Hà thành kim cổ ký: Ký ức ngoại ô

Hình ảnh ngoại ô đã được mô tả trong các bài báo, trong văn chương xưa. Nó hiện ra xinh xắn và thanh bình. Đó là những con đường gạch lát nghiêng, hai bên là hàng rào cây khúc tần hay dâm bụt luôn được cắt tỉa gọn gàng.

Để đảm bảo an ninh cho thành phố Hà Nội nhượng địa, năm 1889, Chính phủ bảo hộ lập ra vùng đệm bao quanh thành phố gọi là ngoại ô. Đây là phần đất còn lại của hai huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận với 9 tổng 61 xã, thôn. Đến năm 1915 đổi là huyện Hoàn Long thuộc Hà Đông. Năm 1942 lại đổi là Đại lý đặc biệt Hà Nội thuộc Hà Nội.

Hình ảnh ngoại ô đã được mô tả trong các bài báo, trong văn chương xưa. Nó hiện ra xinh xắn và thanh bình. Đó là những con đường gạch lát nghiêng, hai bên là hàng rào cây khúc tần hay dâm bụt luôn được cắt tỉa gọn gàng. Từ cổng đi vào ngôi nhà lá thâm thấp có hoa ngâu, hải đường, khóm hoa nhài hay bụi hồng, cái sân nhỏ có hòn non bộ trồng cây si hay cây sanh. Xung quanh nhà là vườn trồng dăm cây xoan, vài cây ăn quả như: Bưởi, ổi hay lựu. Kế đó là cái ao nhỏ, có tấm ván bắc làm cầu. Xưa người ngoại ô giàu có ngoài có nhà trong phố thường xây cơ ngơi ở quê. Làng nào cũng có nhưng nhiều nhất có lẽ là Đông Ngạc. Ngày nghỉ họ về chơi tránh phố thị ồn ào.

Ngoại ô cũng có điện, có các vòi nước công cộng dùng không phải trả tiền nhưng lại ít ruộng. Nhà nào nhiều chỉ dăm sào, cấy lúa hay trồng màu cũng chỉ làm trong thời gian ngắn là xong nên nhà nào cũng phải làm thêm. Phần lớn các làng ngoại ô đều có một nghề, làng Phương Liệt có nghề sơn vôi, từng nhiều lần quét vôi trần Bách hóa Tràng Tiền trong lúc mọi người vẫn mua bán mà không rơi một giọt. Làng Trung Tự có nhiều ao thì chuyên thả rau muống bè, Khương Thượng chuyên làm chả nhái nên được gọi là làng “chặt đầu, lột da”. Cách Khương Thượng không xa làng Khương Hạ chuyên muối dưa cà. Làng Tương Mai, Hoàng Mai bán cơm từ thế kỷ 19, sau chuyên bán xôi vò xôi lúa còn “Tứ Kỳ gánh cân, Pháp Vân gánh nánh” nghĩa là Tứ Kỳ làm bún, Pháp Vân nổi tiếng với nghề bán bún ốc. Ở phía bắc thành phố thì Phú Thượng chuyên làm rượu nếp gánh vào phố bán. Phía tây có Ngọc Hà, Hữu Tiệp chuyên trồng hoa.

Nhưng làng không có nghề thì vào trong phố làm cho các hãng, hay việc lặt vặt. Trai ngoại ô vừa hiền vừa chăm. Trên đường đi làm về tranh thủ chở thùng nước gạo về nuôi lợn. Cái gì cũng biết, từ chữa điện, kỳ cạch làm mộc hay chữa ống nước. Đàn bà con gái ngoại ô thì đảm đang, thức khuya làm hàng, dậy sớm đi bán. Khách của chuyến tàu điện đầu tiên trong ngày chủ yếu là các bà các cô. Gánh rau muống, rau cải đã xếp gọn ở cuối toa. Các bà bán bánh cuốn, bán xôi xuống tàu là bê vào mái hiên chờ khách. Lởi xởi và nhẹ nhàng cho đến hết hàng. Chiều về lại nhào ra ruộng ra vườn chăm lúa, chăm rau. Con cái ở nhà biết việc cứ tự động làm.

Theo thời gian ngoại ô dần thay đổi. Khi con cái đông hơn và phải dựng vợ cho con trai thì dân ngoại ô phải làm thêm gian nhà cho con ở riêng. Thời bao cấp, gạch, ngói hiếm nên phải xây nhà bằng gạch xỉ. Cứ ngày cuối tuấn, bố mượn xe bò đến các cửa hàng ăn uống mậu dịch xin xỉ than, có khi lên tận Nhà máy điện Yên Phụ. Xúc đầy xe rồi bố kéo con đẩy chở về đóng gạch ba banh. Xây xong để tường khô rồi ra Bến Nứa hay bến Bạch Đằng mua tre làm đòn tay và dui mè, ghé qua chợ Đồng Xuân mua ít dây thép. Chỉ cần dàn đòn tay lên hai đầu tường, buộc dui mè rồi quăng giấy dầu lên là xong phần mái,...
Thế hệ sinh ra trong ngôi nhà gạch ba banh và gác xép nay cũng đã trung niên hết lượt. Ngoại ô xưa nay đã thành nội đô. Không còn vườn còn ao, không còn đường làng và con người cũng khác.

N.N.T

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ha-thanh-kim-co-ky-ky-uc-ngoai-o-a455396.html