Hà Tĩnh: Giải bài toán xử lý rác thải, nước thải ở nông thôn

Sau khi thực hiện thí điểm ở 2 khu dân cư, nhận thấy mô hình tối ưu hóa xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt ở nông thôn, hàng chục xã trên địa bàn Hà Tĩnh đồng loạt thực hiện. Đây là thành quả ngoài sức mong đợi từ đề tài 'Đồng bộ hóa quản lý và kỹ thuật trong xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt trong khu dân cư'.

Cơ quan chức năng hướng dẫn người dân sử dụng chế phẩm sinh học.

Cơ quan chức năng hướng dẫn người dân sử dụng chế phẩm sinh học.

Vấn đề bức thiết

Quá trình tìm tòi, kiến tạo trong xây dựng nông thôn mới (NTM), Hà Tĩnh đã tạo ra rất nhiều miền quê đáng sống với những làng quê yên bình, trù phú, đậm đà bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, ô nhiễm chất thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn từ trước đến nay vẫn đang là vấn đề cấp thiết đặt ra cho Hà Tĩnh.

Với dân số sống tại nông thôn hơn 1 triệu người, chiếm trên 72%. Theo ước tính, mỗi ngày, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn nông thôn khoảng 700 tấn/ngày với tỷ lệ thu gom xử lý đạt 70%. Lượng nước thải khoảng 83.000 m3/ngày đêm, nhưng phần lớn chưa được xử lý đúng quy định.

Hà Tĩnh có 25 làng nghề nhưng môi trường đang ngày càng bị ô nhiễm do nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu là do hệ thống hạ tầng xử lý chất thải chưa được đầu tư đúng quy định. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ còn hạn chế. Nhận thức của người dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề bảo vệ môi trường còn thấp. Ý thức trách nhiệm trong sản xuất và sinh hoạt còn yếu. Quản lý của Nhà nước về bảo vệ môi trường ở các làng nghề chưa tốt.

Ngoài ra, hệ thống thoát nước thải của nhiều xã chưa được quan tâm đầu tư. Ý thức trách nhiệm của người dân trong việc thu gom, xử lý nước thải chưa cao, chưa có các quy chế, quy định về quản lý, thu gom, xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt nông thôn, tình trạng xả thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường tại các xã vẫn còn phổ biến.

Lâu nay, cơ quan chức năng, chính quyền và người dân Hà Tĩnh “đau đầu” với việc tìm giải pháp tháo gỡ “nút thắt” trong việc thực hiện tiêu chí số 17 trong xây dựng NTM - tiêu chí môi trường.

“Những vườn mẫu, khu dân cư mẫu đẹp như tranh vẽ nhưng hệ thống nước thải, chất thải sinh hoạt lại cản trở nỗ lực xây dựng của người dân. Những dòng nước đen ngòm chảy từ khu chăn nuôi, khu sinh hoạt của hộ dân ra kênh mương thủy lợi, gây ô nhiễm môi trường cứ ám ảnh tôi mỗi ngày, thôi thúc tôi phải tìm ra giải pháp xử lý”, ông Trần Huy Oánh, Chánh Văn phòng điều phối NTM Hà Tĩnh nói.

Sau khi tự lần mò tìm hiểu, ông Oánh nhận thấy cơ chế hoạt động của bể phốt nhà vệ sinh tự hoại phù hợp với việc xử lý nước thải ở khu dân cư. Ông Trần Huy Oánh liền bắt tay với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh thực hiện đề tài “Đồng bộ hóa quản lý và kỹ thuật trong xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt trong khu dân cư”.

Hiệu quả cao, sức lan tỏa lớn

Đầu năm 2019, sau thời gian nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, đề tài được “khai sinh” với mục tiêu tập trung nghiên cứu giải pháp thu gom, phân loại, xử lý tại nguồn với công nghệ đơn giản, dễ áp dụng, chi phí thấp, phù hợp với khu vực nông thôn. Thôn La Xá, xã Thạch Lâm (nay là Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà) và thôn Bắc Bình, xã Tượng Sơn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) được lựa chọn thực hiện thí điểm.

Sau khi được tập huấn, nhận thấy mô hình có chi phí thấp lại hiệu quả cao, ông Phan Văn Đệ (thôn La Xá, xã Tân Lâm Hương) tiên phong thực hiện mô hình xử lý nước thải 7 ngăn để xử lý cho các hội viên trong HTX trồng rau thơm và cả khu dân cư. Còn rác thải sinh hoạt được các hội viên, hộ dân phân loại tại vườn, tại nhà, sau đó thu gom hoặc xử lý qua chế phẩm vi sinh để dùng phân bón cho cây trồng.

“Từ khi thực hiện mô hình xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt này, các hội viên trong HTX sản xuất rau thơm của xã không lo về nước tưới cũng như phân bón nữa. Các hộ dân đều tận dụng được rác hữu cơ làm phân bón, nước thải sau xử lý quay trở lại tưới tiêu, nhận được lợi ích kép nên ai cũng hài lòng”, ông Đệ nói.

