Hạ tầng không phải rào cản lớn nhất của Việt Nam khi nhập khẩu LNG cho sản xuất điện

Đây là thông tin được bà Ngô Thúy Quỳnh, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) đưa ra tại Hội thảo Thách thức và Triển vọng thị trường gas. Cũng theo bà Ngô Thúy Quỳnh, bức tranh toàn cảnh về ngành công nghiệp khai khoáng nói chung, ngành công nghiệp khí gas nói riêng đang ngày càng được phát triển cơ bản đáp ứng yêu cầu, không xảy ra thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên, dự kiến đến năm 2022, Việt Nam sẽ bắt đầu phải nhập khẩu khí gas phục vụ cho mục đích phát điện.

Bà Ngô Thúy Quỳnh, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than

Nhiều ý kiến cho rằng, nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió còn nhiều hạn chế về thời tiết địa phương và đầu tư. Do đó, nhiệt điện khí đang được chú ý nhiều hơn. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

Trong khi các nhà máy điện than trên thế giới đang còn nhiều hạn chế, đặc biệt là nguồn vốn và các quy định môi trường, nguồn năng lượng sạch như điện tái tạo, điện khí gas đang trở thành một xu thế mới và Việt Nam không nằm ngoài xu thế này. Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Việt Nam trong nước mới đáp ứng 45%, còn 55% phải nhập khẩu, trong khi lượng khí này đã và đang được tận dụng và sử dụng hết, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu ngày càng nhiều loại khí này để phục vụ cho các cụm công nghiệp nặng: khí, điện, đạm.

Ngành công nghiệp khai khoáng nói chung, ngành công nghiệp khí gas nói riêng đang ngày càng được phát triển cơ bản đáp ứng yêu cầu, không xảy ra thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên, dự kiến đến năm 2022, Việt Nam sẽ bắt đầu phải nhập khẩu khí gas phục vụ cho mục đích phát điện. Theo quy hoạch, nhập khẩu khí gas hóa lỏng giai đoạn 2021 - 2025 là 1 - 3 tỉ m3/năm, năm 2026 - 2035 tăng lên 6 - 10 tỉ m3/năm.

Tiêu thụ khí gas giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến đạt khoảng 11 - 15 tỷ m3/năm, giai đoạn 2021 - 2025 đạt 13 - 27 tỉ m3/năm.

Hiện Bộ Công Thương đã đã tính toán để đưa quy hoạch nhiệt điện sử dụng LNG thay thế các dự án nhiệt điện chạy than (dự án trong Tổng sơ đồ phát điện VII) trong tương lai gần.

Mặc dù vậy, việc phát triển điện khí gas còn nhiều rào cản, đặc biệt là chính sách. Việc đầu tư vào khí gas hóa lỏng vẫn còn rất mới ở Việt Nam do đó chưa có chính sách thu hút các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, do chi phí đầu tư còn cao càng khiến lĩnh vực vực này kém hấp dẫn với nhà đầu tư hơn.

Vậy theo bà thuận lợi và khó khăn lớn nhất trong việc nhập khẩu LNG về Việt Nam là gì?

Theo tôi lợi thế của Việt Nam hiện nay là có nguồn khí nhập về thuận lợi, trong đó đặc biệt là LPG từ Mỹ đang có giá rất rẻ để vận chuyển về Việt Nam. Đường đi của LPG về Việt Nam cũng rất thuận lợi bởi nước ta có hệ thống cảng phù hợp để nhập LPG và nằm gần Singapore, hệ thống cảng lớn có nguồn nhập LPG lớn từ Úc, Trung Đông về Việt Nam. Đồng thời, nguồn vốn đầu tư cho LPG phát điện hiện nay khá nhiều.

Về khó khăn thì kho chứa không phải là khó khăn nhất, bởi tất cả những kho cạn quy hoạch đã đảm bảo điều kiện về cảng. Tuy kho Thị Vải hiện nay có một một hạn chế về đường sông bởi luồng lạch vào kho Thị Vải hiện nay không thể cho tàu to vào nhưng quy mô về 3 triệu tấn là đáp ứng được. Nhưng về lâu dài, nhu cầu của chúng ta là rất lớn và cần phải có thêm các kho mới. Trong quy hoạch trước đây của vùng Đông Nam Bộ là có một kho dự kiến ở Tiền Giang nhưng sông Soài Rạp cũng có hạn chế về luồng lạch nên có thể vị trí này sẽ được dịch chuyển sang các vị trí khác phù hợp hơn. Ngân hàng Thế giới (WB) đang tiếp tục nghiên cứu một số các địa điểm ví dụ như Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu), một số nhà đầu tư nước ngoài cũng đã đề xuất ở Cà Ná (Ninh Thuận - Bình Thuận) hoặc Bạc Liêu điều đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc phát triển cả chuỗi khí điện là về giá và cơ chế giá bởi khó cạnh tranh được về giá bán điện so với điện than, thủy điện nên cần xem xét trong thời gian tới nên ưu tiên làm ở đâu trước. Nhưng khi nhu cầu điện của chúng ta bắt buộc đòi hỏi phải có chuỗi khí điện LNG thì chúng ta không còn cách nào khác mà vẫn phải nhập khẩu LNG, khi đó sẽ cần phải huy động đầu tư tư nhân vào LPG phát điện.

Lúc đó, các chính sách về thị trường điện, điều tiết khí sẽ đòi hỏi các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp phải nỗ lực hỗ trợ để đảm bảo không xung đột lợi ích giữa bên khí và bên điện cũng như toàn bộ thị trường và người tiêu dùng.

Về chi phí, tuy chi phí đầu tư cao nhưng chắc chắn sẽ không có ưu tiên riêng về mức giá, mà mức giá bán sẽ phải nằm trong mức giá của Nhà nước và bên điện chấp nhận được, nếu cao quá họ cũng không mua và doanh nghiệp cũng không thể bán được.

Hiện tại đã có doanh nghiệp nào đăng ký đầu tư vào các dự án này chưa, thưa bà?

Hiện nay đã có rất nhiều các nhà đầu tư đến Việt Nam quan tâm đến vấn đề này. Nhiều doanh nghiệp đã hợp tác và đặt kế hoạch xây dựng nhà máy phát điện khí LNG tại Việt Nam, họ đặt quan hệ với PV Gas, EVN. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Mỹ đã có ý định đầu tư ở Cà Ná vì xu hướng đầu tư điện bằng LNG đang rất nóng trên thế giới.

Tới đây khi cho nhập khẩu LNG thì doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng một số điều kiện, liệu điều này có làm tăng thêm các giấy phép con cho doanh nghiệp không, thưa bà?

Hoàn toàn không, bởi hiện nay các quy định về giấy phép này đã đang quy định sẵn trong luật chứ không phải tạo mới. Chúng ta phải yêu cầu đáp ứng được các điều kiện mới cho phép nhập bởi đây là một mặt hàng đặt thù, nếu không đáp ứng được các điều kiện này thì sao chúng ta biết doanh nghiệp có đủ năng lực về đảm bảo cơ sở hạ tầng lẫn an toàn cháy nổ.

Xin cám ơn bà!

Xuân Thảo (ghi)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ha-tang-khong-phai-rao-can-lon-nhat-cua-viet-nam-khi-nhap-khau-lng-cho-san-xuat-dien.aspx