Hạ tầng viễn thông chuyển đổi trở thành hạ tầng số

Hạ tầng viễn thông vốn được coi là hạ tầng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để phù hợp với quá trình chuyển đổi số, hạ tầng viễn thông cần chuyển đổi thành hạ tầng số đáp ứng nhu cầu phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Với định hướng chuyển đổi số quốc gia cũng như hạ tầng viễn thông sẽ được chuyển đổi thành hạ tầng số, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đáp ứng cho yêu cầu của chính phủ số, kinh tế số, xã hội số thì hạ tầng viễn thông sẽ bao gồm chú trọng phát triển hạ tầng băng rộng cố định, hạ tầng băng rộng di động và đặc biệt là hạ tầng của các trung tâm dữ liệu.

Ông Nguyễn Phong Nhã cho biết hạ tầng viễn thông sẽ bao gồm chú trọng phát triển hạ tầng băng rộng cố định, hạ tầng băng rộng di động và đặc biệt là hạ tầng của các trung tâm dữ liệu

Ông Nguyễn Phong Nhã cho biết hạ tầng viễn thông sẽ bao gồm chú trọng phát triển hạ tầng băng rộng cố định, hạ tầng băng rộng di động và đặc biệt là hạ tầng của các trung tâm dữ liệu

Tính đến tháng 2/2022, Việt Nam có 19,6 triệu thuê bao băng rộng cố định đến tận hộ gia đình và mục tiêu đến năm 2025, 100% hộ gia đình có đường cáp quang với tốc độ 200 Mbit/s. Đây là thách thức lớn khi tốc độ hiện nay đạt 68 Mbit/s và để đạt mục tiêu vào năm 2025, Việt Nam phải có kế hoạch cụ thể đối với việc phát triển hạ tầng cáp quang tới hộ gia đình.

Số lượng smartphone đến tháng 4/2021 có 84,7 triệu, tháng 2/2022 có 86,8 triệu, mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh smartphone băng rộng.

Để nâng chất lượng cáp quang đến hộ gia đình, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng phụ trách Cục viễn thông cho rằng vai trò của nhà mạng rất quan trọng, đặc biệt trong việc cung cấp các gói cước, ứng dụng có yêu cầu tốc độ cao, đầu cuối modem, WiFi của các hộ gia đình cũng cần được nhà mạng quan tâm, nâng cấp.

Phát triển băng rộng di động trong năm 2021 đã tạo được nhiều điểm ấn tượng khi thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em”, gần 1400 điểm lõm sóng đã được phủ sóng chủ yếu bằng mạng 4G.

Với chương trình viễn thông công ích được phê duyệt vào tháng 12/2021, năm 2022, hạ tầng băng rộng sẽ tiếp tục được ưu tiên phủ sóng đến vùng sâu, vùng xa và các thôn, bản hiện chưa được phủ sóng di động.

Trong năm 2022, việc bổ sung băng tần 2,3 GHz cho các nhà mạng trong việc phát triển hạ tầng 4G cùng với việc cấp phép mạng 5G thì chắc chắn tốc độ di động của Việt Nam sẽ được nâng lên và vùng phủ sóng cũng được cải thiện. Mục tiêu vào năm 2025, 100% dân số sẽ được phủ sóng mạng 4G và mạng 2G sẽ được dừng cung cấp dịch vụ.

Mạng 5G sẽ được bảo đảm cung cấp tốc độ trên 100Mbit/s và sẽ phủ sóng ở khu công nghiệp, khu chế xuất, các khu trường đại học, các khu nghiên cứu, các tỉnh, thành phố có nhu cầu tốc độ cao và tiến tới năm 2025 cơ bản phủ sóng các địa phương lớn và đến năm 2030, 100% dân số sẽ được phủ sóng di động với công nghệ 5G và 100% người dùng trưởng thành sẽ có sử dụng smartphone. 100% thuê bao di động có tài khoản dịch vụ Mobile Money.

N. Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-tang-vien-thong-chuyen-doi-tro-thanh-ha-tang-so-137421.html