Hà Tĩnh: Nắng nóng gay gắt, dân thiếu nước sinh hoạt, cây trồng khô héo

Vùng 'chảo lửa' Hà Tĩnh phải trải qua gần 1 tháng nắng nóng chưa từng có, ở huyện Hương Khê, có thời điểm đạt kỷ lục 43,4 độ C. Tình trạng này kéo dài từ tháng 4 đến nay không chỉ khiến nước sản xuất mà nguồn nước sinh hoạt của người dân nơi đây cũng thiếu trầm trọng.

Hàng nghìn ha lúa, hoa màu ở vùng “chảo lửa” Hương Khê bị thiếu nước, đồng ruộng nứt nẻ.

Hàng nghìn ha lúa, hoa màu ở vùng “chảo lửa” Hương Khê bị thiếu nước, đồng ruộng nứt nẻ.

Ngày 23/6, theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, gần 1 tháng nay, Hà Tĩnh phải chịu nền nhiệt trên 35 độ C, có những ngày nắng đến 40 - 43 độ C, nhiều nơi biến thành một “chảo lửa”. Đặc biệt là vùng núi Hương Khê, Hương Sơn.

Riêng trong tháng 4/2019, đối chiếu dữ liệu lịch sử, ngành khí tượng khẳng định khu vực huyện Hương Khê xảy ra nắng nóng cao nhất trong lịch sử ở Việt Nam, với nhiệt độ lên tới 43,4 độ C.

Tại huyện biên giới Hương Sơn của Hà Tĩnh, tình trạng nắng nóng, hạn hán kéo dài cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Thời gian vừa qua, xã Sơn Diệm, huyện Hương Sơn phát triển được hàng chục mô hình vườn mẫu trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, do hạn hán kéo dài, thiếu nước tưới nên hàng loạt cây ăn quả, rau màu các loại tại các vườn mẫu kém phát triển, thậm chí chết khô, ảnh hướng đến phong trào chung toàn xã.

Ông Nguyễn Đình Minh, thôn 3 xã Sơn Diệm cho biết, mùa hè những năm trước, giếng đào của gia đình ông không bao giờ cạn nước. Tuy nhiên, năm nay dù mạch nước ngầm ở gần sông Ngàn Phố nhưng cũng gần trơ đáy. Nước bơm lên chỉ đủ dùng dè xẻn cho 2 người. Khi con cháu về chơi, thêm người, ông lại phải đi tắm nhờ nhà hàng xóm. Để có nước dùng, một số hộ dân lân cận hộ ông Minh như ông Đoàn, bà Linh… do nước giếng đào cạn kiệt nên đã đầu tư trên dưới 10 triệu đồng để khoan giếng mới, lấy nước sinh hoạt.

Nắng nóng kéo dài, thiếu nước sinh hoạt, người dân huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) phải đi xin từng can nước về dùng.

Còn tại huyện Hương Khê gần 2 tháng nay không có trận mưa nào lớn khiến cho nguồn nước sản xuất tại các hồ đập hầu hết xuống dưới mực nước chết, giếng khơi cạn trơ đáy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê cho biết: Nắng hạn gay gắt thời gian qua khiến 1.000ha đậu, ngô; 300 ha cây ăn quả có múi và 1.000 ha lúa hè thu kém phát triển, thiếu nước nghiêm trọng. Trong số 1.000 ha lúa hè thu này, có khoảng 500 không hề có giọt nước nào để tưới, trong đó có khoảng 300 ha khô nứt nẻ.

“Nếu nắng nóng kéo dài thêm một tuần nữa không chỉ những diện tích này bị cháy lá mà hàng nghìn ha cây trồng khác cũng sẽ kém phát triển, ảnh hưởng đến năng suất”, ông Vinh lo lắng.

Cũng theo ông Vinh, huyện có 157 hồ đập thì nay chỉ còn 18 hồ còn chứa nước tưới, còn lại dưới mực nước chết. Điển hình là các hồ, đập: Z20, Cây Chanh - xã Hương Thủy; Nước Đỏ - Lộc Yên; đập Phụ - Hương Xuân; đập Nhà Lào - Phú Phong; đập Maka, Òng Đọn…

Không chỉ thiếu nước tưới sản xuất, hơn 40% giếng đào của người dân các xã Hà Linh, Phương Mỹ, Hòa Hải, Hương Lâm, Hương Liên, Hương Thủy… đã cạn trơ đáy, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng hơn một tuần nay. Ông Lê Đình Thông, xóm 9, xã Hương Thủy, huyện Hương Khê vừa xách can nước đi xin ở nhà hàng xóm về vừa nói: “28 năm sống ở đây chưa bao giờ tôi thấy hạn hán khốc liệt như năm nay. Giếng nhà tôi đã trơ đáy hơn một tuần”.

Theo ông Thông, sau khi giếng đào cạn, ông thuê người về khoan giếng mới nhưng khoan đến 60m vẫn không có nước nên đánh bỏ cuộc, xách can đi xin một số hàng xóm còn nước về để nấu ăn, còn nước tắm, giặt ông phải đi chở ở các sông suối trong vùng.

Để hạn chế việc thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, cấp ủy, chính quyền huyện Hương Khê khuyến cáo người dân sử dụng nước sinh hoạt một cách tiết kiệm, tăng cường tấp gốc cho cây ăn quả, tranh thủ nguồn nước tại các ao hồ để tưới tiêu…

Hạnh Nguyên

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/moi-truong/ha-tinh-nang-nong-gay-gat-dan-thieu-nuoc-sinh-hoat-cay-trong-kho-heo-tintuc440088