Hà Tĩnh gấp rút phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ mầm non

Bệnh tay - chân - miệng (TCM) có khả năng lây truyền cao và chủ yếu mắc ở trẻ dưới 6 tuổi. Để ngăn ngừa sự lây lan, phát tán của bệnh, các trường học mầm non trên địa bàn Hà Tĩnh đã chủ động triển khai các hoạt động phòng chống.

Cứ 2 ngày một, giáo viên Trường Mầm non tư thục Nguyễn Du lại khử khuẩn đồ dùng, đồ chơi của học sinh

Từ khi có thông tin bệnh TCM đã xuất hiện ở Hà Tĩnh, cứ cách nhật, các giáo viên Trường Mầm non tư thục Nguyễn Du (phường Nguyễn Du, thành phố Hà Tĩnh) lại tổ chức lau chùi phòng và vệ sinh các dụng cụ học tập, vui chơi của các trẻ bằng CloraminB.

Hiệu trưởng nhà trường Hồ Thị Mỹ Lý cho biết: Ngoài việc thường xuyên khử khuẩn đồ dùng, đồ chơi của học sinh, các đồ dùng cá nhân của học sinh như khăn, cốc uống nước được luộc bằng nước sôi… Đồng thời, các cô giáo tăng cường giáo dục vệ sinh cá nhân cho các em như thực hiện rửa tay bằng xà phòng, giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ.

Nhà trường đẩy mạnh công tác kiểm tra phòng chống dịch bệnh tại các nhóm lớp; theo dõi chặt chẽ các trẻ, nếu thấy trẻ có biểu hiện sốt thì báo cho phụ huynh đưa trẻ đi khám, nếu trẻ mắc bệnh lây nhiễm thì cách ly trẻ ở nhà.

Thường xuyên lau nhà bằng CloraminB

Tại Trường Mầm non 1 phường Nam Hà - thành phố Hà Tĩnh, nhân viên y tế nhà trường Nguyễn Thị Lệ Thu cho biết: Trước tình hình dịch bệnh TCM diễn biến phức tạp và có yếu tố nguy hiểm, trường đã chủ động phối hợp với Trạm Y tế phường Nam Hà lên kế hoạch, lập sổ theo dõi hàng ngày. Thực hiện cho các cháu rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn, sau khi ăn và sau khi đi vệ sinh; rửa đồ dùng, đồ chơi bằng CloraminB (do Trạm Y tế cấp); tăng cường dạy trẻ kỹ năng giữ gìn vệ sinh cá nhân. Đặc biệt, làm tốt công tác tuyên truyền tới các bậc phụ huynh thông qua bảng tin của nhà trường tại từng lớp và đọc bài tuyên truyền trên loa phát thanh vào giờ đón, trả trẻ.

Giáo viên Trường Mầm non I hướng dẫn học sinh rửa tay bằng xà phòng khử khuẩn để phòng chống bệnh dịch, bảo vệ sức khỏe

Đến thời điểm này, tại một số trường học mầm non, rải rác có một số học sinh mắc bệnh TCM. Tuy nhiên, hầu hết các bậc phụ huynh đều phối hợp tốt với nhà trường trong việc cách ly, cho cháu khỏi bệnh mới trở lại trường học nên chưa có sự lây lan tạo thành ổ dịch trong các nhà trường.

Cô Lưu Thị Phương- Trưởng phòng Mầm non Sở GD&ĐT cho biết: “Nếu không được phòng ngừa, giám sát, phát hiện và xử trí tốt thì môi trường ở trường mầm non chính là nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm, phát tán bệnh TCM, gây những hậu quả không lường trước được. Vì vậy, ngành giáo dục đã chỉ đạo các nhà trường chủ động phối hợp với y tế địa phương triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ”.

và hòa dung dịch Cloramin B, hướng dẫn và cùng học sinh lau chùi đồ dùng, đồ chơi trong lớp học

Bệnh TCM hiện nay chưa có vắc xin đặc hiệu để phòng bệnh, vì vậy việc phòng ngừa là biện pháp để tránh việc lây truyền bệnh. Ở các trường mầm non, mẫu giáo, việc phòng bệnh TCM cho học sinh dựa vào các giáo viên, nhân viên nhà trường, người chế biến thức ăn cho trẻ, đồng thời cũng đòi hỏi cả sự phối hợp có trách nhiệm của các bậc phụ huynh.

Thục Chi – Anh Thư

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/y-te/ha-tinh-gap-rut-phong-benh-tay-chan-mieng-cho-tre-mam-non/162206.htm