Hạ tầng sẽ vực dậy bất động sản khu Nam TP.HCM

Sự phát triển của hạ tầng giao thông được kỳ vọng sẽ đẩy thị trường bất động sản huyện Nhà Bè (TP.HCM) nói riêng và khu Nam TP.HCM nói chung phát triển trở lại trong thời gian tới.

Hạ tầng đang phát triển mạnh kết nối Nhà Bè và các tỉnh thành lân cận TP.HCM.

Khan hiếm dự án mới, giá tăng mạnh

Thị trường bất động sản TP.HCM trong khoảng 1 năm qua khá trầm lắng do khan hiếm nguồn cung. Không chỉ các dự án trung tâm Thành phố gặp khó trong thủ tục triển khai, mà các dự án ở các quận, huyện ngoài trung tâm như huyện Nhà Bè và cả khu Nam cũng gặp tình trạng tương tự.

Chính sự khan hiếm nguồn cung đã đẩy giá bât động sản TP.HCM nói chung và khu Nam nói riêng tăng khá mạnh.

Theo khảo sát của DKRA Vietnam, hiện toàn thị trường Nhà Bè có gần 20 dự án đất nền, nhà phố biệt thự, tuy vậy hầu hết đã bán. Giá đất Nhà Bè cao nhất hiện nằm trên trục đường Nguyễn Hữu Thọ (xã Phước Kiển) đang giao dịch ở mức 60 - 80 triệu đồng/m2. Một khu vực khác là trục đường Đào Tông Nguyên (xã Phú Xuân) giao dịch mức trên 51 triệu đồng/m2.

Còn khu vực xã Long Thới, đất dự án có mức giá trên dưới 40 triệu đồng/m2, riêng đất lẻ mặt tiền đường Nguyễn Văn Tạo rơi vào tầm trên dưới 55 triệu đồng/m2.

Xã Long Thới là nơi được hưởng lợi nhất từ tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành khi được kết nối trực tiếp lên cao tốc thông qua đường dẫn nút giao Nguyễn Văn Tạo. Từ Long Thới, có thể di chuyển thuận lợi sang các quận khu Đông TP.HCM, hay đi các tỉnh, thành phố lân cận như Long An, Đồng Nai.

Hiện trên địa bàn xã mới chỉ ghi nhận 3 dự án bao gồm các sản phẩm căn hộ, nhà phố, biệt thự và đã bán hết sản phẩm. Sự khan hiếm nguồn cung đất nền, trong khi nhu cầu lớn là một trong nhiều lý do khiến giá đất Nhà Bè liên tục tăng trong thời gian qua.

Điểm cộng hạ tầng

Dù đối mặt với một số hạn chế về hạ tầng, môi trường, khiến vị trí dẫn dắt thị trường bất động sản TP.HCM của khu Nam về tay khu Đông, nhưng với những động thái mới về đầu tư phát triển hạ tầng của TP.HCM, thị trường khu Nam được dự đoán sẽ lấy lại được vị thế vốn có của mình, trong đó, Nhà Bè với ưu thế quỹ đất lớn sẽ là tâm điểm của thị trường.

Cụ thể, trong năm 2019, một loạt công trình hạ tầng giao thông, với tổng vốn đầu tư hàng tỷ USD cũng được đầu tư ở khu vực Nam TP.HCM như: Hệ thống hầm chui - cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, mở rộng đường Huỳnh Tấn Phát lên 30 m, mở rộng đường trục Bắc - Nam đoạn từ Hoàng Diệu đến Nguyễn Văn Linh, mở rộng Quốc lộ 50 thành 6 làn xe và dự án đường song hành Quốc lộ 50, cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 7 với quận 2 vừa được khởi động; hay dự án tuyến Metro số 4 (Thạnh Xuân - Nguyễn Hữu Thọ - Khu đô thị Hiệp Phước)…

Bên cạnh đó, đến nay, khu vực phía Nam TP.HCM đã hoàn thành nhiều quy hoạch quan trọng cho giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030, như quy hoạch tổng thể phát triển giao thông, quy hoạch điểm đấu nối các tuyến quốc lộ N1, N2. Đồng thời, các tuyến Quốc lộ 50 và Quốc lộ 62 đã được nâng cấp và đi vào hoạt động hiệu quả.

