Hà Tĩnh: Chỉ đạo kiểm tra vụ dân tố lò mổ phát dịch lở mồm long móng

Chi cục VSATTP Hà Tĩnh đang cử cán bộ đến lò giết mổ tập trung huyện Hương Khê để kiểm tra, làm rõ vụ việc người dân phản ánh lò mổ này mất vệ sinh dẫn đến tái phát dịch lở mồm long móng.

Sáng 17/3, trao đổi với PV, Ông Phan Văn Hùng, Chi cục trưởng chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Tĩnh cho biết, đã nắm được sự việc xảy ra tại lò giết mổ gia súc tập trung huyện Hương Khê và đang cử cán bộ đến để kiểm tra, làm rõ.

Trước đó, vào sáng 16/3, một số tiểu thương buôn bán thịt lợn và hàng chục người dân ở các xã Gia Phố, Hương Thủy thuộc huyện Hương Khê tập trung rất đông trước cơ sở giết mổ gia súc của huyện này (đóng tại xóm Phố Cương, xã Gia Phố), do ông Lê Đình Nam làm chủ. Theo người dân, họ nghi ngờ cơ sở này có ổ dịch lở mồm long móng, khiến 2 con lợn đưa đến đây chờ giết mổ có dấu hiệu bị mắc bệnh.

Rất đông người dân tập trung tại lò mổ.

Rất đông người dân tập trung tại lò mổ.

Ông Lưu Tuấn Anh (trú xã Hương Thủy) cho biết, cách đây 2 ngày, ông đưa vào lò mổ 5 con lợn, sau khi được đóng dấu kiểm dịch, ông giết mổ 4 con mang ra thị trường tiêu thụ, 1 con còn lại hôm nay mang ra làm thì thấy có dấu hiệu bị bệnh, không đi được mà phải bò bằng 4 khuỷu chân, nhiều chỗ trên cơ thể bị xây xát, có dấu hiệu mắc bệnh lở mồm long móng.

“Lúc tôi đưa vào, lợn vẫn bình thường, không có dấu hiệu mắc bệnh và đã được cán bộ thú y đóng dấu kiểm dịch cho giết mổ”, ông Anh nói.

“Sáng nay, em trai tôi phát hiện 1 con lợn của gia đình đưa đến đây chờ giết mổ không thể đi lại được, có dấu hiệu bị mắc bệnh lở mồm long móng. Tiếp đó, một số tiểu thương khác đến kiểm tra thì phát hiện thêm 1 con lợn ở trong lò mổ cũng có dấu hiệu tương tự. Chính vì cơ sở này không đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, nên chúng tôi nghi ngờ tại đây có ổ dịch lở mồm long móng”, ông Lê Văn Minh (trú tại xóm 1, xã Hương Thủy) bức xúc.

Theo ông Minh, trong quá trình hoạt động, cơ sở giết mổ gia súc tập trung của huyện không đảm bảo vệ sinh môi trường, hệ thống xử lý chất thải tại cơ sở giết mổ được làm sơ sài, nước thải xả trực tiếp ra ruộng lúa của người dân cạnh đó. Đáng nói, khi lợn tập kết về cơ sở giết mổ này chỉ cần đến báo số lượng với cán bộ thú y và chủ cơ sở giết mổ mà không có bất cứ thủ tục kiểm tra, kiểm dịch đúng quy trình.

“Mấy ngày trước có người trong lò mổ mang máy bơm nước đặt ống xuống bể biogas của lò mổ hút nước đổ trực tiếp ra cánh đồng lúa của người dân, nhiều gia đình sống cạnh khu giết mổ thì gia súc đều có biểu hiện mắc dịch lở mồm long móng”, ông Võ Tá Hà (xã Hương Thủy) phản ánh.

Người dân cho hay, trước đó, vào khoảng tháng 9/2017, lò mổ này cũng từng xuất hiện dịch bệnh lở mồm long móng, nhưng cán bộ thú y và chủ lò mổ giấu dịch, chỉ khi người dân phát hiện mới mang đi tiêu hủy, chôn lấp ngay phía sau khu giết mổ.

Người dân nghi ngờ do cơ sở không đảm bảo vệ sinh đã gây nhiễm bệnh cho lợn đưa đến đây giết mổ.

Theo ghi nhận của PV, thời điểm có mặt tại lò mổ, trong khu vực chuồng nhốt có khoảng hơn 20 con gia súc (lợn, bò…), trong đó có 2 con lợn không đứng được, phải bò bằng 4 khuỷu chân hoặc nằm bệt, nhiều con có vết xây xát trên thân; nước dùng cho giết mổ có màu đục, dụng cụ giết mổ đặt ngay dưới nền bê tông. Phía sau khu xử lý chất thải nằm lộ thiên, ruồi nhặng đen kín, bốc mùi hôi thối.

Ông Lê Đình Nam, chủ lò giết mổ tập trung xã Gia Phố cho hay: “Thực tế lợn nhập vào vẫn bình thường, không có dấu hiệu mắc bệnh. Hiện tại, lò mổ có 23 con gia súc nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy dấu hiệu gì khác lạ hay dịch bệnh, chỉ có 2 con lợn mẹ trong chuồng không đi được là do vận chuyển”.

Theo người dân, cơ sở giết mổ không đảm bảo vệ sinh là nguyên nhân phát dịch.

Ông Nguyễn Minh Long, Trưởng trạm Thú y huyện Hương Khê, cho biết, thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có 2 con lợn tại lò có biểu hiện đi lại không bình thường, các đế chân bị thâm. Hiện, đơn vị đã lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm để xác định nguyên nhân và tách 2 con lợn trên ra một chuồng khác để cách ly.

"Theo quy định, trước khi đưa lợn vào lò giết mổ phải có giấy tiêm phòng đầy đủ mới được đưa vào lò. Nhưng thời điểm hiện tại thì tỷ lệ tiêm phòng rất thấp. Để cho công suất lò hoạt động theo quy hoạch của tỉnh thì anh em có thể nới lỏng một chút; hiện, chỉ theo cảm quan, kiểm tra bằng mắt thường trước khi cho lợn vào lò", ông Long nói.

Trước đó, vào khoảng 4h ngày 9/2, ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cùng đoàn liên ngành của UBND huyện đi chỉ đạo công tác giết mổ tại chợ Sơn, thị trấn Hương Khê.

Tại đây, giữa những người dân và đoàn liên ngành có xảy ra xích mích. Trong lúc bức xúc, có người lấy tiết lợn hắt trúng người chủ tịch UBND huyện và cán bộ Công an huyện.

Vào cuộc điều tra, Công an huyện Hương Khê đã xác định, bà Nguyễn Thị Loan, làm nghề bán thịt lợn tại thị trấn Hương Khê là người trực tiếp gây ra vụ việc này và nữ tiểu thương này đã bị CQĐT ra quyết định khởi tố về tội Làm nhục người khác, theo điều 155 Bộ luật Hình sự 2015.

Ngân Hà

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/ha-tinh-chi-dao-kiem-tra-vu-dan-to-lo-mo-phat-dich-a362655.html