Hạ tầng giao thông quá tải: Rất cần thêm những cây cầu mới

Ùn tắc là cảnh thường xuyên gặp phải tại các cây cầu trọng yếu trên địa bàn Hà Nội như: Thanh Trì, Thăng Long, Chương Dương... Theo các ngành chức năng, nguyên nhân được cho là do lượng phương tiện lưu thông tăng cao, vượt công suất thiết kế của cầu. Ngoài ra, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa cao, quy hoạch giao thông 'đuối hơi' so với gia tăng phương tiện cũng được xem là nguyên nhân khiến cầu ùn tắc. Dù tìm ra nguyên nhân song lời giải cho 'bài toán' này lại nằm ở yếu tố quy hoạch, khó xử lý trong thời gian ngắn.

Quá tải vì đâu?

Ùn tắc giao thông trên các cây cầu đang ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn giao thông chung của Hà Nội. Tại cầu Thanh Trì, theo phản ánh từ nhiều tài xế, tình trạng ùn ứ giao thông cục bộ thường xuyên diễn ra, đặc biệt ở các khung giờ cao điểm sáng, chiều hoặc khi xảy ra va chạm giao thông trên cầu.

Để đáp ứng nhu cầu giao thông, thời gian tới Hà Nội cần đẩy mạnh xây dựng những cầu bắc qua sông Hồng. Ảnh: Minh Phương

Để đáp ứng nhu cầu giao thông, thời gian tới Hà Nội cần đẩy mạnh xây dựng những cầu bắc qua sông Hồng. Ảnh: Minh Phương

Theo tìm hiểu, cầu Thanh Trì được đưa vào khai thác từ năm 2007. Cầu nằm trên đường vành đai 3 nên phần lớn lượng phương tiện từ các tỉnh phía Nam đến và qua Hà Nội đều phải lưu thông qua. Đóng vai trò huyết mạch nên hiện mỗi ngày có khoảng 110.000 lượt xe quy chuẩn lưu thông qua cầu, gấp hơn 7 lần công suất thiết kế.

Phương tiện lưu thông vượt công suất thiết kế của cầu cũng trực tiếp gây ra không ít hệ lụy. Dễ thấy là mặt cầu, dù được duy tu thường xuyên song vẫn có hiện tượng xuống cấp. Tình trạng bề mặt cầu có hiện tượng xuống cấp cũng không phải chỉ xảy ra ở cầu Thanh Trì.

Cụ thể, thời điểm cuối năm 2018, đơn vị duy tu cầu Chương Dương, Thăng Long cũng liên tục phải bảo dưỡng tại 2 cầu này với hư hỏng lớn nhất là khe co giãn. Do mặt cầu có hiện tượng mỏi, nứt, thấm nước, gây ra rạn nứt… Các đơn vị chức năng của Sở GTVT Hà Nội đã phải liên tục tăng cường tuần tra, phát hiện các hư hỏng từ đó đưa ra giải pháp kịp thời, đảm bảo an toàn lưu thông và thuận tiện cho người tham gia giao thông.

Cần phải khẳng định, các cây cầu trọng yếu như: Thanh Trì, Chương Dương… đều có tuổi đời vài thập kỷ. Sau nhiều năm sử dụng, hiện tượng xuống cấp theo thời gian là không tránh khỏi. Tuy nhiên, quanh vấn đề giao thông ùn tắc trên cầu còn một phần xuất phát từ ý thức người tham gia giao thông. Chẳng hạn, tại cầu Vĩnh Tuy dù đây là tuyến đường cửa ngõ vào nội thành, lưu lượng người, mật độ phương tiện đông song ý thức người tham gia giao thông vẫn còn hạn chế, tình trạng lấn làn, đi sai làn đường diễn ra phổ biến. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở cầu Chương Dương.

Hay tại cầu Thanh Trì, còn nhớ giữa tháng 12/2017, một lái xe ô tô sau khi đi sai làn đường (dành cho xe máy) đã “hồn nhiên” dừng xe, tháo dải phân cách để di chuyển xe sang làn dành cho ô tô. Dù lái xe sau đó đã bị Đội Cảnh sát giao thông số 14 ra quyết định xử phạt song hành động thiếu ý thức trên đã khiến cầu ùn tắc nghiêm trọng.

Ý thức của người điều khiển phương tiện hạn chế còn thể hiện ở việc năng lực xử lý tình huống của một bộ phận lái xe còn yếu kém. Điều này không phải không có cơ sở khi ngày 14/10, vì không bảo đảm khoảng cách an toàn nên một tai nạn liên hoàn giữa 6 xe ô tô đã xảy ra trên cầu Thanh Trì khiến giao thông ùn tắc suốt 3 giờ đồng hồ.

