Hạ tầng giao thông là khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh

Phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, TP Hồ Chí Minh cũng đã và đang phải đối mặt với chuyện quá tải về hạ tầng đô thị khi mật độ dân số cao gấp 15-20 lần cả nước. Trong đó vấn đề nan giải nhất là chuyện ngập nước, kẹt xe đang hàng ngày kìm hãm các mục tiêu tăng trưởng của thành phố và làm giảm chất lượng sống của người dân.

Xác định rõ điều này, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố mang tên Bác đã chọn hạ tầng giao thông làm khâu đột phá để đưa kinh tế - xã hội của thành phố tăng tốc nhanh hơn nữa. Ngoài một loạt công trình đã hiện hữu hoặc đang được gấp rút hoàn thành để đưa vào sử dụng như tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên nối từ trung tâm thành phố ra vùng ven để tạo đà cho việc khởi động một loạt dự án tuyến metro tiếp theo.

Về đường bộ, công trình hầm vượt sông Sài Gòn trên tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt sau nhiều năm đưa vào khai thác đến nay vẫn còn giữ kỷ lục với cả khu vực Đông Nam Á về quy mô và đang tạo đà mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội ven tuyến kênh Bến Nghé cũng như khu đô thị mới Thủ Thiêm và hỗ trợ giao thông cho cảng container lớn nhất cả nước là Cát Lái.

Cầu vượt vào sân bay Tân Sơn Nhất, một công trình cấp bách để giảm ùn tắc cho khu vực sân bay.

Ở khu vực nội thành, nhiều cầu vượt giao lộ tại những nút giao trọng điểm hoặc khu vực tập trung đông người như sân bay Tân Sơn Nhất cũng đã và đang được thành phố khẩn trương xây dựng. Về chống ngập, cùng với việc đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để thay thế hệ thống thoát nước đã cũ kỹ; đầu tư nạo vét, cải tạo kênh rạch… thì điểm nhấn trong các công trình hạ tầng chống ngập của thành phố là dự án giải quyết ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư gần 10 ngàn tỷ đồng đã được thành phố khởi động từ giữa năm 2016.

Sau hơn 1 năm thi công, thời điểm này dự án đã hoàn thành được 46% khối lượng, các hạng mục chính là 6 cống ngăn triều đang dần hiện hữu. Điều này khẳng định mục tiêu kiểm soát triều để hạn chế ngập lụt cho hơn 6,5 triệu người dân ở bờ hữu sông Sài Gòn và ở khu vực trung tâm thành phố trên vùng diện tích 570km2 đang ngày càng gần về đích.

Cùng với những nỗ lực vận dụng cơ chế như đổi đất lấy hạ tầng, hợp tác công - tư, xã hội hóa để thu hút nguồn vốn trong dân… để đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng của thành phố, những năm qua trung ương cũng đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư hạ tầng giao thông, đô thị để hỗ trợ thành phố phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tuy nhiên, trước áp lực phát triển nhanh về kinh tế và tình trạng gia tăng dân số cơ học, hạ tầng giao thông, đô thị của thành phố hiện còn rất thiếu.

Như lời phát biểu của đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trong ngày khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa X nhiệm kỳ 2015-2020 vào ngày 18-8 vừa qua, thì 1km2 đất đô thị, chiều dài đường giao thông phải đạt 10km, nhưng hiện nay thành phố mới chỉ đạt chưa đầy 20% so với chuẩn này.

Dù trong 6 năm qua độ dài đường giao thông của thành phố đã tăng từ 1,45km/km2 lên 1,98km/1km, song với tốc độ phát triển như hiện nay, TP Hồ Chí Minh cần từ 167 đến 230 năm nữa mới đạt chuẩn giao thông đô thị. Do đó muốn đạt chuẩn trong 25 năm tới, tốc độ xây dựng đường xá phải gấp 7 lần thời gian qua.

