Hà Tĩnh nhân rộng, lan tỏa các tấm gương điển hình đổi mới, sáng tạo

Đó là đánh giá của Trợ lý Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương, Viện trưởng viện Khoa học tổ chức, cán bộ Dương Mộng Huyền tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh.

Chiều 2/6, đoàn công tác Ban Tổ chức Trung ương do đồng chí Dương Mộng Huyền, Trợ lý trưởng ban, Viện trưởng viện Khoa học tổ chức, cán bộ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh về khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Chiều 2/6, đoàn công tác Ban Tổ chức Trung ương do đồng chí Dương Mộng Huyền, Trợ lý trưởng ban, Viện trưởng viện Khoa học tổ chức, cán bộ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh về khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Dự buổi làm việc về tỉnh Hà Tĩnh có: Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền và đại diện một số sở, ngành, địa phương liên quan.

Hà Tĩnh quan tâm xây dựng, triển khai nhiều mô hình hay, cách làm mới

Theo kế hoạch, đoàn công tác Ban Tổ chức Trung ương sẽ tham gia khảo sát ở 9 tỉnh (trong đó có Hà Tĩnh) nhằm góp phần bổ sung thực tiễn, làm cơ sở để xây dựng dự thảo Quy định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Đoàn công tác Ban Tổ chức Trung ương.

Báo cáo tại buổi làm việc, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Thế Dũng cho biết: Xác định đổi mới, sáng tạo, đột phá là động lực quan trọng trong phát triển; từ thực tiễn của địa phương, vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, Hà Tĩnh luôn quan tâm xây dựng, triển khai nhiều mô hình hay, cách làm mới, mang lại những kết quả tích cực trên các lĩnh vực, được Trung ương biểu dương và các tỉnh, thành bạn trao đổi, học tập kinh nghiệm.

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Thế Dũng báo cáo về tấm gương đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung của địa phương, đơn vị.

Cụ thể: Ý tưởng Quy hoạch và sắp xếp hệ thống trường học các cấp trên địa bàn huyện Thạch Hà đến năm 2005 và những năm tiếp theo; Đưa các cơ quan của Sở NN&PTNN về một mối; Xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu nông thôn mới (NTM); Xây dựng Đề án tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025; Sắp xếp, bố trí thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã... của Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn.

Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Đỗ Khoa Văn: Cơ chế để tiếp nhận và giải quyết ý tưởng cần phải nhanh, kịp thời.

Ý tưởng lấy phiếu đánh giá, nhận xét của Nhân dân tại nơi cư trú đối với cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý của lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Sáp nhập đơn vị hành chính các cấp, tuyển dụng sinh viên đại học chính quy vào cán bộ, công chức cấp xã, bố trí cán bộ cấp huyện về trực tiếp tham gia sinh hoạt Đảng với các chi bộ cơ sở của Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ.

Xây dựng Chính phủ điện từ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn năm 2025 của Phó Giám đốc Sở TT&TT Bùi Đắc Thế; Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng dạy học của Phạm Thị Ngọc Mai (Sở GD&ĐT); Giải pháp quản lý toàn diện sức khỏe người dân bằng hoạt động khám, lập hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 của Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu.

Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh Trần Huy Oánh: Những đổi mới, sáng tạo trong xây dựng NTM đã giúp Hà Tĩnh tạo nên nhiều đột phá, phong trào xây dựng NTM trên địa bàn được đánh giá là một điểm sáng của cả nước.

Ban hành Quy chế đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân (khi tỉnh và Trung ương chưa có chủ trương) của Bí thư Huyện ủy Thạch Hà Trần Nhật Tân; Đổi mới về thu hút các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng của Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Trần Việt Hà...

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng: Đổi mới, sáng tạo đã tạo nên nhiều cú hích trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Do vậy, việc xây dựng quy định là điều cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo quy định cần mở rộng đối tượng áp dụng; bổ sung nội dung, cơ sở để khuyến khích, đổi mới, sáng tạo; cần thường xuyên có hình thức tôn vinh, ghi nhận các cá nhân, tập thể kịp thời...

Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, đại biểu đồng tình xây dựng quy định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Đại biểu đánh giá cao vai trò của các ý tưởng, đổi mới, sáng tạo đã góp phần tạo nên những cú hích trong phát triển các lĩnh vực ở địa phương, đồng thời cho ý kiến về đối tượng áp dụng quy định, phạm vi điều chỉnh, góp ý tên gọi của quy định.

