'Hạ thấp độ cao' cho O2, tạo đường mòn kết nối với miền xuôi

50 hộ dân ở làng O2 thuộc xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) gần như sống biệt lập trên đỉnh núi Konhlon cao đến gần 1.000m so với mặt nước biển, với nỗi khổ không có đường giao thông nối với miền xuôi.

Ấy nhưng với sự quan tâm của Nhà nước, của xã hội và với nỗ lực của dân làng, O2 đã dần hạ thấp độ cao…

Cõng ngói, xi măng làm trường học, sân chơi cho O2

Người miền xuôi muốn lên đỉnh Konhlon để đến với làng O2 phải vượt qua 3 con dốc dựng đứng, trán người đi sau chạm gót chân người đi trước. Chỉ 3km mà phải mất 4 giờ đồng hồ lội suối băng rừng mới chạm được chân lên đất làng O2. Khó khăn trắc trở là thế, nhưng người miền xuôi vẫn cõng được ngói, xi măng lên làm trường học và sân chơi cho con em làng O2.

Học sinh ở làng O2 giờ đã được ngồi học trong những lớp học vững chãi

Để đưa được những miếng ngói, những bao xi măng lên đến làng O2 là cả kỳ công. Ông Đinh Kiên, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Kim, nhớ lại: Trước đây, lớp học cho các cháu mẫu giáo và cấp 1 ở làng O2 là những ngôi nhà sàn tuềnh toàng, vách nứa, mái lợp lá. Thời gian, mưa bão làm cho chúng ngày càng xiêu vẹo, tốc mái, học sinh ngồi học trong cảnh mưa dột gió lùa. Cám cảnh, chính quyền xã Vĩnh Kim lập kế hoạch xây dựng trường học kiên cố cho con em làng O2. Kế hoạch của Vĩnh Kim là vận động toàn dân trong xã tham gia vận chuyển vật liệu lên làm trường. Đây là bài toán khó, bởi để người miền xuôi vượt qua những con dốc dựng đứng, chỉ đi một thân một mình cũng đã là thách thức lớn. Ấy vậy mà giờ phải cõng theo ngói, xi măng thì phải làm thế nào!

Năm 2015, Nhà nước cho chủ trương người dân làng O2 tự tìm ván để làm vách cho ngôi trường được làm theo kiểu nhà rông, công dựng trường và mua ngói, xi măng cũng được Nhà nước hỗ trợ kinh phí. Công vận chuyển ngói và xi măng từ miền xuôi lên O2 chính quyền địa phương lo. Đảng ủy, UBND xã Vĩnh Kim tổ chức họp dân, kêu gọi toàn dân tham gia vào công cuộc xây dựng trường cho O2.

Xã Vĩnh Kim có 6 thôn, trừ làng O2, còn lại 5 thôn miền xuôi. Để lợp mái cho 2 lớp học, 1 dành cho các cháu mẫu giáo, 1 dành cho học sinh 5 lớp cấp I phải cần đến khoảng 3 - 4 ngàn viên ngói. Thôn nào có nhiều lao động, xã phân công vận chuyển nhiều ngói hơn. “Người khỏe mạnh thì 1 chuyến cõng khoảng 10 viên ngói, người yếu cõng ít hơn, khoảng 4 - 5 viên. Xi măng thì tháo bao, phân ra từng túi ni lông, 3 lao động đảm nhiệm vận chuyển 1 bao. Cứ thế mà làm, chuyến này đến chuyến khác, chẳng bao lâu xây dựng xong 2 ngôi trường. Nói là trường cho oách nhưng chỉ là 2 phòng học, 1 phòng dành cho 19 cháu học mẫu giáo và 1 phòng dành cho cả 5 lớp cấp I với 15 cháu”, ông Kiên nói.

Sân chơi cho các cháu ở làng O2

Không chỉ được ngồi dưới mái trường kiên cố, không còn bị dột mưa, không còn bị gió lùa, bây giờ con em của cư dân làng O2 còn có sân chơi bằng xi măng cùng các món đồ chơi do Tỉnh đoàn Bình Định trang bị. Sau khi sân chơi hình thành, sau những giờ học, trẻ con ở làng O2 không còn tung tẩy trong rừng như những con chồn, con cheo để tìm thú vui nữa, mà các cháu tập trung hết vào sân chơi với những trò chơi “hiện đại”.

Điều thấy rõ là tinh thần các cháu trở nên phấn chấn hơn, không còn lội rừng nên đã trở nên sạch sẽ hơn. “Ngày chúng tôi triển khai thi công làm sân chơi bê tông xi măng cho các cháu, người làng đứng quanh nhìn với đôi mắt lạ lẫm. Bởi, từ xưa nay chẳng mấy khi họ nhìn thấy những công trình được làm bằng bê tông xi măng”, ông Lương Đình Tiên, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bình Định, kể.