Cần tầm nhìn quy hoạch

Theo Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, hạ tầng giao thông Hà Nội đang phải “gồng mình” phục vụ trên 6 triệu phương tiện đăng ký trực tiếp tại Thành phố và hàng triệu phương tiện giao thông vãng lai. Trong khi tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ chỉ tăng khoảng 3%/năm, tỷ lệ quỹ đất dành cho phát triển giao thông chiếm khoảng 8,65% diện tích đất đô thị và hàng năm diện tích quỹ đất dành cho giao thông tăng chỉ khoảng 1%.

Dẫn như vậy để thấy rằng, việc gia tăng vượt mức các phương tiện cá nhân đã tạo ra những áp lực lớn cho giao thông của Thủ đô. Và dù những cây cầu như: Thanh Trì, Thăng Long, Chương Dương... dù thiết kế với tầm nhìn quy hoạch 10 - 20 năm cũng khó có thể đáp ứng hết sức ép từ việc gia tăng các phương tiện.

Khách quan nhìn nhận, vấn đề ùn ứ giao thông không chỉ xảy ra ở các cây cầu đóng vai trò nối thông Hà Nội với các địa phương khác. Ở các trục giao thông huyết mạch, tình trạng tương tự cũng đang diễn ra và hướng xử lý vẫn khá nan giải. Tuyến Vành đai 3 là ví dụ. Theo ghi nhận, đây là một trong những trục đường huyết mạch của Hà Nội, đi qua địa bàn các quận, huyện như: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Thanh Trì... Đây cũng là trục đường kết nối các tỉnh phía Nam với các tỉnh phía Tây Bắc và với Sân bay quốc tế Nội Bài.

Cần phải khẳng định, thời điểm năm 2010 khi đưa vào sử dụng, tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, mặt cắt rộng, mỗi bên đường gồm 2 làn xe, vỉa hè, hệ thống chiếu sáng, thoát nước, cây xanh được thi công đồng bộ. Tuy nhiên đến nay, tuyến đường đã lâm vào tình trạng quá tải.

Dễ thấy là đoạn Vành đai 3 dưới thấp từ Linh Đàm (Hoàng Mai) - Mai Dịch (Cầu Giấy), điểm này được xem là khu vực chịu nhiều áp lực giao thông nhất trên toàn tuyến. Mặt cắt đường hẹp, lưu lượng và nhịp độ giao thông diễn biến thất thường, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc.

Tương tự, đoạn tuyến Vành đai 2 từ Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đường Láng) cũng là một trong những điểm thường xuyên bị quá tải trầm trọng, không đáp ứng được nhu cầu lưu thông của người dân, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Xung đột tại các điểm giao cắt khiến mỗi khi đến khung giờ cao điểm, người và phương tiện lưu thông qua đây chỉ có thể chen nhau nhích từng bước.

Trở lại vấn đề cầu quá tải, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, Hà Nội được quy hoạch có 9 cầu qua sông, song hiện tại mới xây dựng 6 cầu, tức là chưa đủ số cầu theo quy hoạch. Với câu chuyện cầu Thanh Trì đang phải “gánh” lưu lượng xe vượt công suất thiết kế, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, sở dĩ có tình trạng này bởi cầu nằm trên đường Vành đai 3. Là trục giao thông huyết mạch nên phần lớn lượng phương tiện từ các tỉnh phóa Nam đến và qua Hà Nội đều đi qua cây cầu này.

Nhìn nhận vấn đề ở góc độ quy hoạch, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, theo quy hoạch Hà Nội có đường Vành đai 3, 4, 5 và tiến trình xây dựng cũng theo các vành đai này triển khai sao cho phù hợp. Nhưng thực tế, do việc triển khai thực hiện các kết cấu hạ tầng theo quy hoạch này chưa thực hiện được, nên gánh nặng phương tiện dồn lên các trục giao thông sẵn có.

“Muốn cải thiện cần phải tiếp tục triển khai xây dựng các cầu theo đúng quy hoạch. Bên cạnh việc tổ chức giao thông, khai thác cầu hiện hữu thì chúng ta phải đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng hạ tầng tiếp nữa, tức là những cầu bắc qua sông Hồng cũng như Hà Nội dự kiến làm hầm... thì chúng ta phải đẩy nhanh tiến độ vành đai 4 để chúng ta có thể giải thoát xe ở phía Nam ra” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh.

Luyện Đinh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ha-tang-giao-thong-qua-tai-rat-can-them-nhung-cay-cau-moi-90156.html