Đại biểu cho rằng, khi bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có ý tưởng nên báo cáo với cấp trên trước khi thực hiện để đảm bảo ý tưởng đạt hiệu quả; cơ chế để tiếp nhận và giải quyết ý tưởng cần phải nhanh, kịp thời; việc khuyến khích ý tưởng sáng tạo, đổi mới nên mở rộng đối tượng, không chỉ gói gọn trong cán bộ; thường xuyên có hình thức tôn vinh, ghi nhận kịp thời...

Nhân rộng các cá nhân đổi mới, sáng tạo và ý tưởng hay của Hà Tĩnh

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn khẳng định, thời gian qua, các mô hình đổi mới, sáng tạo, đột phá vì lợi ích chung được các tổ chức, cá nhân ở Hà Tĩnh xây dựng bài bản với nhiều ý tưởng hay, đưa lại hiệu quả thiết thực trong thực tiễn. Việc xây dựng quy định là cơ hội tốt để các cá nhân, tập thể tiếp tục đổi mới, sáng tạo.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn: Nhiều ý tưởng được thực hiện ở Hà Tĩnh đều được tập thể đồng tình và trở thành quy định, được nhân rộng.

Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, ý tưởng đổi mới đều xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, từ quá trình lao động sản xuất; xuất phát từ đời sống Nhân dân để phục vụ Nhân dân và xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ. Mục tiêu của đổi mới, ý tưởng vì đời sống người dân, vì sự phát triển chung; đồng thời có tư duy, tầm nhìn chiến lược để từ xây dựng ý tưởng sát thực tiễn.

Bí thư Tỉnh ủy cũng chia sẻ một số nội dung trong quá trình xây dựng, thực hiện các ý tưởng; nêu lên một số khó khăn trong quá trình thực hiện ý tưởng.

Bí thư Tỉnh ủy cũng nhìn nhận, việc sáng tạo, đổi mới trước nay đều đã thực hiện, tuy nhiên chưa có thước đo chuẩn nào cho nội dung này. Nhiều ý tưởng được thực hiện ở Hà Tĩnh đều được tập thể đồng tình và trở thành quy định, được nhân rộng.

Liên quan đến các nội dung dự thảo quy định, Bí thư Tỉnh ủy đồng ý với đối tượng, phạm vi; cơ quan bảo vệ và trình tự bảo vệ; đồng thời cho rằng, Đảng phải lãnh đạo toàn diện về nội dung ý tưởng đổi mới, sáng tạo.

Trợ lý Trưởng Ban tổ chức Trung ương, Viện trưởng viện Khoa học tổ chức, cán bộ Dương Mộng Huyền kết luận buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Trợ lý Trưởng Ban tổ chức Trung ương, Viện trưởng viện Khoa học tổ chức, cán bộ Dương Mộng Huyền cho biết, thực tế cho thấy, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá phải vượt qua rất nhiều khó khăn, rào cản; những tập thể, cá nhân có ý tưởng đổi mới, sáng tạo phải rất bản lĩnh, quyết liệt, dám chịu trách nhiệm và không ít trường hợp phả trả giá bằng chính sinh mệnh chính trị.

Đồng chí Dương Mộng Huyền khẳng định, việc xây dựng dự thảo quy định hiện tại quy định đối tượng theo diện thu hẹp để thực hiện, sau khi sơ kết, tổng kết sẽ quyết định áp dụng ở các nhóm đối tượng nào. Bên cạnh các nội dung được đưa ra, vai trò truyền thông cũng vô cùng quan trọng, truyền thông tích cực vào cuộc thì mới đạt hiệu quả.

Đồng chí Dương Mộng Huyền ghi nhận những ý kiến góp ý đầy trách nhiệm của các đại biểu đối với dự thảo Quy định; đánh giá cao các mô hình, ý tưởng của Hà Tĩnh. Đồng thời, đề nghị tỉnh tiếp tục phối hợp hiệu quả để nhân rộng, lan tỏa các tấm gương điển hình đổi mới, sáng tạo và các ý tưởng hay, thiết thực.

Thu Hà

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/xay-dung-dang/ha-tinh-nhan-rong-lan-toa-cac-tam-guong-dien-hinh-doi-moi-sang-tao/193134.htm