Hà Tiên rộng dài ra biển

Hơn 300 năm hình thành tên đất, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hai tiếng Hà Tiên, tên gọi của một vùng đất nằm cuối trời tây của Tổ quốc vẫn đi vào nhạc, thơ; thu hút biết bao thi nhân, mặc khách viếng thăm. Đầu tháng 11 này, Hà Tiên chính thức nâng tầm trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Kiên Giang.

Thành phố Hà Tiên.

Trên bản đồ hình chữ S, Hà Tiên nằm ở điểm cực Tây Nam. Vùng đất biên thùy đầy nắng gió, nhưng thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều cảnh quan kỳ thú từ núi rừng đến biển đảo và đồng bằng, từ lâu Hà Tiên đã đi vào thơ, vào nhạc. Nhạc sĩ Lê Dinh mở đầu cho ca khúc con cưng “Hà Tiên” của mình bằng những từ ngữ rất hoa mỹ: “Tôi nhớ hoài một chiều dừng chân ghé qua thăm miền ước mơ/ Hà Tiên mến yêu đẹp như xứ thớ xa cách tôi còn nhớ/ Nhớ ghi muôn đời nước trời biển mơ/ Xanh xanh màu ánh mắt em gái chiều năm xưa/ Như vấn vương ai trên bến chiều xa vắng năm tháng còn ngẩn ngơ”.

Bãi biển Mũi Nai.

Năm 1708, Hà Tiên trở thành một trấn của Việt Nam. Năm 1932, triều đình nhà Nguyễn chia Nam kỳ thành sáu tỉnh, Hà Tiên trở thành một tỉnh. Đến năm 1900, thực dân Pháp ổn định Nam Kỳ xong và chia thành 20 tỉnh, Hà Tiên lúc bấy giờ là một tỉnh nhỏ gồm hai huyện Hà Tiên và Phú Quốc. Năm 1976, Hà Tiên là huyện của tỉnh Kiên Giang, bao gồm thị trấn Hà Tiên và chín xã: Bình An, Bình Sơn, Dương Hòa, Hòa Điền, Mỹ Đức, Phú Mỹ, Tân Khánh Hòa, Thuận Yên, Vĩnh Điều. Năm 1978, Bình Sơn chuyển cho huyện Hòn Đất. Chuyển thị tứ Kiên Lương thành thị trấn Kiên Lương, trực thuộc huyện Hà Tiên. Năm 1988, chuyển xã Tiên Hải, thuộc huyện đảo Kiên Hải về huyện Hà Tiên quản lý. Ngày 8-7-1998, Chính phủ ban hành Nghị định 47 thành lập thị xã Hà Tiên và các phường thuộc thị xã, tỉnh Kiên Giang. Và ngày 1-11-2018, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập thành phố Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang chính thức có hiệu lực.

Hơn 300 năm hình thành và phát triển, bên cạnh những thành quả trong công cuộc xây dựng, nhân dân Hà Tiên đã một lòng bảo vệ quê hương, chống lại biết bao cuộc xâm lăng của ngoại bang, đập tan những âm mưu và hành động của kẻ thù xâm lược. Từ khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo, Đảng bộ quân và dân Hà Tiên đã trải qua những chặng đường đấu tranh cách mạnh từ đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ đến cùng cả nước đánh đuổi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, giành lấy thắng lợi hoàn toàn bằng Đại thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử.
Sự nổi tiếng của Hà Tiên gắn liền từ cảnh sắc thiên nhiên hữu tình đến sự tài hoa của nhiều tên tuổi lớn trong thi đàn văn học. Sự ra đời của tao đàn Chiêu Anh Các, do Mạc Thiên Tích làm nguyên soái, được ví ngang với tao đàn Nhị thập bát tú của vua Lê Thánh Tông và những tên tuổi như: Mạc Cửu, Mạc Thiên Tứ, Đông Hồ, Mộng Tuyết tại vùng đất này đã minh chứng điều đó.

Đầm Đông Hồ, núi Tô Châu.

