Hà Tĩnh cần có các giải pháp đảm bảo sự bền vững trong thu ngân sách

Sáng 13/9, UBND tỉnh có cuộc làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội về việc đánh giá tình hình thực hiện ngân sách năm 2019, xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 của Hà Tĩnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Đinh Văn Nhã và Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì buổi làm việc.

Thu ngân sách 7 tháng đầu năm 2019 của Hà Tĩnh đạt 8.282 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 3.970 tỷ đồng, thu từ xuất nhập khẩu đạt 4.312 tỷ đồng.

Năm 2019, ước tổng thu ngân sách trên địa bàn Hà Tĩnh đạt 13.400 tỷ đồng, vượt 5% dự toán Trung ương giao và 1% dự toán HĐND tỉnh giao.

Các thành viên đoàn giám sát tại cuộc làm việc.

Chi ngân sách địa phương năm 2019 đảm bảo đủ nguồn vốn cho chi đầu tư phát triển, chi các hoạt động hành chính, sự nghiệp cấp tỉnh; xử lý kịp thời các nhiệm vụ phát sinh để khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất và các mục tiêu phát triển của tỉnh… Theo đó, chi ngân sách 7 tháng đầu năm thực hiện đạt 8.802 tỷ đồng.

Lãnh đạo các sở, ngành liên quan tham dự buổi làm việc.

Để giúp địa phương tháo gỡ các khó khăn trong cân đối ngân sách, có điều kiện thực hiện các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách, tại cuộc làm việc, Hà Tĩnh đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội quan tâm trong quá trình thẩm tra dự toán đối với kinh phí hỗ trợ ngoài ổn định trợ cấp cân đối trong dự toán 2020. Từ đó, địa phương có điều kiện thực hiện một số nhiệm vụ như sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và giúp các xã bị ảnh hưởng của dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê khắc phục khó khăn.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Văn Trọng báo cáo về tình hình tài chính ngân sách Hà Tĩnh

Đồng thời, trong quá trình thẩm tra định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước 2021 cần tăng định mức chi quản lý hành chính; nâng định mức chi khác cho sự nghiệp giáo dục ngoài quỹ lương; tăng mức chi thường xuyên khác cho địa phương.

Các thành viên đoàn giám sát ghi nhận công tác thu ngân sách, tốc độ tăng trưởng của tỉnh trong điều kiện nhiều khó khăn như thời gian qua. Đoàn cũng nêu lên một số vấn đề như: Mặc dù thu ngân sách dự kiến đạt kế hoạch, nhưng 2 nguồn thu từ doanh nghiệp Nhà nước và thu ngoài quốc doanh vẫn đạt thấp nên cơ cấu nguồn thu chưa ổn định; doanh nghiệp giải thể ít nhưng số doanh nghiệp có phát sinh thuế thấp hơn bình quân chung cả nước cũng đặt ra vấn đề về phát triển; còn nợ đọng xây dựng cơ bản…

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề nghị Sở Tài chính tiếp thu và hoàn thiện báo cáo trình đoàn giám sát.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Đinh Văn Nhã đánh giá cao việc thực hiện những mục tiêu phát triển KT- XH của Hà Tĩnh trong thời gian qua.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Đinh Văn Nhã ghi nhận và đánh giá cao việc thực hiện những mục tiêu phát triển KT- XH của Hà Tĩnh trong thời gian qua. Đặc biệt, tỉnh đang phát triển đúng hướng, tìm ra động lực tăng trưởng rõ ràng, hợp lý...

Tuy nhiên, từ thực tiễn phát triển của doanh nghiệp, hợp tác xã cho thấy tính bền vững của nguồn thu trên địa bàn còn khó khăn; khả năng tăng tỷ lệ cân đối ngân sách chưa ổn định; việc bố trí nguồn lực hàng năm có một số tính toán chưa hợp lý dẫn đến một số dự án triển khai dở dang, nợ thanh toán xây dựng cơ bản; nợ đọng thuế có xu hướng tăng... Do vậy, Hà Tĩnh cần quyết liệt thực hiện các giải pháp để công tác thu ngân sách đảm bảo kế hoạch.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cũng đề nghị tỉnh chú trọng hơn công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; không để tồn các dự án chưa quyết toán; đẩy nhanh tiến độ giải ngân chi; quyết liệt hơn trong công tác tự chủ tài chính của các đơn vị...

Về lập dự toán thu ngân sách năm 2020, Hà Tĩnh cần đánh giá sát hơn nhiệm vụ thu để có tỷ lệ tăng thu phù hợp so với năm 2019 ...

Thành Chung

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/chinh-tri/ha-tinh-can-co-cac-giai-phap-dam-bao-su-ben-vung-trong-thu-ngan-sach/179042.htm