Hà Tĩnh cấm biển, hối hả ứng phó bão số 4

ng phó với cơn bão số 4, tỉnh Hà Tĩnh đã cấm biển, chủ động sơ tán người dân tại các vùng xung yếu, trên các phương tiện tàu, thuyền, nơi neo đậu, trên các lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy hải sản… đến nơi an toàn.

Sáng 25-7, tin từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Hà Tĩnh cho hay chiều tối nay bão số 4 dự kiến sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị. Sau khi bão đổ bộ, tại Hà Tĩnh sẽ có các đợt mưa trên diện rộng, phổ biến từ 100-200 mm, có nơi trên 250 mm.

Người dân hối hả chặt, tỉa cành cây

Đến thời điểm hiện tại, các hồ chứa lớn ở Hà Tĩnh có mực nước cao so với cùng kỳ trong hơn 10 năm trở lại đây. Cụ thể, hồ Kẻ Gỗ mực nước 29,5/32,5 m, dung tích 262/345 triệu m3 đạt 76% dung tích thiết kế; hồ Sông Rác mực nước 21/23,2 m, dung tích 90/124 triệu m3 đạt 72% dung tích thiết kế.

Trên địa bàn tỉnh hiện có một số hồ chứa nước đang thi công, nâng cấp gồm: hồ Bộc Nguyên (huyện Cẩm Xuyên); hồ Đập Dài, hồ Đập Họ, hồ Khe Con, hồ Họ Võ (huyện Hương Khê); hồ Đập Trợi (huyện Thạch Hà); hồ Khe Lau (huyện Cẩm Xuyên); hồ Khe Hao dưới (huyện Lộc Hà).

Về nông nghiệp, toàn tỉnh đã gieo cấy được 44.399/44.177ha lúa hè thu hiện đang trong thời kỳ làm đòng; 11.260ha/15.788ha diện tích hoa màu và cây trồng cạn.

Báo cáo từ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, tổng số phương tiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh là 6.102/17.676 lao động. Tính đến 22 giờ ngày 24-7 còn lại 7 phương tiện/30 lao động ở vùng biển Hà Tĩnh đang trên đường vào bờ, số còn lại đã vào nơi tránh trú.

Đập Đá Bạc (thị xã Kỳ Anh) đã tích nhiều nước trước mùa mưa lũ

Hiện có 17 phương tiện/105 lao động của các tỉnh bạn đang trú ẩn tại các khu tránh trú bão của tỉnh.

Hà Tĩnh ban hành lệnh cấm biển từ 18 giờ ngày 24-7, nghiêm cấm tất cả các loại tàu, thuyền kể cả tàu vận tải và tàu du lịch ra khơi và đặc biệt là việc quản lý neo đậu các tàu, thuyền tại các khu neo đậu và bến cảng, không để xảy ra tình trạng sóng đánh va đập chìm tàu.

Các địa phương chủ động có kế hoạch sơ tán người dân trên các phương tiện tàu, thuyền nơi neo đậu, trên các lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy hải sản; chỉ đạo việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây…

Chủ tịch các huyện thị, các công ty thủy lợi vận hành các hệ thống tiêu thoát lũ để chủ động tiêu úng kịp thời khi có mưa lớn. Các huyện miền núi tổ chức kiểm tra, rà soát ngay các vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, chủ động triển khai các phương án ứng phó; cử người canh gác không để người dân đi lại ở các vùng nguy hiểm.

Một số hình ảnh:

Người dân hối hả gỡ mái tôn để tránh thiệt hại ở phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh

Người phụ nữ cùng con trai gia cố lại nhà cửa để đón bão

Hối hả thu dọn đồ

Làng bè nổi ở Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh

Tin-ảnh: Bảo Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ha-tinh-cam-bien-hoi-ha-ung-pho-bao-so-4-20170725105302454.htm