơi trúng hầu như ai cũng đã từng gặp phải nếu đã làm cái nghề này. Lúc đứng trên cao đón các vật liệu từ dưới như gạch, đá, cát và những công cụ khác đưa lên, nếu không cẩn thận, người ở trên cao cũng gặp nguy hiểm mà người ở dưới cũng thế. Và dù cho cẩn thận đến đâu, thì cũng không thể tránh khỏi những rủi ro, những tai nạn không đáng có. Ngay đến cả bản thân tôi cũng từng bị giàn giáo đổ vào người một lần, may mắn là chỉ bị gãy chân, nghỉ làm mất một thời gian, sau quay trở lại nghề để kiếm thu nhập lo cuộc sống”.

“Có thể nói, hầu hết những cánh thợ xây như chúng tôi ít khi có bảo hộ lao động, thắt dây an toàn khi ở trên giàn giáo. Chúng tôi đi làm cũng không có sự ràng buộc với chủ thầu và chủ nhà, nên khi gặp tai nạn, hầu như chúng tôi phải chịu tất cả. Thế nên chỉ còn cách nói với anh em chú ý, cẩn thận trong từng khâu thôi” bác Giáp chia sẻ.

“Chăm chỉ làm lụng, một tháng chỉ cần thuận nắng, làm được tầm 20 ngày công là đã có tiền mua bỉm, sữa cho con. Dù biết làm nghề này cực và nhọc, thường xuyên hít phải bụi của xi măng, của vôi vữa, mới hôm rồi đây chứng kiến người bạn làm cùng bị gạch rơi trúng đầu, may mắn là không nguy hiểm đến tính mạng. Dẫu biết là nguy hiểm, nhưng biết làm sao được khi trình độ chúng tôi không có, làm gì khác đây ngoài cái nghề này”, anh Hải nói.

Hà Tĩnh hàng năm vẫn mọc lên hàng trăm công trình lớn nhỏ, sẽ còn nhiều phần việc, công trình đang đợi bàn tay của những người thợ xây. Những người đã chọn cái nghề dù không mang lại sự giàu có, cao sang nhưng lại giúp họ vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống, nuôi con cái trưởng thành. Cứ thế giữa những chông chênh, họ vẫn bám và yêu lấy cái nghề của mình.

Phương Dung - Phi Long

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/ha-tinh-nhung-vui-buon-doi-tho-xay.html