Trong điều kiện khó khăn về vốn đầu tư, thành phố đã kiến nghị Thủ tướng chấp thuận áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo hình thức đối tác công - tư đối với 12 dự án trọng điểm với số vốn đầu tư lên đến vài chục ngàn tỷ đồng. Trong đó thành phố đặc biệt quan tâm đến các dự án mở rộng giao thông ở khu vực cửa ngõ như dự án xây dựng đường Vành đai 2 từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội, qua địa bàn quận 9, chiều dài 3,82km, mặt đường rộng 67m, đáp ứng 8-10 làn xe với tổng mức đầu tư khoảng 5.732 tỷ đồng; Dự án xây dựng đường Vành đai 2 từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng, chạy qua địa bàn quận 9, quận Thủ Đức có chiều dài 2km, mặt đường rộng 67m, quy mô 8-10 làn xe với tổng mức đầu là 1.324 tỷ đồng. Hai dự án này được đặt mục tiêu để giảm tải cho tuyến ra vào cảng Cát Lái và cửa ngõ trọng điểm của thành phố.

Ở hướng kết nối với các tỉnh, thành khu vực miền Tây, dự án đường Vành đai 2 chạy từ nút giao An Lạc đến đường Nguyễn Văn Linh đi qua quận Bình Tân, quận 8 và huyện Bình Chánh với chiều dài 5,3km, mặt đường rộng 60m, phục vụ 8-10 làn xe có tổng mức đầu tư của dự án khoảng 6.059 tỷ đồng.

Tại hướng kết nối với tỉnh Tây Ninh, dự án mở rộng quốc lộ 22 trên đoạn dài hơn 58km, mặt đường rộng từ 60-120m, đáp ứng 8-10 làn xe, tổng mức đầu tư của dự án là 6.500 tỷ đồng. Trong khu vực nội thành, dự án xây dựng đường trục Bắc - Nam đoạn từ đường Hoàng Diệu đến đường Nguyễn Văn Linh, đi qua địa bàn quận 4 và quận 7 dài hơn 3,7km, chiều rộng 40-60m dành cho 8-10 làn xe, tổng vốn đầu tư dự kiến là 5.430 tỷ đồng.

Để hạn chế kẹt xe, dự án trung tâm điều khiển và hệ thống giao thông đô thị thông minh có kiểm soát trên 3.800 con đường, tổng chiều dài 3.600km và 1.400 nút giao thông có tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng. Rồi dự án xây dựng đường trên cao số 1 đi qua quận Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh có chiều dài 9,5km, mặt đường rộng 17,5m dành cho 4 làn xe, tổng vốn đầu tư của dự án là 17.500 tỷ đồng… cũng đã được thành phố tính toán.

Xa hơn nữa, tuyến đường sắt nối từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ có chiều dài khoảng 134km, tốc độ thiết kế trên 200km/giờ cho tàu khách và 150km/giờ cho tàu hàng, vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD cũng đã cũng đã được thành phố và các tỉnh, thành trên tuyến khởi động để có thể hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2024. Khi những dự án này được hoàn thành sẽ hứa hẹn tiếp tục làm thay đổi diện mạo của thành phố về hạ tầng. Nhưng quan trọng hơn, khi đưa vào khai thác, các dự án trên sẽ phát huy tác dụng kéo giảm tình trạng kẹt xe, ngập nước hàng ngày cho người dân thành phố.

Dù vậy, bài học về kiểm soát tình trạng tăng dân số cơ học quá nhanh gây áp lực không nhỏ lên hạ tầng đô thị cũng đã được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS thành phố thẳng thắn nêu ra. Đó là, thực tế dân số của thành phố hiện đã ở mức gần 13 triệu người, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư, với dân số tăng trung bình mỗi năm tương đương dân số một quận.

Trong khi đó, nhiều năm liền số liệu thống kê chính thức của thành phố chỉ xác định dân số ở mức 8,3 triệu người. Do đó việc cân đối chỉ tiêu dân số phải đặt trong tầm nhìn của toàn thành phố, vượt ra khỏi ranh giới từng quận và sát hợp với thực tế để thành phố không bị động về phát triển hạ tầng như vừa qua.

Bảo Sơn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/ha-tang-giao-thong-la-khau-dot-pha-de-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-tp-ho-chi-minh-456442/