Hà Tĩnh: Chuyển đổi mô hình quản lý chợ

Chuyển đổi mô hình quản lý chợ thời gian qua đã đem lại những kết quả bước đầu, góp phần củng cố và nâng cao chất lượng quản lý, điều hành hoạt động chợ tại Hà Tĩnh, từng bước đáp ứng nhu cầu thương mại văn minh, hiện đại...

Chợ Hồng Lĩnh là chợ hạng 1 do Công ty TNHH Như Nam làm chủ đầu tư, xây dựng theo hình thức xã hội hóa gắn với chuyển đổi mô hình quản lý, với tổng mức đầu tư 240 tỷ đồng. Các ki-ốt được quy hoạch rộng rãi, lắp đặt hệ thống chống cháy tự động đến tận quầy; ở các quầy kinh doanh thực phẩm, hàng ăn… đều có hệ thống nước sạch, nước thải nhằm tạo thuận lợi cho tiểu thương trong quá trình sinh hoạt. Sau khi chuyển đổi mô hình quản lý chợ, Hồng Lĩnh đã trở thành nơi mua bán sầm uất, hiện đại, văn minh…

Chợ Kỳ Anh là một trong số các chợ hoạt động hiệu quả sau chuyển đổi

Cùng với chợ Hồng Lĩnh, một số chợ trên địa bàn sau chuyển đổi cũng đã và đang hoạt động hiệu quả như: Chợ Hội, chợ Kỳ Anh; chợ Gôi, chợ Sơn Long, chợ Sơn Châu, chợ Trại… Đây là những chợ chuyển đổi mô hình quản lý gắn với xã hội hóa đầu tư xây dựng. Hình thức này đã góp phần cải tạo cơ sở hạ tầng thương mại. Kết quả bước đầu cho thấy, bà con tiểu thương đồng thuận khi được kinh doanh tại chợ mới khang trang, hiện đại với các ngành hàng được quy hoạch hợp lý, hệ thống thiết bị phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường đồng bộ, trật tự an ninh được đảm bảo…

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Tĩnh, năm 2018 đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý 8 chợ, nâng tổng số chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý lên 118 chợ, đạt 93% so với Kế hoạch ban hành tại Quyết định số 2434/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Việc thực hiện chuyển đổi mô hình sang doanh nghiệp, hợp tác xã (DN/HTX) quản lý đã mang lại hiệu quả rõ nét về mặt xã hội, tách bạch chức năng quản lý nhà nước, tăng thu ngân sách, đáp ứng yêu cầu kinh doanh của thương nhân và người tiêu dùng, đảm bảo tốt hơn các điều kiện về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy nổ… Nhờ vậy, hạ tầng chợ, đặc biệt là chợ nông thôn được cải thiện rõ rệt.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác và đầu tư xây dựng chợ vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và vai trò của công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ; chưa đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho DN/HTX trong quản lý và phát triển chợ…

Thời gian tới, để công tác xã hội hóa đầu tư và chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn phát huy hiệu quả, Sở Công Thương tiếp tục chủ động làm việc với UBND cấp huyện rà soát, đánh giá hiệu quả, chất lượng công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ tại các địa phương. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý chợ và các quy định có liên quan cho cán bộ quản lý chợ kết hợp tham quan thực tế tại các chợ đã chuyển đổi thành công trên địa bàn…

Thường xuyên theo dõi tiến độ đầu tư xây dựng các chợ; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư, đảm bảo hoàn thành và đưa chợ vào hoạt động đúng thời gian quy định. Đồng hành cùng DN/HTX trong công tác phát triển và quản lý chợ sau khi đã chuyển đổi mô hình quản lý. Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý chợ và xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và các hộ kinh doanh tại chợ…

Thanh Hà

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-tinh-chuyen-doi-mo-hinh-quan-ly-cho-119135.html