Hà Tiên - thành phố trẻ vùng biên giới Tây Nam

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, Hà Tiên chịu nhiều mất mát, đau thương dưới bàn tay thảm sát đẫm máu của tập đoàn phản động Khmer Đỏ.

Tinh thần quyết chiến đấu để bảo vệ biên cương, lãnh thổ Tổ quốc của quân và dân Hà Tiên đã góp phần đập tan ý đồ xâm lược của Pol Pot, bảo vệ vững chắc miền biên giới phía Tây Nam. 40 năm trôi qua, từ một huyện còn nhiều khó khăn, Hà Tiên đã phấn đấu vươn lên thành thị xã và nay là thành phố của tỉnh Kiên Giang.

Hà Tiên là một trong những nơi phải oằn mình gánh chịu thương đau dưới sự tàn bạo của quân Pol Pot. Ngày 8-6-1977, lực lượng Khmer Đỏ mở cuộc tấn công đầu tiên vào thị trấn Hà Tiên và một tuần sau đó, chúng mở cuộc tấn công lớn trên toàn tuyến biên giới dài 52km. Đêm 13 rạng 14-3-1978, địch pháo kích dữ dội vào thị trấn Hà Tiên, đồng thời đưa quân bằng đường biển vào Xóm Eo, Mũi Nai đánh Giếng Tượng. Trên bộ, chúng tiến vào núi Đá Dựng, thảm sát 130 người dân vô tội quanh chân núi Thạch Động.

Một góc TP Hà Tiên hôm nay. Ảnh: TRƯỜNG VŨ

40 năm qua, từ một vùng đất chịu nhiều đau thương, Hà Tiên hôm nay đã vươn mình phát triển lên tầm cao mới. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là sau 20 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, huyện Hà Tiên được nâng cấp lên thị xã, rồi 20 năm sau lên thành phố. Chứng kiến sự đổi thay của vùng đất tận cùng phía Tây Nam Tổ quốc, những cựu chiến binh từng trực tiếp chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam không khỏi xúc động. Thiếu tướng Ngô Văn Dương (Tám Thắng), nguyên Phó tư lệnh Quân khu 9, bộc bạch: “Khi đó, tôi là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 207 thuộc Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang, trực tiếp chiến đấu trên biên giới Hà Tiên. Thời điểm đó, toàn tuyến biên giới là “vùng trắng”, không có dân vì dân và chính quyền địa phương lùi về phía sau, chỉ còn bộ đội của tỉnh, quân khu và lực lượng Bộ đội Biên phòng. Năm tháng qua đi, giờ đây Hà Tiên đã là một thành phố trẻ năng động, phố xá đông vui tấp nập…”.

Để giúp cho ngành thương mại địa phương phát triển nhanh và bền vững, lãnh đạo thành phố đã chủ động thúc đẩy phát triển đa dạng các loại hình kinh doanh trong các thành phần kinh tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư công nghệ, trang thiết bị, phương tiện hiện đại, đăng ký một số thương hiệu sản phẩm đặc trưng... Từ đó nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm làm ra có tính cạnh tranh cao, mang lại lợi nhuận kinh tế bền vững, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng và xuất khẩu.

Gắn liền với sự phát triển nhanh chóng, vượt bậc của ngành thương mại không thể tách rời vai trò tương tác và đồng hành của dịch vụ-du lịch. Trong quá trình đầu tư và phát triển, các địa điểm du lịch còn giữ được nhiều nét hoang sơ; hệ thống đền, chùa, lăng tẩm vẫn mang nét cổ kính; nhờ vậy đã thu hút du khách đến với Hà Tiên tăng bình quân mỗi năm 18,05%. Riêng năm 2018, Hà Tiên đón gần 2,58 triệu lượt khách đến tham quan du lịch, tăng 9,13% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ-du lịch đạt hơn 1.418 tỷ đồng, tăng hơn 60 lần so với năm 1999. Các điểm du lịch tiêu biểu như: Mũi Nai, Thạch Động, Đá Dựng... và một số lăng tẩm, đền đài ngày càng phát huy hiệu quả. Thời gian tới, Hà Tiên sẽ tập trung chú ý đến dịch vụ khám phá thiên nhiên nhằm tạo sự đa dạng trong các loại hình kinh doanh du lịch.

Là một trong những doanh nghiệp đầu tư hiệu quả vào TP Hà Tiên, ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc Nhà hàng Cánh Buồm, cho biết: “Mười năm trước, tôi cùng anh em thành lập Công ty Du lịch ở Mũi Nai, đầu tư khu vui chơi xe trượt ống thứ hai ở Việt Nam. Sau đó thấy hiệu quả và lượng khách du lịch đến Hà Tiên ngày càng tăng nên tiếp tục đầu tư dịch vụ ăn uống. Việc Hà Tiên được công nhận thành phố là bước ngoặt quan trọng định hướng phát triển trong thời gian tới. Tôi dự định sẽ thành lập Công ty Du lịch lữ hành, tổ chức tham quan biển đảo, sinh thái ở đầm Đông Hồ cũng như tour du lịch đến Kép và cảng Sihanoukville, Campuchia”.

Có thể khẳng định, sau 40 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, Hà Tiên đã khởi sắc nhanh và ấn tượng, góp phần đáng kể vào tiến trình xây dựng một thành phố trẻ trung, năng động, hiện đại thời kỳ hội nhập, phát triển nhanh và bền vững. Song, để Hà Tiên trở thành thành phố du lịch gắn với phát triển thương mại và dịch vụ chất lượng cao thì mới chỉ là những bước đi ban đầu. “Thời gian tới, chúng tôi tập trung phát triển hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, xây dựng gian hàng miễn thuế, chợ tập trung tại khu vực biên giới để tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu. Đồng thời, tiến hành quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; vùng biển nuôi trồng các loại cá có giá trị kinh tế cao. Chúng tôi cũng chỉnh trang đô thị với hệ thống đèn chiếu sáng nghệ thuật cầu Tô Châu, một số hang núi Đá Dựng, đèn led mỹ thuật trên các trục giao thông chính của thành phố; ngầm hóa hệ thống điện các tuyến phố đi bộ. Hà Tiên đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng thành phố du lịch ven biển văn minh, giàu đẹp với những nét đặc trưng riêng biệt miền biên giới Tây Nam của Tổ quốc, xứng đáng với công sức, mong muốn của các bậc tiền nhân và bao thế hệ đã chiến đấu, bảo vệ, xây dựng Hà Tiên”, ông Phạm Văn Xuân, Phó chủ tịch UBND TP Hà Tiên cho biết.

THÚY AN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ha-tien-thanh-pho-tre-vung-bien-gioi-tay-nam-559876