Hà Tĩnh: Bỏ công chức về trồng nấm sạch, vợ chồng 8X thu nhập hàng tỷ đồng

Mặc dù đang là cán bộ nhà nước, vợ chồng anh Cường (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã mạnh dạn ra ngoài đầu tư phát triển kinh tế. Đến nay trang trại nấm của vợ chồng 8X đã cho thu nhập vài tỷ đồng/năm.

Tìm kế lập nghiệp

Từng làm việc tại Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật huyện Thạch Hà, vợ chồng anh Lê Đăng Cường (SN 1984) và chị Nguyễn Thị Đạt (SN 1985) không bằng lòng với cuộc sống của mình, mạnh dạn cùng nhau ra ngoài đầu tư phát triển kinh tế. Với chuyên môn của mình anh chị chọn con đường trồng nấm để lập nghiệp.

Ban đầu khi có kế hoạch rẽ ngang làm kinh tế, vợ chồng anh Cường phải chịu rất nhiều áp lực. Một phần vì sự phản đối của hai bên gia đình, nhưng vấn đề chính là thiếu vốn. Với 70 triệu đồng tiền tích lũy cùng 300 triệu tiền vay ngân hàng, vợ chồng anh Cường quyết tâm khẳng định năng lực chuyên môn ở môi trường mới.

Nguyên liệu sau khi xử lý, được đóng bịch và cho vào lò hấp

Nguyên liệu sau khi xử lý, được đóng bịch và cho vào lò hấp

Năm 2014, anh Cường thuê 3.000m2 đất ở thôn Quyết Tiến, xã Thạch Xuân (huyện Thạch Hà) để bắt đầu công việc trồng nấm. Do số vốn ít ỏi, ban đầu chỉ sản xuất trong phạm vi hẹp, lấy ngắn nuôi dài, gom được ít tiền, anh chị lại mở rộng thêm trang trại. Đến nay tổng số vốn đầu tư vào trang trại trồng nấm đã lên đến 3 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho 8 lao động thường xuyên và 15 lao động thời vụ.

Được đào tạo chuyên môn sản xuất nấm từ Viện Di truyền Nông nghiệp ở Hà Nội, chị Nguyễn Thị Đạt dường như nắm lọt lòng những quy trình, công đoạn sản xuất. Chia sẻ về quy trình nhân giống, chị Đạt cho biết: “Để làm được nấm thì phải có tế bào nấm (tế bào gốc). Đây là một dạng dịch thể (thể lỏng), được mua từ Thái Lan hoặc Hàn Quốc vì giống này có chất lượng cao, với giá giao động từ 15 đến 20 triệu đồng/100ml. Sau khi đem về, quá trình nhân giống phải trải qua 3 giai đoạn: cấp 1, cấp 2 và cấp 3 với khoảng thời gian từ 45 đến 50 ngày.

Cũng theo chị Đạt, từ tế bào nấm (tế bào gốc) trước hết phải đem vào nuôi cấy trong ống nghiệm, hay còn gọi là môi trường thạch (cấp 1). Giai đoạn này được bảo quản trong một căn phòng khép kín, môi trường tiệt trùng hoàn toàn, với thời gian 10 ngày.

Cứ 20 ngày thì xuất 1 lần nên hiện trang trại có 30 nghìn bịch đã được cấy phôi nấm

Giai đoạn cấp 2 là môi trường lúa. Đây là môi trường sử dụng lúa Xuân Mai hoặc Khang dân, loại này không có chất nhựa. Hạt lúa để nguyên luộc chín, đóng chai thủy tinh, rồi đưa vào lò hấp áp suất 1,5A trong vòng 150 phút, rồi để nguội, sau đó đưa thạch cấy vào.

Sau 25 ngày ở môi trường lúa thì chuyển sang cấp 3 đó là môi trường thông thường (gồm que sắn, lúa, trấu, vỏ lạc...). Khoảng 15 ngày sau, khi nấm giống phát triển khỏe mạnh thì đưa ra trồng.

Nguyên liệu và cách trồng

Nguyên liệu để trồng nấm chủ yếu là bông phế liệu (được mua từ nhà máy dệt Nam Định), mùn cưa từ cây cao su (nhập từ Quảng Trị, Quảng Bình nhưng chủ yếu từ miền Nam), trấu lúa, cám ngô, cám gạo, kết hợp với can xi cacbonat (vôi tinh khiết).

Tùy theo từng loại nấm mà có tỷ lệ nguyên liệu khác nhau. Nếu là nấm sò thì tỷ lệ 70 - 30 (bông 70% - mùn cưa 30% - PV) hoặc là 50 - 50 tùy theo khách đặt. Còn đối với nấm linh chi thì 100% mùn cưa cùng với phụ gia là cám ngô, cám gạo, can xi cacbonat.

Mùn cưa sau khi được sàng lọc kỹ (loại bỏ que lẻ, mẫu gỗ, tạp chất - PV) được trộn đều với bông phế liệu theo tỷ lệ nhất định, rồi ủ với nước vôi khoảng 3 ngày thì đóng vào bịch nilon (còn gọi là giá thể). Mỗi ngày tại đây đóng khoảng 6000 bịch, bình quân mỗi bịch có trọng lượng từ 1,8 đến 2kg.