Hà Tiên cũng là vùng đất có một không hai ở đồng bằng sông Cửu Long hội đủ các loại địa hình từ đồng bằng thẳm xanh đến núi rừng hùng vĩ, biển đảo mênh mông. Đây, Tiêu tự thần chung (chùa Tam Bảo), Kim dự lan đào (núi Pháo đài), Lộc trĩ thôn cư (cảnh đẹp Mũi Nai). Kìa Nam phố trừng ba (bãi biển phía nam), Thạch Động thôn vân (thắng cảnh Thạch Động), Đông Hồ ấn nguyệt (đầm Đông Hồ). Đó Lư khê ngư bạc (xóm chài Rạch Vược), Bình San điệp thúy (núi Bình San) và Châu nham lạc lộ (thắng cảnh Đá Dựng). Không chỉ có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng đi vào thi văn, nhạc họa, Hà Tiên còn có nhiều di tích lịch sử - văn hóa gắn với các câu chuyện cổ tích, những huyền thoại trong tiến trình chinh phục, mở mang bờ cõi, đấu tranh sinh tồn của cha ông.

Gia đình anh Nguyễn Cường, quê ở TP Cần Thơ có người quen ở Rạch Giá, mỗi khi có dịp đến xứ biển, anh chị đều tranh thủ đi thêm gần 100 km để đến với Hà Tiên, thưởng thức sự mặn mòi của nước biển, các món ăn chế biến từ hải sản biển Tây, hoặc ghé chợ Hà Tiên mua một vài món hàng đặc trưng của vùng biên giới Tây Nam. Anh Cường nói: “Hà Tiên không chỉ có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với núi, rừng, hang động, biển đảo, đồng bằng… mà đô thị cũng rất Hà Tiên, với tên đường, chợ búa, cảnh vậzt khác lạ. Con người Hà Tiên hào hiệp, thân thiện và mến khách”.

Mưu sinh trên đầm Đông Hồ.

Anh Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc Công ty CP du lịch Mũi Nai cho biết, khách đến với Hà Tiên không tấp nập, những ngày lễ, Tết Hà Tiên cũng không xảy ra tình trạng “cháy” phòng hay quá tải. Khách du lịch đến với Hà Tiên trải đều tất cả các tháng trong năm.

Người Hà Tiên là cộng đồng gồm ba dân tộc anh em: Kinh, Khmer, Hoa. Qua hơn 300 năm gắn bó cùng sinh tồn, phát triển nét văn hóa của các dân tôc đã có sự giao thoa hòa quyện nên có phần khác lạ. Đến với Hà Tiên vào dịp rằm tháng giêng du khách sẽ được hòa mình vào đêm hội tao đàn Chiêu Anh Các. Ghé dịp tết Thanh minh du khách sẽ hiểu thêm về lễ tảo mộ, hội đạp thanh đặc trưng của người Hoa Hà Tiên. Vào dịp cuối tháng 5, đầu tháng 6 âm lịch, Hà Tiên có Lễ hội Giỗ Đức Khai trấn Mạc Cửu. Cuối tháng 9 âm lịch, có lễ giỗ Bà Mạc Mi Cô (Bà Cô Năm). Đặc biệt, đến Hà Tiên đúng vào dịp Tết Sen Đôn Ta, Tết Chol Chnam Thmay, hay Lễ hội dâng Y Kathinat… của người dân tộc Khmer du khách sẽ được đắm chìm trong không khí lễ hội với tiếng nhạc tươi vui, sắc màu rực rỡ.

Ở Hà Tiên, có đầm Đông Hồ, một vùng đất ngập nước với diện tích lên đến hơn 1.300 ha. Nhiều người đến Hà Tiên đã tìm về đầm Đông Hồ để khám phá sự đa dạng sinh học, với hơn 25 loại cây rừng ngập mặn, rất nhiều loại thủy sản, chim muông trú ngụ. Sách “Gia Định thành thông chí” viết về đầm Đông Hồ như sau: “Ấy là hồ ở trước trấn thự, phía nam khóa thủy khẩu của hải cảng Hà Tiên chặt chẽ để giữ địa khí, bề ngang năm trượng, sâu 10 thước ta. Phía bắc tiếp với hạ lưu sông Vĩnh Tế. Lòng hồ mênh mông rộng 71 trượng, gọi là hồ Hà Tiên, còn gọi là Đông Hồ, vì hồ ở về phía đông vậy. Giữa hồ có nổi cồn cát non, phía đông và phía tây nước sâu trên dưới năm thước ta, thuyền bè ở sông, biển đến đậu chen nhau, người buôn tụ hội đông đảo”. “Đông Hồ ấn nguyệt” nằm trong “Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh”. Thi sĩ Đông Hồ, một người con của vùng đất Hà Tiên đã dịch thơ bài vịnh này: Khói lạnh mây tan cõi diểu mang/ Một vùng phong cảnh giữa hồng quang/ Trời xa mặt sóng in đôi bóng/ Biển bạc vành gương dọi bốn phương/ Rộng đã sánh cùng trời bát ngát/ Sâu còn so với biển mênh mang/ Cá rồng tỉnh giấc chi tan vỡ/ Một tấm lòng băng vẫn chói chang.

