Hà Tĩnh: Bé trai 4 tuổi bị chó nhà cắn rách da đầu

Một bé trai 4 tuổi ở Hà Tĩnh nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, máu chảy nhiều, đầu, mắt và mặt có nhiều vết thương do chó cắn.

Bệnh nhi 4 tuổi bị đa vết thương do chó cắn.

Bệnh nhi 4 tuổi bị đa vết thương do chó cắn.

Ngày 18/4, bác sĩ Lê Ngọc Thắng – Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh cho biết, khoảng 19h ngày 17/4, Bệnh viện có tiếp nhận một bệnh nhi 4 tuổi ở Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng đa vết thương vùng mặt, mắt phải, vết thương lóc da đầu.

“Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, máu chảy nhiều. Đặc biệt, ở vùng đầu có một vết thương lóc da đầu dài khoảng 15 cm, mặt có nhiều vết xước, mắt phải bị tổn thương vùng mí”, bác sĩ Lê Ngọc Thắng cho biết.

Bệnh nhi được các bác sĩ cấp cứu, điều trị ở Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh khoảng 1 tiếng đồng hồ sau đó được người thân đưa đưa về chứ không điều trị nội trú. Được biết, bệnh nhi 4 tuổi này bị chính chó nhà cắn (chó béc giê) vào chiều tối cùng ngày.

Trước đó, cách đây chưa đầy 1 tuần, tại thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn, Hà Tĩnh) cũng xảy ra trường hợp 5 người bị “chó điên” tấn công, trong đó có một bé gái 5 tuổi bị nặng nhất với vết thương ở vùng miệng phải khâu 13 mũi.

Thời gian gần đây xuất hiện nhiều trường hợp tai nạn thương tâm do bị chó cắn.

Đặc biệt, khi mùa hè đến gần thì nguy cơ bệnh dại lại càng tăng nhanh.

Bác sĩ Lê Ngọc Thắng khuyến cáo, người dân nên hạn chế nuôi nhốt động vật có nguy cơ mắc bệnh dại. Nếu nuôi phải tuân thủ quy định nhốt, thắt dây an toàn, đeo rọ mõm để đảm bảo an toàn. Người dân nên hạn chế tiếp xúc với động vật nuôi nhốt, nhất là trẻ em.

“Vì động vật nuôi nhốt mắc bệnh dại, chỉ cần động vật đó liếm vào vết thương hở của người cũng có nguy cơ lây bệnh” – bác sĩ Thắng nhấn mạnh.

Theo bác sĩ, khi bị chó, mèo cắn cần sơ cứu đúng cách và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế đủ điều kiện để cấp cứu kịp thời. Không vì tức giận mà đánh hoặc giết chết chó, mèo mà phải cho nó ăn uống và theo dõi sát tình trạng sức khỏe. Trong vòng 10 – 15 ngày, nếu con vật cắn người có các dấu hiệu như bỏ ăn, ốm, mất tích hay chết thì phải lập tức đưa bệnh nhân đi tiêm phòng dại.

Đối với những trường hợp vết thương phức tạp, gần thần kinh trung ương thì cần phải sớm tiêm phòng dại và theo dõi con chó trong suốt 10 – 15 ngày. Nếu con chó đó bình thường thì mới ngừng tiêm.

Hạnh Nguyên

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/gia-dinh/ha-tinh-be-trai-4-tuoi-bi-cho-nha-can-rach-da-dau-tintuc434885