Giá thể sau đó được đưa vào lò hấp tiệt trùng với nhiệt độ 100oC trong vòng 12 tiếng đồng hồ để diệt bỏ côn trùng, vi khuẩn gây hại. Mỗi lò hấp được khoảng 3000 giá thể đối với nấm sò, từ 4500 đến 5000 giá thể đối với mộc nhĩ. Sau khi để nguội từ 12 đến 24 giờ thì cấy 2 phôi nấm (cấp 3) vào một giá thể.

Khi sợi nấm ăn trắng toàn bộ giá thể thì nấm bắt đầu mọc ra, lúc này có thể treo lên hoặc bán cho người dân đem về chăm sóc

Từ khi cấy phôi vào giá thể đến khoảng 20 ngày sau là giai đoạn nuôi sợi. Thời kỳ này chỉ để nguyên, không tác động gì đến. Vào mùa hè, thời tiết nóng thì để thưa ra cho thoáng mát, còn mùa đông thì sắp sát lại với nhau, thậm chí chồng lên nhau cho ấm.

Khi sợi nấm ăn trắng toàn bộ giá thể thì nấm bắt đầu xuất hiện. Lúc này phôi bịch có thể xuất bán cho người dân đưa về chăm sóc trở thành nấm thương phẩm với giá 6000 đồng/bịch. Dù người dân mua về hay để lại trang trại thì cũng phải treo lên, đồng thời rạch 9 lỗ xung quanh giá thể để nấm mọc ra.

Tùy theo thời tiết, độ ẩm, môi trường, nấm có thể mọc ra đồng loạt từ 9 lỗ thủng giống như một bó hoa lớn. Giai đoạn này chỉ chăm sóc bằng môi trường nước sạch và kéo dài đến 90 ngày thì kết thúc chu kỳ sinh trưởng của nấm. Thông thường giá thể làm từ bông với mùn cưa, mỗi bịch cho thu hoạch từ 1kg đến 1,2kg nấm, giá nhập 30 đến 35 ngàn/kg.

Chị Đạt khẳng định: “Đối với sản xuất nông nghiệp có thể xảy ra rủi ro, nhưng đối với người dân mua phôi nấm tại đây đưa về chăm sóc thì dường như là an toàn tuyệt đối, bởi vì chúng tôi đã chịu trách nhiệm trên này rồi”.

“Nếu quá trình hấp không đạt yêu cầu thì sẽ hư hỏng nguyên cả một lò nấm. Khi giao bán cho dân thì hầu như sợi nấm đã trắng hoàn toàn, nghĩa là đảm bảo trăm phần trăm. Người dân chỉ còn tưới nước và thu hoạch nữa thôi nên không còn rủi ro nữa”, vị cán bộ kỹ thuật nói thêm.

Cũng theo chị Đạt, công ty luôn chọn loại giống cho năng suất để bà con nông dân đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, nên chủ yếu là nấm sò Thái, chứ không sử dụng giống sò đã thuần chủng.

Phân phối và chuyển giao

Do điều kiện về đầu tư nên trang trại của vợ chồng anh Cường chỉ sản xuất nấm từ tháng 7 cho đến tháng 3 năm sau. Mùa hè nắng nóng nên chủ yếu thu hoạch, đóng gói sản phẩm, chuẩn bị nguyên liệu, dọn dẹp nhà xưởng để bắt đầu vụ mới.

Anh Lê Đăng Cường kiểm tra giàn mộc nhĩ đang gần kỳ thu hoạch

“Hiện tại chủ yếu sản xuất giống và bịch phôi. Vào đầu mùa nên đang tập trung khoảng 2 tháng để sản xuất bịch phôi cho dân. Ưu tiên cho dân trước, khi nào dân đủ thì mới sản xuất của nhà”, anh Cường cho biết.

“Người dân đầu tư kinh doanh vào cây nấm rất có lợi. Chẳng hạn họ bỏ 6 triệu đồng để mua 1000 bịch phôi, thì chỉ sau 10 ngày là có thu hoạch, và sau 1 tháng là thu hồi được vốn. Theo dân báo về, sau 3 tháng, 1000 bịch phôi cho lãi khoảng 12 triệu đồng”, anh Cường nói.

“Mỗi năm bình quân trang trại cung cấp cho người dân khoảng 220.000 bịch phôi nấm. Ngoài bán nấm giống và bịch phôi, mỗi năm chúng tôi còn sản xuất nấm thương phẩm với gần 20 tấn nấm khô các loại, doanh thu khoảng 2 tỷ đồng”, anh Cường thông tin thêm.

Cũng theo anh Cường, hiện tại công ty chủ yếu cung cấp bịch phôi và giống cho người dân tại Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình. Có 3 hộ dân ở xã Kỳ Giang (huyện Kỳ Anh) mỗi năm đã tiêu thụ khoảng 50.000 bịch. Riêng tại huyện Lý Hòa (Quảng Bình) công ty vừa cung cấp giống, vật tư và chuyển giao công nghệ.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Huy Hà, Chủ tịch UBND xã Thạch Xuân (Thạch Hà) cho biết, mô hình trồng nấm ăn, nấm dược liệu của doanh nghiệp Phú Cường Đạt rất hiệu quả, hiện đang xây dựng sản phẩm Ocop. Giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động. Ngoài ra còn nhân rộng được mô hình tổ hợp tác, họ lấy nấm giống ở đây về nuôi thành thương phẩm rồi bán ra thị trường.

Trần Hoàn

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong-khcn/ha-tinh-bo-cong-chuc-ve-trong-nam-sach-vo-chong-8x-thu-nhap-hang-ty-dong-262154.html