Với trục đường Nguyễn Văn Tạo, cung đường này đã có quy hoạch lộ giới 60 m, chiều rộng thực tế 16 m, hiện UBND TP.HCM đã giao Ban Quản lý khu Nam, UBND huyện Nhà Bè xây dựng kế hoạch mở rộng tuyến đường theo đúng ranh quy hoạch lộ giới, và sẽ sớm triển khai trong thời gian tới.

Nhiều dự án bất động sản lớn đổ bộ về Nhà Bè

TS. Lê Bá Trí Nhân, chuyên gia kinh tế phân tích, ngoài hạ tầng đường bộ, khu vực Nhà Bè có lợi thế rất bền vững khác, đó là hệ thống cảng biển với 4 cảng lớn của Việt Nam nằm dọc theo sông Soài Rạp gồm Cảng container quốc tế SPTC, Cảng Sài Gòn Hiệp Phước, Tân Cảng Hiệp Phước, Cảng quốc tế Long An..

Việc này sẽ kéo theo sự xuất hiện của các ngành công nghiệp, dịch vụ cảng biển sử dụng công nghệ cao, công nghệ sản xuất không gây ô nhiễm, doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, cơ khí chính xác, chế tạo máy móc, thiết bị điện tử, thiết bị đo lường, chế biến tinh thực phẩm, dịch vụ lai dắt tàu biển, vận tải, kinh doanh kho bãi…

“Những ngành công nghiệp trên đòi hỏi một lượng lớn lao động, từ lao động phổ thông cho tới chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước đến làm việc. Từ đó, nhu cầu nhà ở sẽ tăng cao gấp nhiều lần nữa, đó là lý do Nhà Bè luôn được giới đầu tư bất động sản chú ý”, ông Nhân nhận định.

Đồng quan điểm, ông Vũ Lý Cung, Phó tổng giám đốc Sàn Giao dịch bất động sản DKRV cho biết thêm, sở dĩ bất động sản khu Nam luôn được quan tâm là nhờ ưu thế giá còn tốt, còn tương đối mềm, nên biên độ lợi nhuận tăng cao.

“Trong bất động sản, hạ tầng giao thông kết nối là vô cùng quan trọng. Các nhà đầu tư bất động sản trường vốn đầu tư dài hạn rất thích điều này, vì chỉ cần đón đúng vị trí, thì giá trị trong tương lai, hay nói cách khác là biên độ lợi nhuận rất cao. Trong khi tại khu Nam, hạ tầng giao thông luôn được đầu tư mạnh mẽ, đó là lợi thế làm của để dành lý tưởng”, ông Cung phân tích.

Bên cạnh đó, ông Cung cho rằng, hiện khu vực Nhà Bè quỹ đất lớn, song thủ tục triển khai dự án khó khăn, dẫn đến việc khan hiếm về nguồn cung. Điều này cũng sẽ khiến cho những sản phẩm triển khai trong giai đoạn này sẽ rất dễ thu hút nhà đầu tư.

Họa Mi

TP.HCM nỗ lực giải cứu thị trường địa ốc

Hệ lụy quy hoạch treo tại TP.HCM: Một góc nhìn khác - Bài 3: Dân mất nhà, Nhà nước mất cán bộ

TP.HCM nỗ lực giải cứu thị trường bất động sản: Ánh sáng cuối đường hầm

Nguồn ĐTCK: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/cung-cau/ha-tang-se-vuc-day-bat-dong-san-khu-nam-tphcm-225867.html