Hà Tĩnh: Keo ứ đọng sau bão, dân lo lắng trắng tay

Trời càng nắng, trong lòng người dân ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) càng như lửa đốt, bởi họ đang đứng trước nguy cơ trắng tay khi nhà máy thu mua gỗ dăm tắc ứ vì quá tải.

Người dân tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đang phải đối mặt trước nguy cơ “xôi hỏng bỏng không” khi sau Bão số 10, số lượng keo gãy đổ lên đến hàng ngàn ha trong khi lượng thu mua của các nhà máy băm dăm thì quá ít ỏi.

Có mặt tại nhà máy Chế biến gỗ tiêu dùng, xuất khẩu Kỳ Anh thuộc công ty TNHH Thanh Thành Đạt, ở xã Kỳ Tân, chúng tôi ghi nhận, hiện, tại đây có hàng chục xe tải chất đầy keo nối đuôi nhau nằm la liệt phía trong khuôn viên và cả ngoài cổng để chờ nhập hàng.

Hàng trăm xe keo nằm la liệt chờ nhập hàng.

Tài xế Hải, trú tỉnh Quảng Bình cho biết: “Số lượng xe chở keo về ngày một nhiều, xe tôi đã nằm chờ ở đây 5 ngày rồi nhưng vẫn chưa nhập được hàng. Nếu có thêm các cơ sở khác thu mua thì mới giảm tải được việc tắc ứ như thế này”.

Theo tìm hiểu, sau bão, trung bình mỗi ngày có trên có 150 xe chờ nhập hàng; không chỉ ở trong tỉnh Hà Tĩnh mà các xe chở keo từ huyện: Tuyên Hóa, Minh Hóa, thuộc tỉnh Quảng Bình cũng đều đổ xô về đây, khiến nhà máy Chế biến gỗ tiêu dùng, xuất khẩu Kỳ Anh bị quá tải.

Tài xế xe chỉ còn biết mắc võng ăn, ngủ tại chỗ chờ nhập được hàng.

“Trời càng nắng thì keo càng khó bóc vỏ, đội giá nhân công lên cao, trong khi chở tới nhà máy lại phải nằm chờ đã 4 ngày nay vẫn chưa nhập được; nếu kéo dài tình trạng này thì chúng tôi không thể vớt vát được gì nữa. Số tiền đầu tư vào rừng keo này cũng đang vay ngân hàng nhưng giờ thế này thì không còn hi vọng gì”, ông Lê Văn Hưng, trú xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh lo lắng.

Theo ông Lê Văn Trọng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Anh, hiện tại, chỉ mới có công ty Thanh Thành Đạt thu mua số lượng keo gãy đỗ do bão làm nguyên liệu cho nhà máy băm dăm nên việc tiêu thụ rất khó khăn. Số lượng công ty này đã cam kết thu mua là 1.200 tấn trong khi toàn huyện Kỳ Anh có khoảng 6.500ha ở độ tuổi thu hoạch bị ảnh hưởng (tương đương với 325.000 tấn keo đã thu hoạch). Khó khăn nối tiếp khó khăn khi trời càng nắng thì keo càng khô rất khó bóc vỏ dẫn đến đội chi phí nhân công.

Hiện, mới chỉ có công ty Thanh Thành Đạt thu mua nên lượng keo đổ dồn về khiến nhà máy quá tải.

"Chúng tôi đã đề xuất và mong mỏi sẽ có chính sách hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ để giúp người dân khôi phục lại sản xuất”, ông Trọng nói.

Theo tìm hiểu, tổng số diện tích cây lâm nghiệp bị thiệt hại do bão tại địa bàn huyện Kỳ Anh là 20.185 ha/26.000ha; đáng nói, hầu hết diện tích cây keo bị gãy đổ chủ yếu được trồng từ năm 2013, đến nay đã được 4 năm, người dân đang háo hức chờ thu hoạch để trả nợ thì bị bão quật gãy. Không những diện tích rừng tràm bị thiệt hại nặng nề mà hơn 5.000 cây dó trầm cũng trở thành củi khô sau bão. Ước tính thiệt hại về cây lâm nghiệp tại huyện Kỳ Anh là gần 900 tỷ đồng.

Trước đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Công văn số 5897/UBND-KT ngày 20/9, về việc kêu gọi các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm sử dụng nguyên liệu gỗ, gỗ trồng rừng tập trung, huy động các nguồn lực để tổ chức thu mua nguyên liệu từ gỗ rừng bị gãy đổ với số lượng lớn nhất có thể, đảm bảo giá cả hợp lý và hài hòa giữa lợi ích của người dân và doanh nghiệp, nhằm giúp người dân khắc phục được phần nào hậu quả nặng nề do Bão số 10 gây ra.

Ngân Hà

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ha-tinh-keo-u-dong-sau-bao-dan-lo-lang-trang-tay-a340799.html