Hướng dẫn xây dựng bể xử lý nước thải.

Theo ông Nguyễn Cao Cường, Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Hà Tĩnh, bước đầu triển khai, người dân chưa mặn mà với mô hình này. Tuy nhiên, sau khi tuyên truyền, vận động và có chế tài nghiêm ngặt và mô hình có hiệu quả rõ rệt nên người dân mới tin dùng. “Phải mất 3 tháng dân mới vào guồng”, ông Cường nói.

Về kết quả thực hiện mô hình xử lý rác thải, một số xã đã ban hành quy chế phân loại rác với các chế tài nghiêm khắc, người dân rất ủng hộ và thực hiện nghiêm túc quy định đề ra. Từ đó, đã góp phần giảm lượng rác thải phải đưa đi xử lý tập trung, hạn chế áp lực cho nhà máy rác, giảm chi phí thu gom, vận chuyển; đồng thời, tái sử dụng rác dễ phân hủy làm phân bón tại chỗ, phục vụ cho trồng trọt.

Theo ông Nguyễn Viết Sơn, Chủ nhiệm HTX môi trường xã Tượng Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh), thực hiện mô hình xử lý rác thải này, lượng rác thải sinh hoạt giảm rõ rệt, giảm được khoảng 60%. “Trước đây, mỗi tháng, HTX phải thu gom từ 23 - 25 xe tải nhưng từ khi thực hiện mô hình chỉ còn 10-12 xe” - ông Sơn nói.

Đối với xử lý nước thải tại hộ gia đình chỉ cần xây dựng, lắp đặt các bể xử lý theo các hình thức composite, ống bê tông, xây gạch 3 ngăn với cơ chế bể vệ sinh tự hoại. Đối với xử lý nước thải xử lý cho nhóm hộ (5 - 10 hộ), xây dựng, lắp đặt các bể xử lý theo các hình thức composite và bê tông.

Về hiệu quả của hệ thống xử lý nước thải, nước thải sau khi được xử lý qua hệ thống hoàn chỉnh có 7/11 thông số đạt, 4 thông số còn lại tiệm cận với tiêu chuẩn cột B của QCVN 14:2008/BTNMT. Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt phù hợp với điều kiện phân tán của nông thôn tỉnh; chi phí lắp đặt, quản lý, vận hành thấp hơn nhiều so với xử lý tập trung; người dân dễ tiếp cận, nước thải đầu ra có thể phục vụ tưới cây.

Không thuộc đơn vị thí điểm nhưng gia đình ông Võ Tá Hùng (ở thôn Phan Chu Trinh, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên) cũng mạnh dạn đầu tư 5 triệu đồng xây dựng mô hình xử lý nước thải theo giải pháp của Văn phòng Nông thôn mới và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học - Kỹ thuật tỉnh Hà Tĩnh.

Sau hơn 1 tháng đưa vào sử dụng, nước thải đầu ra trong hơn, mùi hôi thối giảm rõ rệt. Toàn bộ nước thải này ông sử dụng tưới cho cây ăn quả trong vườn, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh tổ chức họp Hội đồng Khoa học nghiệm thu kết quả đề tài khoa học công nghệ “Đồng bộ hóa quản lý và kỹ thuật trong xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt trong khu dân cư”. Đề tài đạt kết quả xuất sắc, với tỷ lệ 100%.

Đáng nói là hiện nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 11/12 huyện, thị triển khai mô hình xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt này. Trong đó, phân loại rác đạt khoảng 60% hộ dân trên toàn tỉnh. Hiện có 45/216 xã, phường với gần 400 công trình xử lý nước thải sinh hoạt được xây dựng tại các khu dân cư.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh, ngành Tài nguyên - Môi trường phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật Hà Tĩnh tiến hành tập huấn cho 100% xã, hiện đang tập huấn đến đến cấp thôn và hộ gia đình. Chỉ trong thời gian ngắn nữa, mô hình được nhân rộng ra toàn tỉnh và bài toán về rác thải, nước thải sinh hoạt ở nông thôn của Hà Tĩnh sẽ được hóa giải.

Đánh giá về hiệu quả của đề tài, ông Trần Huy Oánh, Chánh Văn phòng NTM Hà Tĩnh cho biết: Vấn đề cốt lõi mà đề tài đạt được đó là làm thay đổi nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường. Sau khi thực hiện mô hình với hiệu quả rõ rệt, nhân dân cảm thấy có trách nhiệm với xã hội hơn. Từ đó cho thấy, NTM của Hà Tĩnh ngày càng đi vào chiều sâu, chú trọng đến chất lượng cuộc sống.

Hạnh Nguyên

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ha-tinh-giai-bai-toan-xu-ly-rac-thai-nuoc-thai-o-nong-thon-503838.html