Hà Tĩnh hợp tác với CH Séc xây dựng nhà máy điện gió 200 triệu USD

Cụ thể, phía Hà Tĩnh đồng ý về nguyên tắc cho nhà đầu tư (Công ty TNHH Danvit Expres) khảo sát, nghiên cứu tìm hiểu đầu tư vào Hà Tĩnh dự án nhà máy điện gió (quy mô 100 cột điện gió, turbin gió, công suất mỗi turbin là 2,6MWh).

* An Giang: Hơn 18 ngàn tỉ đồng phát triển nguồn năng lượng mặt trời

Một lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh xác nhận với Báo NNVN, tại thủ đô Praha (Cộng hòa Séc), dưới sự chứng kiến của lãnh đạo 2 Chính phủ Việt Nam và Cộng hòa Séc, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư trong thời hạn 2 năm với Cty TNHH Danvit Expres (CH Séc).

Ông Lê Đình Sơn, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh và Tổng giám đốc Cty TNHH Danvit Expres trao biên bản thỏa thuận hợp tác

Biên bản thỏa thuận dựa trên tinh thần hợp tác, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Hai bên đã trao đổi, thảo luận các nội dung mà hai bên cùng quan tâm, đồng thời thống nhất nội dung hợp tác trong thời gian tới.

Tỉnh cũng gửi lời mời nhà đầu tư đến khảo sát, nghiên cứu và khi đủ các điều kiện thì xúc tiến các trình tự thủ tục đầu tư và Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cam kết sẽ chỉ đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ, giúp đỡ nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các bước nghiên cứu, thực hiện trình tự thủ tục đầu tư.

Biên bản thỏa thuận có hiệu lực kể từ ngày ký (17/4/2019) và có giá trị trong thời hạn 2 năm.

* Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng vừa phê duyệt Đề án phát triển nguồn năng lượng mặt trời (NLMT) tỉnh An Giang giai đoạn đến 2020, xét đến 2030, tổng vốn dự kiến trên 18 ngàn tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn đến năm 2020 đầu tư 5.675 tỉ đồng; sau 2020 trên 12.643 tỉ đồng.

Mục tiêu của đề án nhằm bổ sung nguồn cấp điện để đáp ứng nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang trong giai đoạn quy hoạch 2016-2025 có xét đến năm 2035. Đầu tư phát triển các dự án nguồn điện mặt trời đồng bộ với Quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh trong cùng giai đoạn nhằm đa dạng hóa các dạng nguồn năng lượng tái tạo, nâng cao khả năng cung ứng nguồn điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội tỉnh An Giang nói riêng và cả nước nói chung.

Trong điều kiện hiện nay, mục tiêu xác định đến năm 2020, dự kiến công suất lắp đặt đạt khoảng 250MWP với sản lượng điện mặt trời tương ứng là 361,4 triệu kWh. Giai đoạn sau năm 2020, dự kiến công suất lắp đặt lũy kế đạt khoảng 807MWP với sản lượng điện mặt trời tương ứng là 1.166,7 triệu kWh.

Các mô hình điện mặt trời trên mái nhà: đến năm 2020, mô hình điện mái nhà nối lưới đạt mốc 500KWp trên toàn tỉnh, phấn đấu năm 2021 phát triển mô hình điện mái nhà nối lưới đạt 2.000 KWp.

Tại tỉnh An Giang, bức xạ NLMT nằm trong khoảng từ 4,7 – 5,1 kWh/m2/ngày. Bức xạ mặt trời nhiều và ổn định trong suốt thời gian của năm, giảm khoảng 20% từ mùa khô sang mùa mưa. Số giờ nắng trung bình năm tại An Giang là 2.400 giờ. Ngoài ra, bức xạ mặt trời còn được phân bố rộng rãi trên toàn địa bàn tỉnh.

THANH NGA - HƯƠNG HUỆ

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ha-tinh-hop-tac-voi-ch-sec-xay-dung-nha-may-dien-gio-200-trieu-usd-post240363.html