Hạ tầng giao thông quá tải

Mấy ngày qua, dòng người từ các tỉnh tiếp tục đổ về TPHCM tạo ra tình trạng quá tải lưu lượng xe cộ và người tham gia giao thông, gây ách tắc nghiêm trọng cho tuyến Quốc lộ 1A, phà Cát Lái, tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, QL 51,…

Từ lâu nay, các chuyên gia cảnh báo tình trạng quá tải về hạ tầng giao thông, cũng như nhu cầu kết nối ngày càng cao theo hướng Đông – Tây của TP HCM, tuy nhiên do thiếu ngân sách, TP HCM hoặc để “treo kế hoạch”, hoặc nhả cơ hội cho các tỉnh lân cận độc lập thực hiện các dự án này.

Tại khu Đông, dù có nhiều hướng lưu thông vào TP HCM, thế nhưng vẫn chưa đủ để tiếp nhận hàng triệu lượt người và xe cộ lưu thông vào các ngày cao điểm sau Tết. Lượng xe từ QL 51 đổ vào cao tốc hướng về TP HCM quá lớn, chỉ lưu thông được 2 làn, nên chịu cảnh “thất thủ” kéo hàng dài. Tương tự, các tuyến đường kết nối phía Tây cũng “thất thủ” hoàn toàn suốt nhiều giờ liên tục.

Nhìn từ cảnh lưu thông khó khăn từ các tỉnh vào TP HCM mới thấy chất lượng và thực trạng hạ tầng giao thông kết nối vào thành phố lớn nhất đang là vấn đề thực sự nan giải. Câu chuyện vốn “bình cũ rượu mới”, năm nào cùng nói, nhưng dường như chưa có giải pháp phù hợp. Lý do, theo nhiều chuyên gia, vẫn là do thiếu vốn, thiếu ngân sách để đưa vào quy hoạch. Thậm chí, dự án “quy hoạch treo” cầu Cát Lái kết nối TP HCM và Đồng Nai trong 10 năm bất động, khiến chính quyền TP HCM đi đến quyết định kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho bổ sung quy hoạch xây dựng cầu Cát Lái và nhường lại quyền chủ trì xây cầu này cho tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, khi bị TP HCM “đá bóng” thì tỉnh Đồng Nai mới đây cũng đã kiến nghị Trung ương chủ trì giải quyết.

UBND tỉnh Đồng Nai phân trần dự án phải huy động tổng mức đầu tư lớn, việc triển khai theo hình thức BOT cho toàn bộ dự án sẽ không khả thi. Trên thực tế, để đảm bảo triển khai dự án xây dựng cầu Cát Lái, thì tỉnh Đồng Nai phải huy động tổng mức đầu tư dự kiến đến gần 7.200 tỷ đồng.

Không riêng khu Đông, vừa qua bất cập tại dự án BOT An Sương - An Lạc cũng làm dấy lên nhiều bất cập xung quanh các dự án BOT, vốn được xem là “cứu cánh” về hạ tầng của thành phố suốt một thời gian dài. Việc lưu thông qua cửa ngõ hành lang này luôn là vấn đề phức tạp, khó giải quyết của chính quyền thành phố từ lâu, nhưng đến nay mới “bung nhọt”. Nhất là việc đầu tư xây dựng thêm 4 cây cầu vượt đã giúp dự án BOT An Sương - An Lạc kéo dài thời gian thu phí đến năm 2033, tăng thêm 16 năm so với dự án ban đầu.

Các chuyên gia đô thị đã cảnh báo chính quyền TP HCM phải xem xét, đánh giá lại một cách toàn diện việc phát triển hạ tầng giao thông đô thị phục vụ nhu cầu phát triển của thành phố.

Thành Luân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xe/ha-tang-giao-thong-qua-tai-tintuc429474