Tìm một lối đi

Không có đường giao thông nối với miền xuôi, từ bao đời nay người dân làng O2 phải cam chịu những thiệt thòi lớn lao. Nông sản trồng lên, nuôi con heo con gà, muốn đưa về xuôi tiêu thụ là cả 1 vấn đề. Trong chuyến công tác về làng O2 vào cuối tháng 8 vừa qua, trên đường quay về xuôi, chúng tôi chứng kiến tình cảnh nhói lòng. Đồng hành với chúng tôi là một cặp vợ chồng trẻ người dân tộc Bana cùng đứa con trai khoảng 5 tuổi.

Người chồng lắc lỉu trên lưng cái gùi nặng trĩu, trong gùi là những mớ đậu đen, đậu xanh đựng trong những túi riêng và bên trên là con gà. Bên cạnh là người vợ bước những bước nặng nề, mệt mỏi trên con đường liên tiếp đổ những con dốc cao như những chiếc cầu tuột. Hỏi thăm thì biết, người vợ bị bệnh nặng được chồng đưa xuống bệnh viện huyện, khi đi chồng gói ghém gùi theo mớ đậu con gà, xuống chợ bán để lấy tiền chi phí cho những ngày lưu lại miền xuôi chữa bệnh cho vợ.

50 hộ dân làng O2 đã được sử dụng điện mặt trời

Giao thông trắc trở là vậy, nên người dân làng O2 chỉ trồng nông sản, nuôi con heo con gà chủ yếu để tự cung tự cấp, và họ chọn cách kiếm tiền bằng cách chăn nuôi đại gia súc. Ví như anh Đinh Văn Nhin (37 tuổi), người thành công trong chuyện làm ăn trong bối cảnh chưa có đường giao thông. “Trồng lúa, trồng mì, trồng bắp muốn bán là phải gùi, cõng xuống xuôi. Trèo đèo lội suối khổ cái thân lắm mà chẳng được bao nhiêu tiền, vì cái lưng không như cái xe mà vận chuyển được nhiều. Nên mình để hết lúa mì bắp làm lương thực cho cả nhà, và phục vụ chăn nuôi. Nuôi con gà, con vịt để làm thực phẩm cải thiện bữa ăn hàng ngày. Muốn kiếm tiền thì phải nuôi con gì có 4 chân, như con bò, con trâu thì mới có thể bắt nó đi xuống núi để mình bán”, anh Nhin chia sẻ.

Học tập anh Nhin, dân làng O2 bây giờ đã chú trọng đầu tư nuôi đại gia súc. Hiện đàn trâu ở O2 đã có trên 200 con, đàn bò gần 150 con, bình quân mỗi hộ có trên 7 đầu gia súc. Để bảo toàn đàn gia súc, làng O2 đưa vào hương ước chuyện thay đổi tập quán chăn nuôi. Trâu, bò không còn thả rông vào rừng, mà được chăn dắt, nuôi nhốt, nên mỗi mùa mưa lạnh không còn tình trạng trâu bò chết giữa núi rừng, chăn nuôi thực sự mang lại hiệu quả. Nhờ đó, ở làng O2 bây giờ những ngôi nhà tranh tre nứa lá đã dần được thay thế bằng những ngôi nhà vách ván, lợp tôn rộng rãi. Hôm chúng tôi lên O2, anh Đinh Văn Nhin không giấu được niềm vui khi được ở trong ngôi nhà mới. “Đã có nhiều đợt trâu bò theo mình về xuôi thì mới có tiền làm ngôi nhà này đấy”, anh Nhin vui vẻ nói.

Để “hạ thấp độ cao” cho O2, cuối năm 2017 đầu năm 2018, người làng đã chung tay phát quang, trục đá tảng để hình thành đoạn đường mòn khoảng 3km từ đầu làng về xuôi để có thể chạy xe máy. Bây giờ, người làng O2 muốn đưa nông sản về xuôi, được xe máy “cõng” đi 3km đỡ vất vả cái lưng của người làng.

“Hiện nay, tại làng O2 đã xuất hiện khoảng chục chiếc xe máy, chủ yếu là xe cũ, mang dáng dấp “cào cào”, chuyện dụng phục vụ cho lao động.

Xe máy của dân làng O2

Mỗi lần ai đó ở làng O2 về xuôi mua xe, họ kéo theo cả chục người. Chiếc xe được tháo rã ra từng món, họ chia nhau cõng lên những con dốc. Khi đưa xe về họ thuê theo 1 người thợ sửa Honda. Đến đoạn đường mới làm, họ dừng lại, người thợ lôi cà lê mỏ lết ra lắp ráp, sau đó chủ xe nổ máy uỳnh uỳnh chạy về làng trước những đôi mắt lạ lẫm của dân làng”, già làng O2 Đinh Ly cho biết.

VŨ ĐÌNH THUNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ha-thap-do-cao-cho-o2-tao-duong-mon-ket-noi-voi-mien-xuoi-post226813.html