Hà thành kim cổ ký: Chuyện dựng tượng Lý Công Uẩn

Theo kế hoạch, việc dựng tượng sẽ tiến hành vào năm 2005, năm kỷ niệm 995 năm vua Lý định đô. Thế nhưng năm 2004 lại là năm kỷ niệm 50 năm ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954) nên thành phố muốn dựng tượng trong năm này.

Lý Công Uẩn

Lý Công Uẩn

Theo kế hoạch, việc dựng tượng sẽ tiến hành vào năm 2005, năm kỷ niệm 995 năm vua Lý định đô. Thế nhưng năm 2004 lại là năm kỷ niệm 50 năm ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954) nên thành phố muốn dựng tượng trong năm này.

Sau khi nghe ý kiến của các nhà văn hóa, họa sĩ, sử học,… cộng với cảm nhận chủ quan, lãnh đạo Hà Nội quyết định chọn mẫu của nhà điêu khắc Vi Thị Hoa và ngay lập tức hội đồng nghệ thuật yêu cầu nhà điêu khắc chỉnh sửa những khiếm khuyết. Được sự đóng góp của các họa sĩ Đinh Trọng Khang, Trần Khánh Chương, các nhà điêu khắc Dương Đăng Cẩn, Tạ Quang Bạo, Lưu Danh Thanh, Nguyễn Phú Cường,…cùng nỗ lực của bản thân, một tượng đất tỉ lệ 1/1 cao 1010cm (tương ứng với năm định đô) được nhà điêu khắc Vi Thị Hoa hoàn thành trong thời gian ngắn. Chính quyền thành phố và hội đồng nghệ thuật chấp nhận phác thảo đã bổ khuyết và đồng ý đem đi đúc đồng. Việc đúc được giao cho ông Nguyễn Trọng Hạnh ở Ý Yên, Nam Định vì trước đó ông Hạnh có kinh nghiệp đúc đài Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đúc đồng, đặc biệt là đúc các tác phẩm nghệ thuật không hề dễ dàng vì đồng đông kết nhanh khi nhiệt độ hạ thấp nên các nghệ nhân phải pha thêm chì, kẽm, vàng để đồng có thể chảy đến tận ngóc ngách trong khuôn mà không bị đông vón.

Tuy nhiên pha nhiều sẽ lên hết các chi tiết song tượng sẽ xỉn và mềm. Thế nên, các phường đúc tồn tại là nhờ có kinh nghiệm và bí quyết riêng.

Tượng Lý Thái Tổ được đúc trong 55 ngày, suốt thời gian này ông Hạnh trai giới, thường xuyên có mặt bên lò vì áp lực ngày giờ đặt tượng, sơ sẩy là phải đúc lại. Do tượng quá lớn nên phải đúc thành hai khối, phần thân nặng 12 tấn và phần đế nặng 20 tấn.

Trong quá trình nấu đồng, các ông Phùng Hữu Phú (khi đó là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội), ông Nguyễn Quốc Triệu (Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố), bà Doãn Thanh (Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân) cùng các ông Phan Đăng Long (quyền Giám đốc sở Văn hóa -Thông tin) và cán bộ của sở Văn hóa - Thông tin gồm: Nguyễn Đức Hòa, Nguyễn Doãn Tuân lần lượt về động viên, đôn đốc để tránh những sái sót trong quá trình đúc. Ông Phùng Hữu Phú và ông Nguyễn Quốc Triệu đã tháo nhẫn vàng đang đeo thả vào lò nấu.

Đồng đúc nhập từ nước ngoài để đảm bảo chất lượng tượng. Nhờ có kinh nghiệm ông Hạnh đã thành công, chất lượng đồng được viện Công nghệ Kim loại kiểm nghiệm đạt 87%, nằm trong tỉ lệ cho phép. Ngày 17/8/2004 (tức ngày 2/7/2004 âm lịch), UBND thành phố Hà Nội làm lễ khởi công công trình dựng tượng tại vườn hoa Indira Gandhi.

Đúng 9h, giờ đẹp nhất trong ngày đã diễn ra lễ khởi công theo nghi thức truyền thống. Tượng lừng lững uy nghi khiến khách mời tham dự xúc động. Tuy nhiên một việc quan trọng khác là phải cải tạo mặt bằng và không gian xung quanh, đảm nhiệm phần việc này là viện Nghiên cứu Kiến trúc (bộ Xây dựng).

Diện tích vườn hoa không rộng song các kiến trúc sư đã khéo léo tạo ra mặt bằng và không gian vô cùng hợp lý.

Một việc khác cũng rất quan trọng sau lễ khánh thành là đặt các con rồng ở lối lên xuống và nhà điêu khắc Vi Thị Hoa giới thiệu nhà điêu khắc Trần Tuy vẽ mẫu. Trần Tuy thiết kế 6 mẫu rồng ở lối lên xuống tượng đài, mỗi hình rồng dài 5m với các chi tiết khắc họa tính cách rồng vô cùng mạnh mẽ.

Kể từ ngày khánh thành tượng Lý Công Uẩn đến nay, nơi đây đã trở thành địa chỉ thăm viếng của nhiều người. Vị trí này cũng là nơi thường xuyên được chọn làm tổ chức các sự kiện lớn của Nhà nước và TP.Hà Nội.

N.N.T

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ha-thanh-ki-co-ky-chuyen-dung-tuong-ly-cong-uan-a452893.html