Hà Tĩnh: Giáo viên trường làng sáng chế 'máy bắn bóng chuyền'

Công trình nghiên cứu 'Máy bắn bóng chuyền' của nhóm tác giả Phạm Tiến Hạnh, Đặng Văn Quang, giáo viên Trường Tiểu học Gia Hanh, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) là 1 trong 73 công trình được ghi danh vào 'Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2018'.

Hai tác giả cùng sáng chế ra công trình

Video: Tác giả Đặng Văn Quang giới thiệu về quy trình hoạt động của máy

Đây là chương trình do Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ KH&CN, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 30.8.

Trong những ngày cận kề với khai giảng năm học mới 2018 – 2019, chúng tôi đã có dịp về Trường tiểu học Gia Hanh, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Mặc dù đang bận với công tác chuẩn bị cho ngày khai giảng nhưng nhóm tác giả Phạm Tiến Hạnh - Đặng Văn Quang vẫn dành thời gian để tiếp và giới thiệu về công trình khoa học mà hai thầy đã dày công nghiên cứu để được ghi danh vào “Sách vàng sáng tạo Việt Nam”.

Mô hình tổng thể công trình "máy bắn bóng chuyền”.

Qua trao đổi, nhóm tác giả cho hay, ý tưởng xuất phát từ việc nhận thấy phong trào thể dục thể thao (TDTT) và đặc biệt là môn bóng chuyền, bóng đá đang được nhiều người quan tâm và nhiều đối tượng tham gia, đặc biệt là môn thể dục trong nhà trường.

Dụng cụ này sẽ giúp các cầu thủ có điều kiện tập luyện với nhiều tình huống, nhiều góc độ bóng khác nhau trên sân mà sản phẩm này hiện chưa có trên thị trường.

Thầy Phạm Tiến Hạnh cho biết: Bước vào thực hiện, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện về cơ sở vật chất của vùng sâu, vùng xa. Nhiều lần thử nghiệm mô hình đều thất bại, nhưng với quyết tâm của cả hai người, chúng tôi đã khắc phục dần những sai sót về mặt kỹ thuật để hoàn thiện sản phẩm, điều đặc biệt là tất cả các thiết bị để làm mô hình đều được tận dụng từ các thiết bị sử dụng thường ngày như môtơ quạt điện và các vật dụng khác”.

Thầy Phạm Tiến Hạnh - một trong hai tác giả sáng chế ra công trình.

Thầy Đặng Văn Quang (đồng tác giả công trình) chia sẻ về những tính năng của công trình này: “Máy bắn bóng chuyền” được sáng chế nhằm hỗ trợ việc tập luyện bóng chuyền với tính đa dạng trong phát bóng như tấn công, luyện tập bắt bước một, có thể áp dụng cho không gian hạn chế, ít người. Máy được thiết kế với các cấp độ lực phù hợp với nhu cầu tập luyện, có thể ứng dụng hiệu quả và chi phí thấp. Ngoài ra, máy còn có thể hỗ trợ trong việc huấn luyện thủ môn trong môn bóng đá mini.

Máy được tận dụng từ các thiết bị điện sinh hoạt thường ngày

“Sách vàng Sáng tạo Việt Nam” được tổ chức thường niên, bắt đầu từ năm 2016. Sự ghi nhận này sẽ là nguồn cổ vũ động viên phong trào nghiên cứu, sáng tạo các công trình nghiên cứu khoa học, kỹ thuật trong nhà trường nói riêng và toàn dân nói chung được áp dụng vào thực tiễn.

ANH ĐỨC

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/ha-tinh-giao-vien-truong-lang-sang-che-may-ban-bong-chuyen-629061.ldo