Hà Tĩnh: Hơn 35.000 lao động 'chui' ở nước ngoài

Toàn tỉnh có trên 35.000 người đang làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài, trong đó có khoảng 5.000 lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, số còn lại là diện di cư tự do và không có giấy phép lao động.

Theo Infonet, sáng 15/12, báo cáo tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII, ông Nguyễn Trí Lạc – Giám đốc sở LĐTB&XH Hà Tĩnh cho biết, hiện nay địa phương này đang có trên 67.818 người đang làm việc tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó tập trung ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Angola…; số ngoại tệ do người lao động gửi về nước là trên 4.500 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, tình trạng lao động bỏ trốn, lao động vi phạm hợp đồng, lao động hết hạn hợp đồng không về nước đang là vấn đề đáng báo động.

Ông Nguyễn Trí Lạc - Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Tĩnh. Ảnh: Lao động

Ông Nguyễn Trí Lạc - Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Tĩnh. Ảnh: Lao động

Theo ông Lạc, Hà Tĩnh hiện có trên 5.000 lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, nếu tính số lao động di cư tự do ra nước ngoài và không có giấy phép lao động của nước ngoài, thì địa phương có trên 35.000 người đang làm việc “chui”.

“Tình trạng lao động bỏ trốn, lao động vi phạm hợp đồng, hết hạn hợp đồng thực sự là vấn đề lớn của tỉnh Hà Tĩnh. Tại thị trường Hàn Quốc, số lao động vi phạm pháp luật, bỏ trốn khỏi nơi làm việc và lao động hết hạn hợp đồng không về luôn đứng đầu cả nước”, ông Nguyễn Trí Lạc lo lắng.

Theo Vietnamnet và Lao động, tại phiên chất vấn, Đại biểu Đào Thị Anh Nga nêu câu hỏi, hiện nay một số lượng lớn người lao động tại nước ngoài khi hết hợp đồng lao động đã bỏ trốn ra ngoài không về nước, việc này đã làm mất hình ảnh quê hương, con người Hà Tĩnh. Trước sự việc trên thời gian qua sở đã xử phạt được bao nhiêu trường hợp bỏ trốn ở lại nước ngoài.

Đại biểu Trần Hậu Tám đặt vấn đề, số người lao động bất hợp pháp ở nước ngoài khá lớn, trong số này không chỉ một bộ phận đi du lịch, thăm người thân, khám chữa bệnh để ở lại mà có hay không có các đường dây đưa người đi lao động chui. Sở và các ngành liên quan để điều tra, ngăn chặn các đường dây đưa người trái phép ra nước ngoài, tránh như sự việc đáng tiếc như vụ 39 người tử nạn ở Anh vừa qua.

Giám đốc sở LĐTB&XH cho biết, số người lao động khi đi theo các chương trình bỏ ra làm việc ngoài do năng suất lao động ở nước ngoài rất cao, thu nhập mỗi tháng bình quân từ 70 đến 80 triệu đồng. Hơn nữa, các nước sở tại có lao động bỏ ra ngoài cũng không kiểm soát gắt gao đối với số lao động này.

Đối với những người đi theo một số chương trình sang Hàn Quốc phải đóng cọc 100 triệu đồng để tránh bỏ trốn ra ngoài. Tuy nhiên, sau khi đến nơi bỏ ra ngoài làm việc lương rất cao, bình quân thu nhập từ 70 đến 80 triệu đồng nên số tiền đóng cọc không đủ để buộc người lao động về nước.

Vũ Đậu (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/kinh-doanh/ha-tinh-hon-35000-lao-dong-chui-o-nuoc-ngoai-a304659.html