Hà Tĩnh: Hơn 93 xã, 24 ngàn hộ dân bị thiệt hại do mưa lũ

Do ảnh hưởng kết hợp của rìa Tây Nam lưỡi áp cao lục địa tăng cường, rìa Bắc rãnh áp thấp nối tâm áp thấp nhiệt đới và nhiễu động đới gió Đông trên cao nên toàn tỉnh Hà Tĩnh mấy ngày qua nhiều nơi mưa to đến rất to, gây ngập lụt, thiệt hại nhiều hộ dân và hoa màu trong 9 huyện, thành phố.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh kiểm tra tình hình lũ lụt ở huyện Hương Khê

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và triển khai cứu nạn tỉnh, mưa lớn đã gây ngập lụt 93 xã trên địa bàn 09 huyện, thành phố với tổng số hộ dân là 24.158 hộ (Hương Khê 16 xã, 10.357 hộ; Vũ Quang 01 xã, 10 hộ; Kỳ Anh 03 xã, 257 hộ; Cẩm Xuyên: 20 xã, 7.287 hộ; Thạch Hà: 24 xã, 3.264 hộ; TP Hà Tĩnh: 09 phường, xã, 874 hộ; thị xã Kỳ Anh: 04 phường xã, 587 hộ; Can Lộc: 14 xã, 1.500 hộ, Hương Sơn: 01 xã, 22 hộ). Một số tuyến đường giao thông bị ách tắc như Quốc lộ 15B; Quốc lộ 15; tuyến đường tỉnh ĐT553; ĐT554.

Ngay sau khi có công điện của Ban Chỉ đạo T.W về Phòng chống thiên tai – UBQG tìm kiếm cứu nạn và trong những ngày mưa lũ diễn ra, một mặt BCĐ phòng chống thiên tai và triển khai cứu nạn của tỉnh đã kịp thời ra các công điện, thông báo cho các huyện, thị, thành phố chủ động đối phó, một mặt cử nhiều đoàn công tác xuống đôn đốc, kiểm tra tình hình phòng, chống ở cơ sở.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành đã trực tiếp xuống các địa phương để chỉ đạo, giúp các địa phương triển khai các giải pháp ứng phó với mưa lũ; Trưởng các đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác PCTT-TKCN của tỉnh đã trực tiếp xuống bám cơ sở để đôn đốc, chỉ đạo triển khai các biện pháp đối phó với mưa, lũ và diễn biến của bão.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tổ chức túc trực 24/24h, theo dõi, nắm chắc tình hình diễn biến mưa, lũ để chủ động tham mưu các phương án, kịp thời phòng, chống và ứng phó với mưa, lũ.

Nhà dân ở xã Phương Mỹ (vùng rốn lũ Hương Khê) ngập chìm trong nước

Theo báo cáo bước đầu của một số địa phương, đơn vị, mưa lũ đã gây thiệt hại lớn cho Hà Tĩnh cả về người, tài sản, hoa màu và gia súc, gia cầm.

Có 2 người chết (Anh Trần Văn Trung, sinh năm 1985 ở thôn 6, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên trong lúc sang giúp hàng xóm di dời tài sản, do sơ suất sảy chân chết đuối, hiện đã tìm thấy xác; Chị Nguyễn Thị Loan, sinh năm 1982 ở khối phố 1 phường Đại Nài, bị chết đuối do lật thuyền); 1 người mất tích (Anh Thân Văn Thuần, sinh năm 1986 thôn Chi Lễ, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc đi bắn chim sẩy chân tại kênh Linh Cảm bị nước cuốn trôi, hiện mất tích).Về dân sinh, có 93 xã, phường, 24.158 hộ bị ngập.

Diện tích lúa mùa bị ngập 723ha; hoa màu bị ngập, hư hỏng 1.416 ha; cây ăn quả bị ảnh hưởng 400ha; 300 gốc đào bị úng nước, hư hỏng; lương thực bị ẩm ướt, hư hỏng 12,1 tấn; gia cầm bị chết, cuốn trôi 99.032 con; gia súc bị chết, cuốn trôi 869 con trâu, bò, 399 con lợn; hồ nuôi trồng thủy sản bị ngập 337 ha; 16 vó trục bị trôi. Về giao thông, thủy lợi, Khối lượng đất đá bị sạt lở 3.170 m3; cầu cống bị xói lở, hư hỏng 16 cái; kênh mương thủy lợi sạt trôi 10m; vật tư thi công đường bị hư hỏng, cuốn trôi 195 tấn.

Hiện tại, Hà Tĩnh vẫn đang tiếp tục tập trung cao độ cho công tác ứng phó mưa, lũ và bão Sarika. Trưởng các đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, bám cơ sở, sẵn sàng đối phó với diễn biến của bão. Tỉnh sẽ coi trọng việc kiểm tra, chỉ đạo và vận hành an toàn hồ chứa; điều tiết xả lũ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện hợp lý, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình và hạn chế ngập lụt vùng hạ du.

Chủ động triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó với tình hình mưa lũ, đặc biệt là tình huống bão Sarika có khả năng đổ bộ vào các tỉnh miền Trung; tăng cường công tác quản lý tàu thuyền trên biển; đảm bảo an toàn kho tàng, bến cảng, nhà cửa tài sản; công trình đê điều, hồ chứa ở những vùng thấp, có khả năng bị bảo, lụt đe dọa.

Diễm Hằng

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/ha-tinh-hon-93-xa-24-ngan-ho-dan-bi-thiet-hai-do-mua-lu/