Sân chim ở Đông Hồ.

Sau khi thăm thú núi rừng, hang động, đầm hồ, đồng bằng, chùa chiền… để thay đổi “khẩu vị”, du khách có thể đi tàu cao tốc tham quan biển đảo. Quần đảo Hà Tiên hay còn gọi là quần đảo Hải Tặc, cùng với quần đảo Bà Lụa được khách du lịch ví là Hạ Long của đất phương nam. Quần đảo Hải Tặc gồm khoảng 24 hòn đảo, nằm cách đất liền khoảng 11 hải lý về phía tây, cách đảo Phú Quốc 16 hải lý về phía đông, với rất nhiều câu chuyện thần bí nhưng vẫn mang tính thời sự. Với thiên nhiên tươi đẹp còn hoang sơ, không khí mát mẻ, cùng nhiều truyền tích, Hải Tặc không thể thiếu trong chuyến hành trình của du khách khi đến với Hà Tiên. Quần đảo Hải Tặc đã được chính quyền cấp tỉnh công nhận là Khu du lịch địa phương.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhàn, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Tiên, khi Hà Tiên mới lên thị xã (năm 1998), thu nhập bình quân đầu người chỉ 4,45 triệu đồng/năm, nhưng sau 20 năm, con số này đã gần 69 triệu đồng, tăng đến 15,5 lần. Thu ngân sách lúc đó chỉ 16,2 tỷ đồng, nhưng nay đã hơn 110 tỷ đồng; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 3,23 lần so 20 năm trước, đạt 51,8 triệu USD. Về phát triển trên lĩnh vực du lịch, Hà Tiên có sự tăng trưởng vượt bậc. Theo đó, mỗi năm, Hà Tiên đón hơn hai triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Sáu tháng đầu năm 2018, Hà Tiên đạt tổng doanh thu bán lẻ 4.358 tỷ đồng, hiện trên địa bàn có 161 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với 2.449 phòng. Hà Tiên đã thu hút được 35 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn ba nghìn tỷ đồng.

Cầu Tô Châu.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2030, Hà Tiên hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chất lượng cao. Đến năm 2020, thu hút ba triệu lược khách, doanh thu 2.700 tỷ đồng; năm 2025, thu hút 4,4 triệu lược khách, doanh thu 9.400 tỷ đồng; đến năm 2030, thú hút 6,4 triệu lượt khách, doanh thu 34.500 tỷ đồng.

“Hà Tiên đã xác định du lịch là ngành kinh tế động lực, mũi nhọn nên tiếp tục tập trung đầu tư phát triển. Trước mắt, Hà Tiên triển khai các đề án, kế hoạch đã có; lên kế hoạch bảo tồn và phục hồi những cảnh quan bị lu mờ do thời gian, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các dự án du lịch…”, ông Nguyễn Thanh Nhàn phấn khởi cho biết.

Hà Tiên, vùng đất biên thùy rộng dài ra biển chính thức được “nâng hạng”, đô thị trở thành thành phố biên mậu và du lịch của tỉnh Kiên Giang. Xin mượn lời trong đoạn kết của ca khúc “Hà Tiên” thay lời chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tiên anh hùng: “Giây phút đẹp còn lại kỷ niệm khó phai trên bờ mắt ai/ Hà Tiên đã ghi vào tâm trí tôi ơi luyến lưu làn mây/ Nhớ thương với đầy hướng về Hà Tiên/ Quê hương hùng vĩ hiên ngang ngắm mặt trùng dương/ Đây bến Tô Châu khôn sánh niềm lưu luyến, tôi hướng về Hà Tiên”.

VIỆT TIẾN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/du_lich/item/38127702-ha-tien-rong-dai-ra-bien.html